1. Tuyên bố đanh thép của ông Putin
Tổng thống Nga Vladimir Putin đọc thông điệp liên bang trước các nghị sĩ quốc hội và khách mời tại trung tâm triển lãm Manezh, Moscow, ngày 1/3. Ảnh: AFP. Tổng thống Nga Putin tuyên bố, lập trường mới của Mỹ về hạt nhân cho phép tấn công hạt nhân để đáp trả một vụ tấn công thông thường, và như vậy, nếu Nga bị tấn công bằng vũ khí hạt nhân, nước này sẽ không ngần ngại đáp trả đúng kiểu.
Cảnh báo trên được Tổng thống Putin đưa ra trong bài phát biểu hàng năm trước quốc hội nước này hôm 1/3. Cũng trong bài phát biểu, ông đã nói về hàng loạt hệ thống vũ khí chiến lược tiên tiến mới, có thể chống lại các vũ khí chống tên lửa của Mỹ. Tổng thống Putin cũng đề cập tới lập trường hạt nhân mới của Mỹ, vốn nới lỏng một số quy định khi Mỹ chuẩn bị sử dụng vũ khí hạt nhân.
2. Căng thẳng Mỹ - Triều Tiên gia tăng
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: GOP Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố lệnh trừng phạt mạnh nhất từ trước tới nay đối với Triều Tiên. Lệnh trừng phạt tác động tới 60 công ty và cá nhân được cho là nguồn lực hỗ trợ cho Triều Tiên.
Ngay sau đó, Bộ Ngoại giao Triều Tiên tuyên bố mọi lệnh trừng phạt đều là "hành động chiến tranh". Bình Nhưỡng khẳng định sẽ trừng phạt Mỹ theo cách riêng.
Bên cạnh đó, Triều Tiên cáo buộc Nhật Bản âm mưu xâm lược nước này. Cảnh cáo Tokyo những mưu đồ như vậy sẽ dẫn đến "thảm họa".
3. Thế vận hội khép lại tín hiệu ấm dần quan hệ liên Triều
Vận động viên hai miền Triều Tiên diễu hành dưới một lá cờ thống nhất. Ảnh: AFP Thế vận hội mùa đông Pyeong Chang 2018 đã kết thúc vào chiều 25/2, đem lại những tín hiệu tích cực trong quan hệ liên Triều. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un bày tỏ sự hài lòng trước sự đón tiếp chân thành từ phía Hàn Quốc đối với phái đoàn của Triều Tiên.
Bà Kim Jo Yong, em gái nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã trao bức thư của anh trai cho Tổng thống Hàn Quốc Moon Yae In. Ông Moon khẳng định liên Triều nên cùng tạo điều kiện để chuyến thăm Triều Tiên của Hàn Quốc sớm thành hiện thực.
4. Địa ngục trần gian Syria vẫn hứng mưa bom, bão đạn
"Địa ngục trần gian" Đông Ghouta. Ảnh: AP Ngày 27/2 lệnh ngừng bắn 5 giờ/ngày của Tổng thống Nga Putin bắt đầu có hiệu lực, nhưng chiến sự vẫn diễn ra ác liệt ở Đông Ghouta, Syria. Nơi đây được mô tả là "địa ngục trần gian", liên tiếp vẫn xảy ra các cuộc không kích của quân chính phủ khiến 500 người đã thiệt mạng. Riêng trong ngày 27/2, ngày đầu tiên của lệnh ngừng bắn đã có ít nhất 6 người thiệt mạng.
5. Giám đốc truyền thông Nhà Trắng từ chức
Giám đốc truyền thông Nhà Trắng Hope Hicks. Ảnh: AP. Nhà Trắng ngày 28/2 cho biết Hope Hicks, 29 tuổi, quyết định thôi chức phụ trách truyền thông của Nhà Trắng một ngày sau khi cô tham gia phiên điều trần kín kéo dài 9 giờ tại Ủy ban Tình báo Hạ viện, liên quan đến cuộc điều tra nghi vấn Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, Reuters đưa tin.
Theo các trợ lý, Hicks đã đến gặp Tổng thống Donald Trump và nói cô muốn nghỉ việc để tìm kiếm các cơ hội bên ngoài. Robert Trout, luật sư đại diện cho Hicks, từ chối bình luận.
Sarah Sanders, người phát ngôn Nhà Trắng, khẳng định quyết định của Hicks không liên quan đến cuộc điều trần. Hiện chưa rõ thời điểm Hicks chính thức từ chức, dự kiến trong vài tuần tới.
6. Người Nga bắt đầu bỏ phiếu bầu tổng thống
Một cử tri Nga ở Siberia bỏ phiếu. Ảnh: Sputnik Công dân Nga ở các khu vực xa xôi hẻo lánh ngày 27/2 bắt đầu bỏ phiếu bầu tổng thống nhiệm kỳ mới trước khi cuộc bầu cử chính thức diễn ra vào ngày 18/3.
Luật Nga về bầu cử tổng thống nêu rõ, các hoạt động bỏ phiếu sớm không được diễn ra trước quá 20 ngày so với ngày bầu cử chính thức. Việc bỏ phiếu sớm cho phép thủy thủ và hành khách Nga trên các tàu tại các cảng nước ngoài, nhân viên tại các trạm nghiên cứu ở vùng cực cũng như công dân Nga ở các vùng xa xôi có thể bỏ phiếu bầu.
Công dân Nga sinh sống tại nước ngoài cũng được phép bỏ phiếu sớm, nhưng không được sớm hơn 15 ngày so với ngày bầu cử chính thức. Điều này nghĩa là, họ có thể bỏ phiếu bầu tổng thống bắt đầu từ ngày 2/3.
7. Trung Quốc đề xuất bỏ giới hạn hai nhiệm kỳ đối với Chủ tịch nước
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Bloomberg/SCMP. Tờ Bưu điện Hoa nam buổi sáng dẫn một bản tin của Tân Hoa Xã ngày 25/2 cho biết, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đề xuất loại bỏ dòng nội dung quy định Chủ tịch nước và Phó chủ tịch nước Trung Quốc "sẽ phục vụ không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp" ra khỏi Hiến pháp nước này.
Sau đó, Tân Hoa Xã công bố toàn bộ bản đề xuất dài 4.480 từ bằng tiếng Trung Quốc. Đề xuất này sẽ được Quốc hội Trung Quốc xem xét trong kỳ họp vào tháng tới. Bản đề xuất được đề ngày 26/1, một tuần sau khi Trung ương Đảng Trung Quốc với hơn 200 ủy viên có cuộc họp bàn về sửa đổi Hiến pháp.
Ông Tập Cận Bình, 64 tuổi, tái đắc cử Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 10 năm ngoái và được dự kiến sẽ trúng thêm một nhiệm kỳ Chủ tịch nước thứ hai tại kỳ họp Quốc hội bắt khai mạc vào ngày 5/3.