(Baonghean) - Bước vào nhiệm kỳ 2010 - 2015, Đảng bộ Tương Dương đặt mục tiêu huy động tổng lực để phát triển kinh tế, xã hội, giảm nghèo bền vững. Dịp này, phóng viên Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với đồng chí Phạm Trọng Hoàng, Bí thư Huyện ủy.
P.V: Xin đồng chí cho biết những kết quả nổi bật nhất mà Đảng bộ, nhân dân huyện đã nỗ lực phấn đấu đạt được trong nhiệm kỳ qua?
Đồng chí Phạm Trọng Hoàng: Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ khóa XXV, nhiệm kỳ 2010 -2015, Tương Dương được sự quan tâm đầu tư, giúp đỡ của Trung ương, của tỉnh, các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là sự đoàn kết, đồng lòng, nỗ lực vượt khó của cán bộ, đảng viên đồng bào các dân tộc nên đã đạt được kết quả khá toàn diện. Có 23/26 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt mục tiêu đề ra. Kinh tế tăng trưởng khá cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2011 - 2015 đạt 13,43% (đạt 122,09% mục tiêu Đại hội); thu nhập bình quân đầu người năm 2015 ước đạt 19 triệu đồng, đạt chỉ tiêu đại hội (MTĐH), tăng 66,7% so với đầu nhiệm kỳ.
Cụ thể, trên lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản có bước phát triển khá toàn diện: Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 382.887 triệu đồng, đạt 102,64% MTĐH. Chăn nuôi tiếp tục khẳng định là ngành sản xuất quan trọng, phát huy lợi thế của địa phương. Lâm nghiệp có bước tăng trưởng khá về trồng rừng, khoanh nuôi, bảo vệ và chăm sóc rừng, nâng độ che phủ rừng lên 62,6%, đạt 100,97% MTĐH, tăng 7,75% so với năm 2010. Các mô hình kinh tế có bước phát triển nhanh cả về số lượng, quy mô, hiệu quả ở hầu khắp các vùng trong huyện, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao đời sống nhân dân, tạo thu nhập ổn định cho các hộ dân.
Công nghiệp - xây dựng tiếp tục phát triển và có mức tăng trưởng khá cao; thương mại, dịch vụ được mở rộng và phát triển khá đa dạng. Việc huy động và sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đã góp phần tạo bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới. Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả tích cực. Có 7 xã đạt từ 1-4 tiêu chí, 8 xã đạt 5-9 tiêu chí; dự kiến 2 xã Tam Thái, Thạch Giám sẽ đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2015.
Các vấn đề xã hội được quan tâm giải quyết, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện. Thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, giải quyết việc làm với kết quả đã hỗ trợ xóa nhà tạm bợ cho 2.488 hộ nghèo; cơ bản đã hoàn thành xoá nghèo đối với các hộ gia đình chính sách; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 71,8% năm 2010 xuống còn 39,38%, bình quân hằng năm giảm 6,5%. Quốc phòng được củng cố, tăng cường; an ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác xây dựng Đảng được coi trọng, có nhiều chuyển biến tích cực. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đảng viên được nâng lên. Chính quyền các cấp được củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động; hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân.
P.V: Quá trình thực hiện các mục tiêu của nhiệm kỳ, Đảng bộ huyện nhận thấy còn những hạn chế cần phải tập trung khắc phục trong thời gian tới như thế nào thưa đồng chí?
Đồng chí Phạm Trọng Hoàng: Trong đánh giá nhiệm kỳ, Ban chấp hành, Ban thường vụ Huyện ủy đã thẳng thắn chỉ rõ những khuyết điểm, hạn chế cần phải được khắc phục như sau:
Kinh tế phát triển chưa bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng, chuyển dịch cơ cấu còn chậm. Sản xuất nông lâm nghiệp hiệu quả thấp, manh mún, nhỏ lẻ. Mạng lưới thương mại quy mô còn nhỏ và phân tán; việc thực hiện nâng cấp xây dựng các chợ nông thôn trên địa bàn còn chậm. Công tác quản lý đất đai, tài nguyên - môi trường có lúc, có nơi thiếu chặt chẽ. Vẫn còn 3 xã vùng trên chưa có đường, điện vào trung tâm xã...
Một số chỉ tiêu về giáo dục, đào tạo, văn hóa, y tế và giảm nghèo chưa đạt mục tiêu; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới còn gặp nhiều khó khăn. Một số vấn đề về xã hội, môi trường còn bức xúc, đặc biệt là tình trạng nhiều người dân ở khu tái định cư của dự án Thủy điện Bản Vẽ quay về vùng lòng hồ sinh sống nhưng chưa có phương án giải quyết hiệu quả.
Tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội vẫn còn tiềm ẩn phức tạp. Tệ nạn ma túy, tội phạm buôn bán người còn diễn biến đáng lo ngại. Tình trạng phá rừng làm nương rẫy, khai thác vàng sa khoáng, lâm sản trái phép, tranh chấp đất đai, xâm canh, xâm cư vẫn còn xảy ra.
Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số tổ chức cơ sở đảng còn hạn chế, nội dung, phương thức lãnh đạo chậm đổi mới; công tác quản lý, điều hành của chính quyền, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc có mặt chưa đáp ứng được yêu cầu.
P.V:Vậy theo đồng chí, bài học kinh nghiệm trong chỉ đạo được Đảng bộ huyện tổng hợp như thế nào?
Đồng chí Phạm Trọng Hoàng: Để chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ mới, chúng tôi rút ra 5 bài học kinh nghiệm như sau:
Một là, thường xuyên chăm lo xây dựng, củng cố sự đoàn kết, thống nhất trong cấp ủy đảng, tạo sự đồng thuận trong hệ thống chính trị và nhân dân; từ đó, tích cực phát huy nội lực, thu hút ngoại lực để thực hiện thành công nghị quyết của Đảng bộ.
Hai là, trong lãnh đạo, chỉ đạo cần vận dụng sáng tạo các chủ trương, nghị quyết của cấp trên, bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng bộ và tình hình thực tiễn của huyện, lựa chọn các trọng tâm, trọng điểm để cụ thể hóa thành các chương trình, đề án cụ thể, phân công rõ trách nhiệm cho tập thể, cá nhân phụ trách. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm và bổ sung kịp thời các giải pháp chỉ đạo thực hiện.
Ba là, thường xuyên chăm lo xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, đủ khả năng lãnh đạo, điều hành tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn; giải quyết tốt các vấn đề bức xúc, nảy sinh thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị cơ sở.
Bốn là, chăm lo thực hiện tốt công tác cán bộ, đặc biệt là công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và bố trí, sử dụng cán bộ từ huyện đến cơ sở. Đẩy mạnh luân chuyển cán bộ trẻ về cơ sở và phân công, bố trí qua nhiều vị trí công tác, để đào tạo, rèn luyện, chuẩn bị tốt nguồn cán bộ kế cận.
Năm là, phải đặc biệt coi trọng và thực hiện tốt công tác dân vận trong quá trình tổ chức thực hiện nghị quyết của Đảng và các cơ chế, chính sách của Nhà nước. Thông tin, giải thích đầy đủ các chính sách, chương trình, dự án liên quan trực tiếp đến nhân dân; tích cực vận động, tạo được sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân trong việc thực hiện các nhiệm vụ trên địa bàn.
P.V: Để phát huy có hiệu quả tiềm năng, lợi thế cũng như các nguồn lực phục vụ phát triển, Đảng bộ huyện có những định hướng, giải pháp như thế nào trong nhiệm kỳ tới?
Đồng chí Phạm Trọng Hoàng: Trong nhiệm kỳ tới, Tương Dương có một số điều kiện thuận lợi: một số định hướng lớn, nhiều cơ chế chính sách, chương trình, dự án đầu tư phát triển vẫn tiếp tục thực hiện. Với quan điểm phát huy nội lực, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, phát triển toàn diện kinh tế - xã hội theo hướng bền vững. Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát huy các tiềm năng thế mạnh của địa phương; đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng và sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa; xây dựng làng có nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch - dịch vụ thương mại; tăng cường đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tạo thêm nhiều việc làm để giảm nghèo bền vững...
Trên cơ sở đó, mục tiêu tổng quát đưa ra là, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng bộ và trách nhiệm của hệ thống chính trị, đoàn kết toàn dân, phát huy nội lực, thu hút mọi nguồn lực phấn đấu đưa Tương Dương sớm thoát khỏi huyện nghèo. Duy trì được mức tăng trưởng kinh tế cao, từng bước ổn định và bền vững; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu cơ bản được xây dựng đồng bộ; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện và nâng lên. Đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
Hữu Nghĩa
(Thực hiện)
CÁC CHỈ TIÊU CHỦ YẾU ĐẢNG BỘ TƯƠNG DƯƠNG PHẤN ĐẤU ĐẾN NĂM 2020 ĐẠT VÀ VƯỢT: 1. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân: 15%. 2. Cơ cấu kinh tế: Nông, lâm nghiệp, thuỷ sản: 31%; Công nghiệp - xây dựng: 28%; Thương mại - dịch vụ: 41%. 3. Thu nhập bình quân đầu người: 40 triệu đồng/ năm 4. Thu ngân sách trên địa bàn: 35 tỷ đồng. 5. Trồng rừng: 4.000 ha. 6. Xã đạt tiêu chí nông thôn mới: 7 xã (đạt 41%). 7. 18/18 xã có đường ô tô đến trung tâm xã 4 mùa. 8. Tỷ lệ giảm hộ nghèo bình quân hằng năm 6%. 9. Bình quân hàng năm giải quyết việc làm cho khoảng 2.500 lao động. 10. Hằng năm, Đảng bộ huyện được cấp trên xếp loại vững mạnh |