(Baonghean.vn)- Ở huyện Tương Dương, người dân đang vào mùa khai thác cây cu li - một loại dược liệu quý có tên là kim mao cẩu tích được người dân gọi với những tên khác như cu lông, cù liền, lông khỉ.
Trên đỉnh dốc núi Vẽ, xã Yên Na, huyện Tương Dương, người dân tập kết cây cu li sau khi vận chuyển từ rừng về để bán cho các thương lái. Đây là loại cây được người dân khai thác và sử dụng làm thuốc từ lâu, một số người miền xuôi dùng lông của cây này để cầm máu. Để đào được cu li, người dân phải đi từ mờ sáng, vượt đỉnh dốc Vẽ, tìm đến vùng núi cao, độ ẩm lớn - là nơi sinh sống của loài cây này. Chiều về, từng đoàn người mang cu li xuống núi. Người dân dùng gùi mang cu li về nơi tập kết ở dưới chân núi Tại đây, cu li được gọt bớt phần lông theo yêu cầu của thương lái. Ngoài phần lông được dùng để cầm máu, phần lõi củ cu li được dùng làm thuốc với tác dụng bổ can thận, mạnh gân xương, trừ phong thấp. Trước đây, cây cu li mọc nhiều trên vùng núi Vẽ, xã Yên Na nhưng hiện nay để khai thác được phải tìm đến các vùng núi sâu hơn. Người dân xã Yên Na cho biết, thợ khai thác cu li thường đi theo nhóm, thường là các cặp vợ chồng. Nếu may mắn gặp bãi cây tốt, mỗi ngày đào được khoảng 1 - 1,5 tạ cu li. Cu li khai thác được bao nhiêu sẽ bán hết bấy nhiêu. Thương lái mang cân vào tận chân núi để mua với giá từ 16 - 18 ngàn đồng/yến. Cu li là cây dược liệu quý, trong đông y có tên là mao cẩu tích. Thế nhưng, việc người dân ồ ạt khai thác đã khiến loài này đang hiếm dần. Nếu không được quản lí, quy hoạch thì chắn chắn trong tương lai, loài dược liệu này sẽ biến mất như một số loại cây quý khác. Video clip: Người dân tập kết cây cu li chờ thương lái thu mua
Nguyên Khoa - Hồ Phương