Những tháng ngày này, Bộ Công an đang cùng lúc thực hiện hai việc lớn, đang được xã hội đặc biệt quan tâm, theo dõi. Một là thực hiện Đề án một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Hai là phát hiện đấu tranh sàng lọc, loại khỏi lực lượng những phần tử tiêu cực, tự chuyển hóa, diễn biến, lợi ích nhóm, thậm chí sa ngã đến mức trở thành tội phạm.
Cả hai việc, theo nhận xét của người dân, đều thuộc hàng đại sự; về quy mô, mức độ, chưa từng diễn ra trong lịch sử ngành công an nước nhà. Giữa hai việc lớn này, dường như có mối liên hệ. Thực trạng bộ máy và những tiêu cực nảy sinh ngay trong lực lượng công an, trong một thời gian dài trước đây, buộc phải đổi mới, sắp xếp lại bộ máy sao cho tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Thực hiện thành công đề án cũng là nhằm hạn chế, triệt tiêu những tiêu cực như đã từng xảy ra; khôi phục, củng cố lòng tin của nhân dân và của đảng với lực lượng “thanh kiếm và lá chắn” từng được dân hết lòng thương yêu, đảng hết mực tin tưởng.
16 năm trước, lực lượng công an nước nhà cũng đã một lần gặp sự cố đau lòng, khi có tới 13 cán bộ chiến sỹ, trong đó có 2 vị tướng, cấp thứ trưởng dính vào vụ án Năm Cam. Nhiều người trong số đó từng được tôi luyện, thử thách qua thực tiễn trận mạc, từng lập chiến công, được phong tặng danh hiệu Anh hùng, nắm giữ vị trí trọng yếu trong lực lượng. Thế nhưng, họ đã vấp ngã trước sức mạnh vật chất từ băng nhóm xã hội đen.
Nhìn lại vụ sa ngã “dính chùm” 16 năm trước, nhận ra có nhiều điểm na ná, tương đồng với các vụ việc khiến nhiều cán bộ công an dính chàm, phạm tội gần đây. Cũng có biểu hiện lạm dụng và lợi dụng quyền lực vì lợi ích cá nhân. Cũng có biểu hiện, hành vi bao che, bảo kê, đồng lõa với tội phạm. Cũng bị đặt trong vòng ngắm chuyên án lớn, sử dụng quân địa phương điều tra, vây bắt tội phạm nằm trong quân của Bộ. Cũng bị khởi tố, truy tố, chịu án tù, chịu hình thức kỷ luật, thân bại danh liệt...
Bài học đau xót 16 năm trước dường như rơi vào quên lãng. Một số cán bộ chủ chốt trong lực lượng, những năm tháng qua không lấy làm bài học nằm lòng để tự nhắc mình. Họ trượt ngã, cũng chính trên con đường ham hố vật chất vô hạn độ, dẫn tới vực thẳm với những biểu hiện quy mô, mức độ và tính chất nghiêm trọng bội phần. Nhóm tội phạm lần này không chỉ bảo kê mà còn có dấu hiệu dung dưỡng tội phạm, đồng lõa với tội phạm. Họ không phạm tội riêng lẻ mà có dấu hiệu nhóm lợi ích, có tổ chức, có cấp trên cấp dưới, và tỏ ra trắng trợn, liều lĩnh, bất chấp. Lợi ích vật chất mà họ được ăn chia cũng “khủng” hơn bội phần: nhiều chục phần trăm trong số hàng nghìn tỷ đồng!
Điều đặc biệt nguy hiểm khi họ- những tội phạm nằm ngay trong cơ quan phòng chống tội phạm, thực hiện hành vi phạm tội ngay nơi cơ quan phòng chống tội phạm. Tội phạm được quyền lực che chắn, bảo vệ sẽ mặc sức tác oai tác quái, gây họa cho xã hội, nguy hiểm bội phần so với tội phạm thông thường.
