(Baonghean) - Donald Trump - người đắc cử Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ là nhân vật đang nhận được nhiều chú ý nhất trên vũ đài chính trị thế giới. Để hiểu rõ hơn vị chủ nhân tiếp theo của Nhà Trắng, chính sách đối nội, đối ngoại của nước Mỹ cũng như quan hệ với Việt Nam trong thời gian tới, Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với PGS. TS. Thiếu tướng Lê Văn Cương - Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học, Bộ Công an.

P.V:Thưa Thiếu tướng, kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ với chiến thắng thuộc về ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump đã khiến dư luận không tránh khỏi sửng sốt. Là một người theo dõi sát sao diễn biến sự kiện lớn này, ông có cảm thấy bất ngờ? Có thể lý giải như thế nào về chiến thắng của Trump?

Thiếu tướng Lê Văn Cương:Trước ngày bầu cử tôi đã cho rằng khả năng chiến thắng dành cho 2 ứng viên ở ngưỡng suýt soát nhau, khó có thể nói chắc được. Bởi thế, việc Donald Trump thắng cử không khiến tôi ngạc nhiên.

Nhưng quả thực, tôi không ngờ rằng ông Trump lại thắng cách biệt bà Hillary đến vậy, hơn 70 phiếu đại cử tri. Nếu con số trên chỉ là 5 - 7 phiếu, điều đó hoàn toàn trong tầm suy nghĩ, nhưng thực tế diễn ra lại hết sức bất ngờ, thậm chí nhiều chính khách lớn trên thế giới cũng có nhận định tương tự.

Và như vậy, lần đầu tiên trong lịch sử Mỹ, một doanh nhân thuần túy, không có kinh nghiệm chính trường ra tranh cử, với những phát ngôn gây sốc nhưng lại trở thành Tổng thống, tạo nên “hiện tượng Donald Trump”. Cần phải thấy rằng, giai đoạn bầu cử 2015 - 2016, Mỹ rơi vào khủng hoảng trầm trọng. Tồn tại vết nứt sâu trong lòng xã hội, người dân nước này không còn đặt niềm tin vào giới tinh hoa, cho rằng họ “nói nhiều nhưng làm chẳng bao nhiêu”.

images1741431_bna_58246eff5f9c7.jpgDonald Trump bắt tay “phó tướng” Mike Pence trong sự kiện ăn mừng đắc cử tại New Yorkvào rạng sáng 9/11 (giờ Mỹ). Ảnh: Thestar.

Thậm chí trong giới tinh hoa, nội bộ các đảng cũng mất đoàn kết, chia năm xẻ bảy, đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đối đầu gay gắt. Trong bối cảnh khủng hoảng chính trị - xã hội sâu sắc, xuất hiện cái tên Donald Trump, là kết quả tất yếu từ đòi hỏi của cử tri đối với một xã hội không thể không thay đổi. Hiện tượng Donald Trump chính là sự phản ánh thực tế khách quan nhu cầu bức thiết của cử tri, của xã hội Mỹ, và thể hiện rõ nhất ở kết quả bầu cử.

Nói cách khác, nếu xã hội Mỹ ổn định, đoàn kết, thì có lẽ chặng đường tranh cử của tỷ phú bất động sản không thể nào tiến xa đến vậy.

P.V:Theo ông, những thách thức trong nước mà Donald Trump phải đối diện sau khi nhậm chức Tổng thống Mỹ vào đầu năm 2017 là gì?

Thiếu tướng Lê Văn Cương:Thách thức lớn nhất đối với Donald Trump là hàn gắn vết nứt sâu trong lòng xã hội Mỹ, và nếu không làm được điều này thì mọi chính sách kinh tế - xã hội của tân Tổng thống sẽ không đem lại hiệu quả như mong đợi.

Còn về kinh tế, đến năm 2016, Mỹ đã thoát đáy khủng hoảng nhưng phát triển còn ì ạch, nợ công lên đến 20.000 tỷ USD, đặt ra thách thức không nhỏ mà dù muốn hay không Trump cũng phải nỗ lực giải quyết.

Chân dung tổng thống thứ 45 của Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters.

Thêm vào đó, vấn đề người nhập cư, kéo theo nguy cơ tấn công khủng bố cũng đòi hỏi sự quan tâm xác đáng, nhằm xoa dịu tâm lý bất an, lo sợ trong cộng đồng dân cư Mỹ. Nếu giải quyết vấn đề nhập cư thiếu cẩn trọng thì sẽ động chạm đến các mối quan hệ quốc tế, nên không nghi ngờ gì đây cũng là tâm điểm trong chương trình nghị sự đối nội của Trump khi chính thức bước vào Nhà Trắng.

Có thể dự đoán, ông Trump sẽ hứa hẹn hàn gắn vết thương trong lòng xã hội Mỹ thông qua chính sách phát triển kinh tế, chẳng hạn như tăng thuế đối với người giàu, tạo nguồn an sinh xã hội; bảo vệ quyền lợi của người lao động.

Ông sẽ tiến hành hàng loạt chính sách, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, yêu cầu Cục dự trữ liên bang tăng lãi suất, đàm phán lại các hiệp định thương mại,… Như vậy, về đối nội, ông Trump sẽ có một số chính sách mới mẻ, đậm màu sắc dân túy.

