PV:Thưa Thiếu tướng, ông có thể khái quát lịch sử và mục đích hoạt động của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc (UNHRC)?

Thiếu tướng Lê Văn Cương:Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc (UNHRC) là một tổ chức trực thuộc của Đại hội đồng Liên Hợp quốc được thành lập vào năm 2006, có chức năng và nhiệm vụ chủ yếu là thúc đẩy, bảo vệ nhân quyền trên toàn thế giới. Hoạt động trong một năm của UNHRC sẽ diễn ra 3 kỳ họp, nhằm đánh giá tình hình vi phạm nhân quyền trên thế giới và từ đó đưa ra các quyết định, nghị quyết. Mặc dù các quyết định, nghị quyết này không có tính ràng buộc pháp lý nhưng lại có tác động rất lớn đến uy tín chính trị, vai trò, vị thế của các quốc gia được đề cập trong quyết định của Hội đồng.

unhrc1024x6402524874_2262018.jpgHội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc gồm 47 thành viên chính thức và trên 100 thành viên quan sát viên. Ảnh: Internet

Các vấn đề thường được UNHRC đưa ra bàn bạc bao gồm như bảo vệ quyền của phụ nữ, bảo vệ quyền của các dân tộc thiểu số, các lực lượng yếu thế, đảm bảo dịch vụ y tế, quyền được giáo dục, chống nạn buôn người, chống đối xử vô nhân đạo với những người tị nạn…

Đó là những nội dung hoạt động của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc từ năm 2006 đến bây giờ.

PV:Thưa thiếu tướng, vai trò của Mỹ trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc là gì? Ông có thể nêu nguyên nhân vì sao Mỹ lại rút khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc (UNHRC)?

Thiếu tướng Lê Văn Cương:UNHRC được thành lập vào năm 2006 và chính quyền Tổng thống George W.Bush khi đó đã tẩy chay cơ quan này không tham gia. Lý do mà Hoa Kỳ đưa ra là vì hội đồng này không phản ánh và phê phán được các quốc gia mà Mỹ chỉ trích. Và phải đến thời của Tổng thống Barack Obama, Mỹ mới tham gia hội đồng. Từ năm 2009 - 2012, Mỹ được Đại hội đồng Liên Hợp quốc bầu chọn là thành viên chủ chốt trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc.

Nếu như 8 năm cầm quyền của Tổng thống Obama luôn giữ thái độ đúng mực trong việc giải quyết các mối quan hệ Israel và Palestine, hay như theo đuổi nhất quán một chính sách là hình thành 2 nhà nước Israel và Palestine. Bên cạnh đó, Tổng thống Obama đã lên án, phê phán những hành động vi phạm hiến chương Liên Hợp quốc của chính quyền Israel Do Thái khi liên tục xây dựng các khu định cư, chiếm đóng và tàn sát nhiều người Palestine. Vì thế trong khoảng thời gian đó, mối quan hệ của Hoa Kỳ với Israel trở nên lạnh nhạt và băng giá…

Thì năm 2017, sau khi Tổng thống Donald Trump lên cầm quyền đã theo một chính sách khác với người tiền nhiệm. Đồng thời tuyên bố Hoa Kỳ chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và khởi sự tiến trình dời chuyển đại sứ quán Hoa Kỳ từ Tel Aviv. Quyết định này đang gây phẫn nộ chưa từng có không chỉ ở Palestine, các nước Ả rập và thế giới Hồi giáo mà còn vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, kể cả những nước đồng minh thân cận của Mỹ. Đây cũng là hành động vi phạm nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên Hợp quốc. Trong Nghị quyết năm 1948 của Hội đồng bảo an Liên Hợp quốc chia đôi thành cổ Jerusalem, phía Tây thành cổ này thuộc về nhà nước Israel, phía Đông thuộc về người Palestine.

Việc rút khỏi UNHRC là động thái từ bỏ mới nhất của Mỹ trước các cam kết đa phương sau khi Washington tuyên bố rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và thỏa thuận hạt nhân Iran. Lý do rút khỏi Hội đồng này vì “những kêu gọi của Mỹ về việc cải tổ Hội đồng không được xem trọng”.

Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp quốc Nikki Haley cho rằng, UNHRC chỉ lên án Isarel mà không lên án các quốc gia khác vi phạm nhân quyền như Cu Ba… “Từ lâu, Hội đồng Nhân quyền là tổ chức có xu hướng chính trị sai lệch. Thật đáng tiếc, lời kêu gọi cải cách của chúng tôi đã không được thực hiện. Như lời chúng tôi từng nói năm ngoái, rằng nếu không có sự “tiến bộ” nào, nước Mỹ sẽ rút ra khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc”, bà Haley nói. 

Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley cùng Ngoại trưởng Mike Pompeo trong cuộc họp báo tại Bộ Ngoại giao Mỹ. Ảnh: REUTERS.
Quyết định trên được công bố trong bối cảnh Mỹ đối diện những chỉ trích nặng nề từ dư luận khi siết chính sách nhập cư khiến trẻ em bị tách khỏi cha mẹ ở biên giới Mỹ - Mexico. Cao ủy UNHRC, Zeid Ra'ad al-Hussein trước đó một ngày đã kêu gọi Washington hãy ngưng ngay chính sách mà ông gọi là “vô lương tâm” đó.

Còn Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhấn mạnh, “Hội đồng vẫn tiếp tục lên án và có hành động thiên vị chống Israel là điều không thể chấp nhận được. Kể từ khi được thành lập đến nay, hội đồng đã thông qua nhiều nghị quyết hơn để lên án Israel so với phần còn lại của thế giới”.

Theo tôi, một trong những lý do hội đồng thông qua nhiều nghị quyết hơn để lên án Israel  là bởi Israel đã có nhiều hành động vi phạm nhân quyền ở cấp quốc gia từ năm 1948 đến bây giờ. Vì thế, Israel trở thành một đề mục thứ 7 trong chương trình nghị sự hàng năm, là quốc gia duy nhất chiếm một đề mục trong chương trình nghị sự hàng năm của UNHCR và hàng chục lần bị hội đồng phê phán, lên án. Do đó, để bảo vệ Israel, chính quyền Donald Trump đã rút khỏi UNHRC.

PV:Theo Thiếu tướng, phản ứng của thế giới đối với vấn đề này như thế nào?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Có thể nói việc 19/6 vừa rồi chính quyền Donald Trump rút khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc tạo ra phản ứng khá trái chiều trên thế giới. Các quốc gia ủng hộ quyết định này, vui vẻ nhất, sốt sắng nhất trước hết là Israel. Người phát ngôn của Thủ tướng Netanyahu đã tuyên bố rằng đây là một quyết định can đảm, dũng cảm của chính quyền Donald Trump. Và chắc chắn một số nước Ả Rập đồng minh của Hoa Kỳ như Ả Rập Xê Út cũng hoan nghênh quyết định rút khỏi hội đồng nhân quyền của Mỹ.

Ngược lại, Liên minh châu Âu, cộng đồng quốc tế đều phản đối Mỹ rút khỏi nhân quyền. Nhóm 12 tổ chức bao gồm tổ chức cứu trợ trẻ em, ngôi nhà tự do,... đã cho rằng quyết định này đi ngược lại với an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại của Mỹ.

Ông Ken Roth - Giám đốc điều hành tổ chức giám sát UNHRC nói rằng, dường như tất cả những gì ông Donald Trump quan tâm là để bảo vệ Israel. Còn các nước châu Âu đồng minh của Mỹ dự đoán hành động này có nguy cơ làm xói mòn vai trò của Mỹ trên thế giới.

Tóm lại, quyết định này không có gì bất ngờ và ngạc nhiên, chỉ làm cho vai trò của Mỹ đối với các nước trên thế giới ngày càng bị cô lập.

PV: Thưa thiếu tướng,phải chăng rút khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc cũng là thể hiện chính sách phản đối các định chế đa phương của chính quyền Donald Trump?

Thiếu tướng Lê Văn Cương:Theo tôi điều này có lẽ là đúng. Bởi, hơn một năm mà chính quyền Donald Trump đã xét lại và rút khỏi hàng loạt định chế đa phương như Mỹ rút khỏi UNESCO, rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu và rút khỏi thỏa thuận hạt nhân giữa nhóm P5+1 và Iran…

Đặc biệt, phút chót khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Canada vừa qua, Mỹ rút khỏi tuyên bố chung của G7. Chưa bao giờ G7 rơi vào cuộc khủng hoảng trầm trọng như hiện nay. Gần đây nhất là Mỹ rút khỏi UNHRC.

Phải chăng chính quyền Donald Trump đi ngược lại với xu thế toàn cầu hóa thương mại, hội nhập quốc tế. Donald Trump đang lảng tránh những định chế đa phương và họ theo đuổi những mối quan hệ song phương cả trong kinh tế, chính trị, đối ngoại, an ninh môi trường.

Tôi cho rằng, qua đây chắc chắn vai trò và vị thế của Mỹ bị giảm sút; cộng đồng quốc tế nhìn với con mắt nghi ngờ, giảm lòng tin với Hoa Kỳ, kể cả đồng minh và bạn bè.