Miền Bắc đang hứng chịu đợt rét đậm nhất kể từ đầu mùa đông. Nhiệt độ thấp tới 12 - 13 độ C kèm theo mưa càng làm cho việc di chuyển cư dân đi 2 bánh ta gặp khó khăn và phát sinh những sự cố phiền toài không đáng có.
Những "sự cố" thường gặp của xe máy khi trời lạnh
Một trong những "sự cố" phổ biến nhất khi đi xe máy trong thời tiết lạnh là khó khởi động xe. Nhiệt độ thấp làm cho khả năng bay hơi của nhiên liệu giảm khiến cho hỗn hợp nhiên liệu, không khí trong buồng đốt không đủ độ "đậm đặc" để xe nổ máy. Trời lạnh và ẩm cũng có thể làm xuất hiện những giọt nước ngưng đọng trong bộ chế hòa khí làm cho xe khó khởi động.
Để khắc phục tình trạng này, cần đóng le (bằng cách kéo ra) để nhiên liệu vào buồng đốt nhiều hơn giúp xe dễ nổ. Khi xe đã nổ ổn định, cần mở le về vị trí ban đầu.
Sau khi nổ máy, nhiều chiếc xe có hiện tượng nổ giật cục. Đây là hiện tượng thường gặp ở xe máy khi thời tiết giá lạnh, nhất là ở dòng xe số. Nguyên nhân là do nhiệt độ thấp làm giảm khả năng bôi trơn. Đây cũng là thời điểm độ hao mòn của động cơ cao nhất.
Cần cho xe nổ máy ở chế độ không tải trong khoảng 1 đến 2 phút cho đến khi máy nổ đều mới bắt đầu di chuyển.
Một trong những sự cố thường gặp khi trời lạnh là tay phanh rất cứng. Nhiệt độ thấp làm cho dầu tay phanh bị khô khiến cho việc phanh bằng tay khá khó khăn. Điều này có thể gây mất an toàn trong những sự cố bất ngờ trên đường. Để khắc phục tình trạng này, cần bảo dưỡng dây phanh thường xuyên, tra dầu mỡ vào dây phanh để đảm bảo chúng được hoạt động trơn tru trong thời tiết giá lạnh.
Đặc biệt, không nên để phanh quá căng. Bởi khi đi xe máy găng tay hoặc khi tay bị tê cứng do thời tiết việc sử dụng lực bóp phanh sẽ không còn chính xác. Do vậy, để dây phanh quá căng có thể làm xe dừng lại đột ngột khi thắng gây nguy hiểm cho bản thân và người xung quanh.
Mẹo chống lạnh khi đi xe máy
Một trong những cách đơn giản nhất để chống lạnh là trang bị kính chắn gió cho xe. Chiếc kính chắn gió sẽ hỗ trợ tuyệt vời cho chúng ta tránh được thời tiết giá lạnh.
Để chống chọi với cái rét nói chung và khi đi xe máy nói riêng thì điều quan trọng nhất là cần ăn uống đủ chất. Quá trình chuyển hóa calo sẽ sinh ra nhiệt giúp cơ thể giữ ấm. Trước khi ra ngoài, nên uống một cốc nước gừng ấm. Đặc biệt, không nên uống rượu bia hoặc caffeine vì chúng có thể gây mất nhiệt cho cơ thể.
Người đi xe máy sẽ phải chịu cái rét lớn hơn nhiều. Chính vì vậy, cần mặc đủ ấm khi đi xe máy. Nên mặc nhiều lớp áo trong đó, chiếc áo ngoài cùng phải có chức năng chắn gió. Bạn cũng đừng quên khẩu trang, găng tay và khăn giữ ấm cho cổ. Tuy nhiên, một trong những điểm đáng lưu ý là không nên mặc nhưng đồ quá rờm rà hoặc làm ảnh hưởng đến vận động của tay hoặc chân.
Trong thời tiết giá lạnh lại có mưa, bạn nên giữ cho cơ thể khô ráo tuyệt đối vì nước dẫn nhiệt tốt hơn không khí 200 lần. Việc để ướt khi trời lạnh có thể khiến bạn gặp rắc rối về sức khỏe.
Nếu phải di chuyển trên đường dài bằng xe máy, thời tiết làm tê cứng các ngón tay, chân khiến cho việc điều khiển xe không còn chính xác có thể gây nguy hiểm cho bản thân và người đi đường. Vì vậy, cần thường xuyên dừng xe, đi lại để máu lưu thông đồng thời để cơ thể lấy lại nhiệt bị mất trong quá trình di chuyển.