Thử tưởng tượng, những tội phạm ngoài xã hội, khi được cán bộ phòng chống tội phạm bảo kê, nó sẽ mọc thêm vây cánh, nanh nọc, và hậu quả mà nó gây ra cho xã hội sẽ nặng nề, nhiều mặt và lâu dài như thế nào?
Thử tưởng tượng, khi những ông tướng phòng chống tội phạm trở thành đồng lõa, đồng phạm với tội phạm ngoài xã hội? Chưa nói tới sự nguy hiểm của dấu hiệu mầm mống ma-phi-a nảy nòi trong lòng xã hội chúng ta, chỉ nói tới kỷ cương phép nước, trật tự xã hội, uy tín lực lượng, danh dự cá nhân- những khái niệm vốn cao cả và nghiêm túc, khi ấy sẽ trở thành hài hước.
Những ông tướng Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa trượt ngã vào thời điểm khá điển hình, khi toàn Đảng toàn Dân đồng tâm hiệp lực đấu tranh bài trừ giặc nội xâm; khi lò lửa đốt cháy tham nhũng, tha hóa, tiêu cực đang đến độ; khi cán bộ chiến sỹ toàn lực lượng công an ngày ngày học tập và làm theo tấm gương đạo đức, tư tưởng Hồ Chí Minh, thấm nhuần 6 điều Người căn dặn công an nhân dân... Đây cũng là giai đoạn xảy ra nhiều vụ án sử dụng công nghệ cao để đánh bạc, lừa đảo, rửa tiền khiến nhiều gia đình tiêu tán, xã hội bất an.
Từ vụ án Năm Cam đến vụ án sử dụng công nghệ cao đánh bạc, rửa tiền và một vài vụ án khác liên quan đến một số cán bộ cấp cao lực lượng công an, cho thấy rất nhiều bài học thực tiễn, đặc biệt có ích đối với người đứng đầu các cơ quan có chức năng phòng chống tội phạm. Hãy thận trọng và cảnh giác với những thủ đoạn lạm dụng hoặc lợi dụng biện pháp nghiệp vụ để toan tính lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, làm tổn hại uy tín tổ chức, phương hại đến lợi ích quốc gia.
Hãy tỉnh táo, kịp thời phát hiện, ngăn ngừa biểu hiện hành vi bảo kê, dung dưỡng, thậm chí nuôi dưỡng tội phạm, tạo ra những “tội phạm sân sau” phục vụ mưu đồ cá nhân hoặc một nhóm người. Hãy giao quyền và tuyệt đối tin tưởng cán bộ, nhưng thường xuyên sử dụng cơ chế giám sát, kiểm tra nhằm kiềm chế, ngăn chặn biểu hiện lạm quyền, sử dụng quyền năng vô hạn độ...
Đối diện với thực trạng không chút ngọt ngào, là cách để thêm dũng khí vượt qua nó. Nhìn thật thấu đáo những biểu hiện tiêu cực trong lực lượng công an vừa qua, là để nhận diện, hàn vá những khoảng trống cơ chế.
Giờ đây, các cơ quan phòng chống tội phạm lại phải mài sắc mười phần vũ khí sắc bén của mình, để vừa đủ sức đấu tranh ngăn ngừa, tấn công tội phạm ngoài xã hội, vừa có đủ nghị lực, dũng khí đấu tranh, phát hiện, loại trừ tội phạm ngay trong tổ chức, lực lượng của mình. Những cảnh báo về những “bầy sâu” hay “tiêu cực nằm ngay trong cơ quan, tổ chức có chức năng phòng chống tiêu cực” mà các vị lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước từng nhiều lần lưu ý, nhấn mạnh, không phải là chuyện xa xôi. Từ những Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa, Phan Văn Anh Vũ... trong lực lượng công an, cho thấy yêu cầu đổi mới, sắp xếp bộ máy, thanh lọc đội ngũ đi liền giám sát quyền lực, “nhốt quyền lực vào cái lồng quy chế lập pháp”, như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tỏ ra cấp thiết hơn bao giờ hết.