Ngủ trên bàn, mặc bỉm trong phòng xét nghiệm

Yên Thành là một huyện có nhiều xã và nhiều cơ quan, công sở, trường học đóng trên địa bàn, cũng là địa phương có nhiều con em đã và đang đi xuất khẩu lao động. Vậy nên, khi dịch Covid-19 “theo chân” những người trở về từ nước ngoài, huyện Yên Thành chịu nhiều áp lực trong công tác phòng, chống dịch. Những áp lực đó nhanh chóng được cụ thể hóa bằng những phần việc như khai báo y tế, giám sát y tế, cách ly phòng dịch hay vệ sinh môi trường.

bna_thanhcuong_94767491256_1942020.jpgKhu cách ly tập trung huyện Yên Thành. Ảnh: Thành Cường

Chung tay phòng, chống dịch Covid-19 ở địa phương những tháng ngày qua, người ta thấy nhiều, biết nhiều về những cán bộ, chiến sĩ, y, bác sĩ ở khu cách ly; song lại ít biết về những công việc lặng thầm của những cán bộ y tế Khoa Kiểm soát dịch bệnh, Trung tâm Y tế huyện Yên Thành. Nhiệm vụ của các cán bộ này là điều tra dịch tễ, phun tiêu độc, khử trùng; ở đâu có nguy cơ dịch, họ có mặt. Bác sĩ Nguyễn Thành Vinh - Trung tâm Y tế huyện Yên Thành chia sẻ: “Phòng, chống dịch Covid-19, y, bác sĩ của khoa chưa có “bữa nào ngon, giấc ngủ nào tròn”. Phần việc quá lớn, số lượng người thực hiện chuyên môn ít, thành thử anh, chị em làm việc xuyên ngày, xuyên đêm. Mệt mỏi quá lại tiện đâu ngủ đấy, hồi sức tý lại dậy làm việc tiếp... Mệt mỏi, vất vả nhưng ai cũng quyết tâm cao vì sức khỏe cộng đồng”.

Cán bộ y tế Khoa Kiểm soát dịch bệnh, Trung tâm Y tế huyện Yên Thành ngủ trên bàn. Ảnh: Thành Vinh

Phòng, chống ở tuyến huyện là vậy, ở tuyến tỉnh càng vất vả hơn. Các y, bác sĩ, kỹ thuật viên của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An luôn trong tình trạng phờ phạc do mất ngủ. Những phần việc như xây dựng văn bản kế hoạch, tổ chức họp, tập huấn, kiểm tra, giám sát, điều tra dịch tễ và phân loại, lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm và đưa người nghi nhiễm về khu cách ly, điều trị... diễn ra liên tục, đã khiến các y, bác sĩ không còn một giây phút nào ngơi.

3 tháng nay, các tổ công tác của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tổ chức lấy trên 8.000 mẫu xét nghiệm Covid-19. Y sĩ Phạm Thị Bảo là một thành viên trong tổ lấy mẫu. Tính chất công việc đã yêu cầu chị và các đồng nghiệp thường xuyên xuôi, ngược khắp tỉnh để đến với những trường hợp có tiếp xúc gần với người bệnh, những công dân vừa trở về từ nước ngoài đang thực hiện nhiệm vụ cách ly. Bảo vệ mình, chị Bảo và các đồng nghiệp suốt ngày phải mặc đồ bảo hộ và khẩu trang bức bối. Chiếc khẩu trang y tế tuy mềm mại, mỏng manh nhưng cũng kịp in lên khuôn mặt chị những vết hằn, cần nhiều ngày mới có thể trở lại bình thường.

Y sĩ Phạm Thị Bảo với khuôn mặt in hằn vết khẩu trang. Ảnh: Thành Cường

Y sĩ Phạm Thị Bảo chia sẻ: “Công việc đã lên lịch trình sẵn có, rất gấp rút, bận rộn, không thể nào trì hoãn, bởi nó có thể liên quan đến sức khỏe, tính mạng nhiều người. Thành thử các cán bộ y tế đi lấy mẫu phải lấy xe làm nhà. Việc xuất phát từ buổi sáng, làm việc liên tục đến sáng hôm sau cũng trở thành bình thường. Nhiều khi anh, chị em chúng tôi còn không đủ thời gian để ăn. Mỗi khi mặc đồ bảo hộ vào là xác định phải làm việc trong nhiều giờ, anh, chị em tự bảo nhau phải hạn chế uống nước, giảm đi vệ sinh, thậm chí có khi phải mặc bỉm”.

Bố, mẹ cách ly khỏi... con

Để phòng, chống dịch Covid-19, tỉnh Nghệ An đã thiết lập gần 30 khu cách ly tập trung của tỉnh tại 21 huyện, thành, thị; bắt đầu đón công dân từ nước ngoài trở về thực hiện cách ly 14 ngày kể từ ngày 17/3/2020. Tính đến ngày 16/4, Nghệ An đã thực hiện cách ly tập trung cho 7.000 người... Để chăm lo sức khỏe, phục vụ nhu cầu sinh hoạt của công dân trong quá trình cách ly, Nghệ An đã huy động 1.000 người (bao gồm cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an và y tế) vào “cùng ăn, cùng ở” tại khu cách ly.

Nghệ An đã huy động 1.000 người (bao gồm cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an và y tế) vào “cùng ăn, cùng ở” tại các khu cách ly. Ảnh: Thành Cường

Mỗi lực lượng, mỗi người ở khu cách ly có một nhiệm vụ khác nhau. Với các cán bộ, chiến sĩ quân đội thì đó là chăm lo hậu cần, điều hành khu cách ly; với cán bộ, chiến sĩ công an là bảo vệ an ninh, trật tự; với cán bộ y tế là chăm sóc, theo dõi sức khỏe cho người cách ly... Điểm chung nhất giữa họ là vì sức khỏe cộng đồng nên cùng “chịu” cách ly đúng 14 ngày (thậm chí là hơn) như các công dân trở về từ nước ngoài.

