Những ngày này, dù công việc tập trung phòng, chống dịch Covid-19 hết sức bận rộn, chiếm nhiều thời gian nhưng trên tài khoản Facebook của Ban Dân số các xã ở Nam Đàn vẫn hoạt động và cập nhật thường xuyên. Nội dung cập nhật chủ yếu là các bài viết và hỏi đáp liên quan đến Chính sách Dân số và Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ).
Đó là các vấn đề về bình đẳng giới trong gia đình; chăm sóc sức khỏe trong thời điểm dịch bệnh; phòng, chống viêm nhiễm phụ khoa; sàng lọc dị tật bẩm sinh ở trẻ sơ sinh; nguyên nhân và hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh.
Được biết, thời gian dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, nhất là thực hiện các Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19, Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Nam Đàn đã chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền trên mạng xã hội Facebook. Bởi lẽ, việc sinh hoạt, hội họp các CLB phải tạm ngừng, các buổi truyền thông, lồng ghép cũng không được phép tổ chức.
Trong khi đó nhiệm vụ tuyên truyền, vận động thực hiện các chủ trương, chính sách về dân số không thể sao nhãng. Việc thực hiện tuyên truyền thông qua mạng xã hội là một giải pháp hợp lý, mang tính chất tình thế và có thể áp dụng rộng rãi ở nhiều địa phương. Vì mạng xã hội giờ đã phổ biến khá rộng rãi, đa số người dân, nhất là những cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ đều có thể sử dụng để giao lưu, giải trí và tiếp nhận thông tin.
Cùng với Nam Đàn, huyện Hưng Nguyên được đánh giá là địa phương có nhiều sáng tạo trong đổi mới phương thức truyền thông dân số trong bối cảnh dịch Covid-19 đang bùng phát. Các hoạt động truyền thông dân số và phát triển với quy mô lớn đang được tạm dừng. Nhưng để đảm bảo thực hiện tốt các mục tiêu đã đặt ra, đội ngũ cán bộ dân số ở đây đã chú trọng đổi mới phương thức truyền thông bằng cách đa dạng hóa hình thức tuyên truyền.
Theo bà Cao Thị Nhung - Quyền Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện, trong điều kiện dịch Covid- 19 đang diễn biến phức tạp, các xã, thị trấn vẫn duy trì và nâng cao chất lượng chương trình phát thanh cung cấp thông tin về dân số và phát triển cho người dân vào thứ 5 hàng tuần. Những văn bản mới, thông tin thời sự và điển hình về chính sách dân số của Đảng và Nhà nước, tình hình biến động dân cư của địa phương được cập nhật kịp thời và thường xuyên trong các chương trình phát thanh.
Bên cạnh đó, mô hình truyền thông trực quan bằng pa nô, khẩu hiệu, áp phíc cũng được tăng cường. Hiện nay, trên địa bàn huyện Hưng Nguyên có hơn 1.200 câu khẩu hiệu bờ tường, bờ rào được phân bố ở các tuyến đường quốc lộ, huyện lộ, đường liên xã và đường xóm, khối.
Nội dung các thông điệp truyền thông được chuyển tải ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ. Đây là kênh truyền thông có tác động tích cực đến thái độ và hành vi của nhân dân, có tác dụng động viên đông đảo mọi tầng lớp nhân dân thực hiện tốt chính sách Dân số - KHHGĐ.
Đặc biệt, các xã, thị trấn đã chú trọng tuyên truyền các nội dung trên trang mạng xã hội, cụ thể là tài khoản Facebook của các đơn vị, thu hút hàng nghìn lượt người dân vào truy cập và theo dõi tin tức.
Đồng thời, các đơn vị tăng cường tiếp thị phương tiện tránh thai đến các đối tượng có nhu cầu. Tăng cường vận động người dân tham gia chương trình tiếp thị xã hội dưới nhiều hình thức để thay đổi thói quen, thái độ, hành vi và chấp nhận chi trả khi sử dụng các phương tiện tránh thai qua kênh cán bộ dân số cấp xã, cộng tác viên dân số.
Lồng ghép hoạt động tuyên truyền, giới thiệu sản phẩm tiếp thị xã hội các phương tiện tránh thai vào các hoạt động của các ban ngành, đoàn thể tuyên truyền phòng chống dịch Covid 19.
Một lần nữa chúng ta khẳng định, trong điều kiện dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nguy cơ lây lan giữa cộng đồng còn lớn, Chính phủ chỉ đạo cách ly toàn xã hội, việc đổi mới hình thức truyền thông dân số là thực sự cần thiết. Với hình thức tuyên truyền qua mạng xã hội, người dân miền xuôi có nhiều thuận lợi trong tiếp nhận, vì các loại phương tiện (máy tính, điện thoại thông minh) đã khá phổ biến.
Nhưng ở miền núi - vùng cao, đặc biệt là các bản làng vùng sâu, vùng xa, trình độ dân trí còn hạn chế, phương tiện còn thiếu, mạng Internet còn chưa phủ kín sẽ ít tính khả thi hơn. Vì thế, theo bà Lô Thị Chiên - Phó Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Tương Dương, hình thức tuyên truyền phổ biến và hiệu quả nhất hiện nay vẫn là chương trình phát thanh được duy trì đều đặn hàng tuần. Các xã, bản đã đẩy mạnh lồng ghép với chương trình tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19, tranh thủ thời gian để nâng cao hiệu quả tiếp nhận.
Trong những ngày này, toàn xã hội đang nỗ lực chung tay phòng, chống dịch bệnh, những người làm công tác dân số cũng đang góp sức đẩy lùi dịch Covid-19. Cán bộ dân số các huyện, xã và cộng tác viên dân số thôn, bản đều tham gia tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
Ủng hộ tinh thần và vật chất, tham gia tiếp nhận lương thực, thực phẩm và hỗ trợ cho cán bộ, chiến sỹ đang làm nhiệm vụ tại các khu cách ly tập trung và chốt kiểm dịch. Đơn cử như cán bộ và cộng tác viên dân số các xã vùng trung tâm huyện Tương Dương đều tự nguyện tham gia thu gom, vận chuyển nhu yếu phẩm của bà con các bản về khu cách ly tập trung trên địa bàn.
Cán bộ, nhân viên Trung tâm DS-KHHGĐ và 18 xã, thị của huyện Hưng Nguyên ủng hộ 3 triệu đồng cho các lực lượng tham gia phòng, chống dịch. Đồng thời, tham gia công tác hậu cần phục vụ các công dân cách ly tại Trung tâm Y tế huyện...
Như vậy, trong điều kiện đặc biệt, thực hiện cách ly toàn xã hội, hạn chế giao tiếp và tập trung đông người, đội ngũ cán bộ, cộng tác viên dân số ở Nghệ An đã nỗ lực, sáng tạo để duy trì công tác thông tin, tuyên truyền, đảm bảo mục tiêu về dân số. Đồng thời, thể hiện trách nhiệm với xã hội, góp phần hạn chế sự lây lan của dịch Covid-19.