P.V:Vậy còn chính sách đối ngoại của Tổng thống Trump sẽ tập trung vào những điểm nào, thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng Lê Văn Cương:Đối với những di sản lớn mà chính quyền Obama tạc vào lịch sử Mỹ như kêu gọi thế giới không có vũ khí hạt nhân và chống biến đổi khí hậu, tôi tin Donald Trump vẫn sẽ kế tục. Riêng vấn đề biến đổi khí hậu, ông Trump hiện ôm quan điểm hoàn toàn khác ông Obama, nhưng theo tôi sẽ có sự điều chỉnh.

Đặc biệt, về các quan hệ nước lớn, dư luận cho rằng 4 năm tới dưới thời Trump, quan hệ Mỹ - Nga sẽ từng bước cải thiện, không còn căng thẳng như thời gian qua. Còn với Trung Quốc, sẽ căng thẳng trong lĩnh vực kinh tế là chủ yếu, còn về quốc phòng - an ninh, quan hệ Mỹ - Trung dự báo không có diễn biến gì quá đặc biệt.

Vật phẩm lưu niệm in hình Donald Trump đã được bày bán. Ảnh: NYT.

Các đồng minh của Mỹ hiện lo sợ tuyên bố mang đặc trưng chủ nghĩa dân tộc của Trump rằng ông sẽ toàn tâm toàn ý phục vụ nước Mỹ, giảm can dự vào các vấn đề quốc tế trở thành hiện thực khi Trump vào Nhà Trắng. Trong chiến dịch tranh cử, không dưới một lần Donald Trump khẳng định sẽ yêu cầu các đồng minh NATO chi thêm ngân sách quốc phòng, yêu cầu Nhật Bản và Hàn Quốc bỏ thêm tiền để đảm bảo cho sự đồn trú của quân đội Mỹ.

Như vậy, dù không công khai thể hiện nhưng có thể thấy châu Âu và các nước Nhật Bản, Hàn Quốc đang cảm thấy bất an khi đối diện thực tế rằng Trump sẽ điều chỉnh quan hệ với họ theo hướng giảm cam kết, tác động trực tiếp đến những mối đe dọa đang lơ lửng trên đầu họ.

Nhưng nói gì thì nói, sự điều chỉnh trên cũng không thể đi quá xa, bởi liên minh Mỹ - Nhật - Hàn, Mỹ - châu Âu vẫn là trụ cột trong chính sách đối ngoại của Washington, không tổng thống nào dám bỏ qua.

Đối với những điểm nóng quốc tế hiện nay như bán đảo Triều Tiên, Syria, miền Đông Ukraine,…, có lẽ Trump sẽ “bắt tay” với các đối tác hàng đầu như Nga và Trung Quốc để giải quyết. Đối với chủ nghĩa khủng bố, quan điểm của tân Tổng thống rất quyết liệt, nên tôi cho rằng ông Trump sẽ hợp tác chặt chẽ với Moskva để giải quyết tận gốc cuộc xung đột Syria và tiêu diệt chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan.

P.V:Phải chăng chính sách “xoay trục” sang châu Á - Thái Bình Dương của chính quyền Obama, trong đó có Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ mất đi vị thế hiện nay dưới thời Trump? Thiếu tướng có dự báo gì về mối quan hệ Việt - Mỹ trong những năm tới?

Chiến thắng cách biệt của ông Trump trước đối thủ là bà Clinton khiến nhiều người bất ngờ. Ảnh: Internet.

Thiếu tướng Lê Văn Cương:Đúng là nhiều người lo lắng dưới thời Tổng thống mới, Mỹ sẽ không “xoay trục” nữa, nhưng điều này là không có cơ sở. Trong 10 năm sa lầy vào cuộc chiến chống khủng bố, cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan, vai trò của Mỹ trên thế giới sa sút nghiêm trọng. Ngay tại châu Á - Thái Bình Dương, tức khu vực trọng điểm của thế kỷ 21, các lợi ích chiến lược của Mỹ đối diện thách thức vô cùng lớn, khiến Obama quyết tâm xoay trục, nhằm lấy lại vai trò chi phối thế giới và khu vực của Mỹ.

Chính sách này không phải chỉ mang tính nhất thời, mà kéo dài nhiều thập niên. Không Tổng thống nào dám “quay lưng” với chiến lược này, bởi làm như vậy đồng nghĩa nói lời đoạn tuyệt với lợi ích của Mỹ. Dưới thời Trump, “xoay trục” vẫn sẽ diễn ra, dù có thể với tốc độ, quy mô và lực lượng huy động có đôi chút khác biệt so với dưới chính quyền người tiền nhiệm Obama.

Về quan hệ Việt - Mỹ, sau nhiều năm bình thường hóa, đến năm 2013, Việt Nam và Mỹ đã cùng khẳng định mối quan hệ đối tác toàn diện, phù hợp với lợi ích của 2 bên và tạo ra khuôn khổ cho quan hệ song phương. Trong 4 năm tới khi Donald Trump nắm quyền, chắc chắn Mỹ và Việt Nam vẫn cần có nhau trong các lĩnh vực kinh tế, giáo dục, an ninh - quốc phòng,…

Tôi cho rằng, sẽ không có biến động lớn trong quan hệ Việt Nam với Mỹ, có chăng là khi Trump dành ưu tiên cao nhất cho lĩnh vực kinh tế, có khả năng thương mại hàng hóa, dịch vụ từ Việt Nam sang Mỹ sẽ phải đáp ứng những điều kiện khắt khe hơn. Và như vậy, các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực thủy sản và nông sản phải có sự chuẩn bị cần thiết để kịp thích nghi với tình hình mới.

Thu Giang

(Thực hiện)

 

TIN LIÊN QUAN