Điều dưỡng Lê Thị Oanh, thực hiện nhiệm vụ ở khu cách ly tập trung tại doanh trại Ban Chỉ huy Quân sự huyện Nam Đàn chia sẻ: “Tổ y tế tại khu cách ly gồm có 3 người. Mỗi ngày, chúng tôi thực hiện thăm khám, đo thân nhiệt cho 158 công dân, mỗi người 2 lần. Ngoài ra, còn chăm sóc cho các trường hợp đặc biệt khác như bị bệnh mãn tính, nguy cấp, thai phụ hay tai nạn thương tích... 

Điều dưỡng Lê Thị Oanh trao đổi cùng đồng nghiệp tại khu cách ly tập trung huyện Nam Đàn. Ảnh: Thành Cường

Cũng như các cán bộ, chiến sĩ, công dân cách ly, y, bác sĩ chúng tôi khi vào đây cũng đã xác định rõ tinh thần “chấp nhận” cách ly, xa gia đình, người thân, con cái vì nhiệm vụ. Vất vả, lo lắng, nhớ nhà, nhớ con... Tất cả đan quyện lại thành một cái gì đó rất khó nói. Nhưng chúng tôi luôn quyết tâm làm tốt công việc của người thầy thuốc mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó”.

Không những cán bộ, chiến sĩ, cán bộ y tế trong khu cách ly mà còn rất nhiều cán bộ phục vụ ở vòng ngoài cũng phải thực hiện “cách ly” cùng con cái. Trung úy Nguyễn Thị Hải Hà - nhân viên nuôi quân của Ban Chỉ huy Quân sự huyện Nam Đàn là một trong số đó. Trong những ngày phục vụ cho công dân cách ly, 3 giờ sáng, chị Hà lặng lẽ thức dậy, nhẹ hôn 2 con yêu, rồi nhờ bà ngoại trông hộ cháu, lên xe ra khỏi nhà (chồng chị mấy năm trước đã ra nước ngoài làm việc). Đến đơn vị, chị Hà cùng các đồng đội trong tổ hậu cần nấu bữa sáng cho 158 công dân cách ly. Chị Hà kể về công việc: “Ngày 3 bữa nghe thì đơn giản nhưng nấu ăn, phục vụ cho gần 200 người thì không đơn giản chút nào. Đơn cử bữa sáng cần nấu 4 yến gạo, 300 quả trứng. Nấu xong thì chia cơm, rửa dọn, rồi lại chuẩn bị bữa trưa, bữa chiều. Công việc bếp núc lầm lũi mãi đến 10 giờ đêm mới về đến nhà. Lúc này con cũng đã ngủ...”.

Y sĩ Nguyễn Văn Tâm đang làm nhiệm vụ ở Trạm Kiểm dịch y tế Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn (Kỳ Sơn). Ảnh: Thành Cường

Những người phục vụ khu cách ly chỉ phải “cách ly” xa nhà hơn nửa tháng trời; còn những y, bác sĩ, cán bộ, chiến sĩ trên tuyến đầu chống dịch ở vùng biên giới, cửa khẩu thì cách biệt gia đình hàng tháng. Nhiều người từ tết đến nay chưa một lần được ghé thăm nhà do còn phải trực chiến chống dịch. Y sĩ Nguyễn Văn Tâm, làm nhiệm vụ ở Trạm Kiểm dịch y tế Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn (Kỳ Sơn), nhà ở huyện Quỳ Hợp cũng như vậy. Tâm kể: “Từ ngày 18/3 - 3/4/2020 vừa qua, lượng người nhập cảnh từ Lào về Việt Nam qua Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn là trên 1.700 người. Nhiệm vụ của chúng em là kiểm tra y tế, bao gồm kiểm tra giấy tờ liên quan y tế và kiểm tra thực tế, sàng lọc các nguy cơ dịch và tuyên truyền về dịch Covid-19. Nhớ con, nhớ gia đình nhưng chúng tôi không có thời gian về. Mà có thời gian về cũng không dám về bởi hàng ngày tiếp xúc gần với rất nhiều người từ nước ngoài về, biết đâu mình về lại đem dịch lây cho người thân, cộng đồng”.

Lực lượng Biên phòng Đồn cửa khẩu Thông Thụ thực hiện tuần tra, kiểm soát người nhập cảnh trái phép trên thượng nguồn sông Chu. Ảnh: Thành Cường

Tương tự, Thượng úy Hồ Trọng Thiết - Tổ trưởng Tổ công tác chốt chặn kiểm dịch ở Đồn Biên phòng Thông Thụ (Quế Phong) cũng cho hay: “Từ đầu mùa dịch đến bây giờ, tất cả anh em quân số của tổ, của đồn đều thực hiện canh gác 24/24h để đảm bảo ngăn chặn người xâm nhập trái phép qua bên giới từ đường bộ, đường thủy. Anh em "lên chốt" làm nhiệm vụ đã nhiều ngày tháng rồi, có đồng chí đã hơn 2 tháng chưa về với gia đình… Nhớ con, nhớ nhà, chiều xuống chỉ có thể bật điện thoại gọi video, động viên vợ con, cha mẹ. Sau mỗi cuộc gọi, nhiều đồng chí nước mắt lại rơi”.

Trong trận chiến với dịch Covid-19 này, những giọt mồ hôi mệt nhọc, những giọt nước mắt nhớ thương... cứ lặng lẽ và âm thầm lấp lánh!