Cây đót là loài lâm sản ngoài gỗ khá phổ biến trên địa bàn huyện Tương Dương. Theo số liệu từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thông huyện Tương Dương cung cấp, hiện trên địa bàn huyện có khoảng 353 ha. Các xã có diện tích đót lớn gồm: Tam Quang, Tam Thái, Tam Hợp, Xá Lượng, Lượng Minh, Yên Tĩnh, Nhôn Mai, Hữu Khuông…
Đót từ lâu được người dân vùng cao xem như là “lộc rừng” do thiên nhiên ban tặng bởi cây có rất nhiều công dụng như: bông đót được dùng làm chổi quét nhà, quét vôi; có thể dùng làm đệm, gối; lá đót dùng để làm thức ăn cho trâu, bò. Ngoài ra, ở một số địa phương, thân cây đót được người dân dùng để đan lát đồ thủ công mỹ nghệ;…
Do có nhiều công dụng nên nhu cầu sử dụng cây đót trên thị trường là rất lớn, nhiều lúc cung không đủ cầu. Do vậy, việc khai thác, thu hái cây đót rừng tự nhiên đang tăng nhanh và ngày càng cạn kiệt.
Là một trong những gia đình chuyên nghề làm chổi đót bán nhiều năm nay, mỗi năm gia đình chị Mạc Thị Lành, trú tại bản Lũng, xã Tam Thái, phải mua 3 - 4 tấn đót tươi về phơi khô để làm chổi. Tuy nhiên, năm nay đót khan hiếm nên chị phải lặn lội vào tận bản Phá Lõm, xã biên giới Tam Hợp để thu mua.
Chị Lành cho biết “Năm nay giá đót tươi dao động từ 40.000 - 50.000 đồng/yến, so với mọi năm thì năm nay dù giá có cao hơn năm ngoái nhưng vẫn khó mua, không có để mua. Năm nay gia đình tôi phải vào tận xã Tam Hợp để thu mua, thu mua xong còn phải thuê vận chuyển ra. Giá cao lại vất vả, nhưng không mua thì không có đót để làm”.
Tương Dương là huyện miền núi có nhiều vùng đất đồi dốc cao, nằm xa khu dân cư, nếu trồng các loại cây lấy gỗ như keo, xoan, lát… thì chi phí cao, công sức bỏ ra lớn, nhiều năm mới thu hoạch được và rất khó khăn trong việc thu hoạch. Vì vậy, có nhiều diện tích đất bị người dân bỏ hoang.
Để làm tốt công tác bảo vệ rừng, đồng thời phát huy lợi thế lợi thế các cây rừng có giá trị kinh tế tại địa phương, trong năm 2021, huyện Tương Dương sẽ hỗ trợ kỹ thuật cũng như kinh phí cho những hộ dân có nhu cầu tham gia khoanh nuôi, bảo vệ nguồn đót tự nhiên và trồng đót để tăng nguồn thu nhập.
Ông Phan Đức Sơn - Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho biết, cây đót phủ xanh đồi trọc tốt, đất ít bị xói mòn, đầu ra ổn định và cho thu nhập khá cao. Vì vậy, năm nay huyện sẽ chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn tuyên truyền, vận động bà con nhân dân trong toàn huyện bảo vệ nguồn đót tự nhiên hiện có và khuyến khích người dân trồng đót.
Huyện sẽ hỗ trợ kỹ thuật trồng, chăm sóc và kinh phí mua dây thép gai để khoanh vùng bảo vệ, nếu như hộ dân nào có nhu cầu. Bên cạnh đó, bà con không phải lo đầu ra cho đót, huyện sẽ chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện thu mua cho bà con”.
Qua tìm hiểu được biết, cây đót dễ trồng, giống thì có sẵn trong tự nhiên nên người dân không phải đầu tư kinh phí mua giống. Thực tế, điều kiện thổ nhưỡng ở huyện Tương Dương rất phù hợp với cây đót. Bởi vậy, việc khoanh vùng bảo vệ đót tự nhiên và trồng thêm đót sẽ là một hướng đi giúp người dân, nhất là các vùng sâu, vùng xa có hướng đi phát triển kinh tế, sớm thoát khỏi đói nghèo.