Ở vòng loại thứ 2 vừa qua, bên cạnh những đối thủ quen thuộc trong khu vực như Thái Lan, Malaysia hay Indonesia, ĐT Việt Nam bắt đầu được thử lửa với đối thủ cấp châu lục là ĐT UAE và thực tế đã chứng minh con đường tiếp theo của các chiến binh sao vàng đang gập ghềnh nhưng lại có ý nghĩa hơn bao giờ hết.
Quả vậy, 2 trận đấu mới đây của ĐT Việt Nam trước Arabia Saudi và Australia là những trải nghiệm nghẹt thở thực sự, là những trận đấu không cân sức và thuộc về những đẳng cấp khác nhau. Tuy nhiên, thực tế cho thấy bên cạnh những thua thiệt phải chấp nhận, ĐT Việt Nam đang từng bước trưởng thành và có thể làm được nhiều hơn sau khi vượt qua những choáng ngợp ban đầu, tự thăng bằng trở lại với ý chí và bản lĩnh của một đội bóng đang lên và đang đi đúng hướng.
Các đối thủ như UAE ở vòng 2 hay Arabia Saudi, Australia ở vòng 3 đều có thể hình, thể lực tốt hơn, điều kiện thời tiết phù hợp hơn và hiện đang thi đấu ở các giải bóng đá hàng đầu Châu Âu, Châu Á… nên không có gì khó hiểu khi đối phương luôn chủ động dồn ép, chơi tấn công trước ĐT Việt Nam. Các đối thủ vừa nêu thường có thời gian kiểm soát bóng vượt trội, từ khoảng 65-75%, buộc thầy trò ông Park Hang-seo chỉ có một lựa chọn khả dĩ nhất là đá phòng ngự-phản công.
Trong tình thế hơn hẳn của đối phương, dĩ nhiên ĐT Việt Nam đều gặp khó cả trong phòng ngự lẫn phản công và không thể lấy kết quả thi đấu của họ ở cấp khu vực (hòa 2 trận trước Thái Lan, cùng thắng 2 trận trước Malaysia và Indonesia) để so bì với cấp châu lục (thua liên tiếp 3 trận), để rồi cho “điểm kém” hay chỉ trích một vị trí nào đó, kể cả những sai lầm các cầu thủ gặp phải, như trường hợp bất khả kháng của trung vệ Duy Mạnh trong trận gặp Arabia Saudi.
Chỉ xin lấy một số liệu đối đầu của các cầu thủ ĐT Việt Nam và ĐT Australia để thấy sự thua thiệt, khó khăn cũng như sự cố gắng vươn lên của các chiến binh sao vàng theo thống kê của phần mềm Instant: Tỷ số đối đầu chung cuộc là 62-77 nghiêng về ĐT Australia. ĐT Việt Nam có 5 cầu thủ giành được điểm số đối đầu cao hơn đối thủ, 1 cầu thủ đạt điểm số hòa, gồm Ngọc Hải (4-1), Tiến Dũng (4-0), Hoàng Đức (12-10), Tuấn Anh (4-2), Trọng Hoàng (7-5), Quang Hải (2-1) và Hồng Duy (5-5)…
Điều đó góp phần giải thích cho việc hệ thống phòng ngự của ĐT Việt Nam về cơ bản hoạt động tốt, nhờ khả năng đối đầu tốt của Ngọc Hải, Tiến Dũng cũng như Trọng Hoàng, Hồng Duy và Thành Chung (8-9), khả năng phòng ngự từ xa được cải thiện nhờ sự cơ động của Tuấn Anh và khả năng đánh chặn, chuyển trạng thái của Hoàng Đức.
Thống kê này phản ánh đúng vị trí “nóng” nhất của Hoàng Đức và sự tiến bộ vượt trội của tiền vệ này trong đội hình ĐT Việt Nam và đây mới chính là niềm hy vọng lớn nhất cho mọi toan tính đường dài của bóng đá Việt ở sân chơi World Cup trong tương lai gần. Tất nhiên, thống kê cũng cho thấy hoạt động khó khăn của hàng công khi liên tục bị đối thủ đeo bám và ngăn chặn: Tiến Linh (3-16), Văn Toàn (4-6), Đức Chinh (0-3)…
Trong 3 trận đấu khó khăn vừa qua ở cuối cùng vòng 2 và đầu vòng 3, nhìn vào các chỉ số phản công và các thời điểm ĐT Việt Nam để thủng lưới cũng có thể thấy rõ một đồ thị đáng mừng. Trận đấu ĐT Việt Nam phản công tốt nhất, bất ngờ và có hiệu quả nhất là phút thứ 3 trận đấu gặp Arabia Saudi trên sân khách cùng siêu phẩm của Quang Hải. Còn trong trận đấu gặp Australia trên sân Mỹ Đình, đến phút thứ 5 ĐT Việt Nam bắt đầu có tình huống phản công đầu tiên kết thúc bằng cú tạt của Trọng Hoàng, trận trước đó nữa gặp UAE trên sân khách cũng phải phút thứ 10 mới có tình huống phản công cũng của Trọng Hoàng…
Nếu tính 3 bàn thắng ghi được (Tiến Linh, Minh Vương và Quang Hải) sau 3 trận, rõ ràng ĐT Việt Nam không tệ trong tấn công dù gặp đối thủ lớn. Trong khi đó, việc ĐT Việt Nam để thủng lưới sớm nhất cũng phải đến phút 31 trận gặp UAE, phút 42 trong trận gặp Australia và mãi tới phút 55 trong trận gặp Arabia Saudi. Điều đó chứng minh rằng, càng thi đấu thì các chiến binh sao vàng càng tạo được sự vững vàng về thế trận. Nếu không gặp khó khăn về thời tiết, nếu đảm bảo được thể lực và may mắn hơn thì ĐT Việt Nam có thể sẽ làm được nhiều hơn so với kết quả hiện tại.
Như trên đã nói, cầu thủ của các đội bóng hàng đầu châu lục hiện đều đang thi đấu ở các giải bóng đá lớn nên sự chuyên nghiệp mọi lúc, mọi nơi của họ là điều không cần bàn luận. Nhưng hãy nhớ lại cách UAE sau khi ghi 3 bàn vào lưới đối thủ đã để ĐT Việt Nam vùng lên gỡ 2 bàn vào những phút cuối trận, cách người Australia ghi một bàn rồi chơi chậm lại trước ĐT Việt Nam… chính là một “khoảng trống” mà thầy trò ông Park Hang-seo cần xâm nhập và khai thác.
Những tình huống phản công cả sớm lẫn muộn của ĐT Việt Nam cũng đều cần được tính toán kỹ vì sau 3 trận thì mọi thứ đều đã rõ như ban ngày.
Hy vọng khi ĐT Việt Nam sau 1 tháng nữa sẽ tập hợp đầy đủ lực lượng và thi đấu tốt hơn những trận đấu vừa qua, trước hết là đạt mục tiêu có 1 điểm, sau đó mới là 3 điểm nếu chơi bùng nổ, ngoan cường và may mắn...