Tại buổi tọa đàm “Đường đi của tỷ giá 2016” chiều ngày 18/1, ông Bùi Quốc Dũng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nhấn mạnh tỷ giá giữa đồng Việt Nam và USD sẽ linh hoạt nhưng vẫn có sự can thiệp của NHNN.

images1444143_ty_gia_usd_1.jpgẢnh minh họa

Đại diện NHNN cũng gửi thông điệp, vùng mục tiêu tỷ giá trong 3 tháng đầu năm sẽ biến động chỉ khoảng 1%. Sau hai tuần NHNN áp dụng cách thức điều hành tỷ giá mới, tỷ giá trung tâm của VND diễn biến tăng/giảm linh hoạt hàng ngày trước những diễn biến trên thị trường thế giới như đồng Nhân dân tệ (NDT) giảm giá mạnh tác động giảm giá một số đồng tiền châu Á, chứng khoán Trung quốc suy giảm, chỉ số USD tăng cao…. “Tỷ giá giao dịch trên thị trường trong nước có diễn biến giảm khoảng 50 - 60 đồng so với cuối năm 2015, các giao dịch ngoại tệ trên thị trường diễn ra thông suốt, thanh khoản của thị trường tốt”, ông Dũng thông tin.

TS Lê Xuân Nghĩa đánh giá, ở cách thức điều hành tỷ giá mới, NHNN công bố tỷ giá trung tâm hàng ngày, bám sát diễn biến cung cầu ngoại tệ trong nước và quốc tế, do đó, tỷ giá trung tâm biến động có tăng, có giảm. Trong nước, năm 2016 và những năm tiếp theo, tổng ngoại tệ vào Việt Nam vẫn lớn hơn tổng ngoại tệ ra khỏi Việt Nam. Nói cách khác cung cầu ngoại tệ về cơ bản là dư thừa nếu Việt Nam khắc phục được tình trạng găm giữ ngoại tệ.
Ở thị trường quốc tế, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) bắt đầu đi vào chu kỳ tăng lãi suất, đồng NDT hiện nay so đầu năm giảm giá 1,3% và so với trước thời điểm áp dụng cơ chế tỷ giá mới 11/8/2015 giảm giá 5,9% (tỷ giá liên ngân hàng giao ngay). “Việc đưa ra áp dụng cơ chế điều hành tỷ giá mới chính là để phản ứng với sự thay đổi nhanh chóng của bối cảnh kinh tế tài chính quốc tế trong đó có diễn biến của đồng NDT”, ông Nghĩa nhận xét.
Trong khi đó ông Bùi Quốc Dũng đánh giá: “Về mặt lý thuyết, khi tỷ giá tăng sẽ giúp giá hàng hóa xuất khẩu trở nên rẻ hơn, tạo điều kiện nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa trong nước khi ra thị trường quốc tế. Tuy nhiên, việc điều chỉnh tăng tỷ giá có thể khiến chi phí nhập khẩu trở nên đắt hơn, nghĩa vụ nợ quốc gia tăng lên, gây áp lực đến lạm phát…”. Vì vậy, trong điều hành tỷ giá, NHNN phải tính toán đến các yếu tố tác động đa chiều nhằm tối đa hóa lợi ích chung của nền kinh tế, góp phần thực hiện các mục tiêu vĩ mô như kiểm soát lạm phát, phát triển kinh tế vĩ mô bền vững, giảm thiểu gánh nặng nợ nước ngoài, ổn định lãi suất trong nước”, ông Dũng cho biết.

Theo đại diện NHNN, sang năm 2016, NHNN sử dụng công cụ kỳ hạn như một biện pháp kỹ thuật để định hướng vùng mục tiêu tỷ giá cho DN và thị trường nắm được. “NHNN đã bán ngoại tệ phái sinh kỳ hạn 3 tháng cho các tổ chức tín dụng với giá cao hơn 1% so với tỷ giá hối đoái tại thời điểm 31/12/2015. Qua đó, NHNN gửi thông điệp rằng vùng mục tiêu tỷ giá trong 3 tháng đầu năm sẽ biến động chỉ khoảng 1%”, ông Dũng nhấn mạnh.
Theo Kinhtedothi