(Baonghean.vn) - Có hai lý do mà Mỹ và Nhật Bản đã không dùng hệ thống phòng thủ tên lửa để bắn hạ tên lửa Triều Tiên khi nó bay qua Nhật Bản.
Khả năng làm chủ công nghệ hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên
Về vũ khí hạt nhân
Từ 2006 đến nay, Triều Tiên đã thực hiện 6 vụ thử vũ khí hạt nhân, trong đó 5 lần là bom nguyên tử, vụ thử 3.9.2017 là bom nhiệt hạch.
Quả bom nhiệt hạch Triều Tiên thử ngày 3/9/2017 giải phóng năng lượng khoảng 120 kiloton. Quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống Hiroshima chỉ giải phóng năng lượng 15 kiloton, Nagasaki chỉ 20 kiloton (vào tháng 8/1945). Chứng tỏ Triều Tiên đã làm chủ công nghệ chế tạo bom nguyên tử và bom nhiệt hạch.
Vẫn đề quan trọng là phải thu nhỏ đầu đạn hạt nhân đến mức có thể gắn vào tên lửa đạn đạo. Tháng 2/2017, ông Kim Jong -un tuyên bố việc Triều Tiên đã thực hiện được việc thu nhỏ đầu đạn hạt nhân có thể gắn được vào tên lửa đạn đạo.
Dư luận nửa tin, nửa ngờ về thành tựu thu nhỏ đầu đạn hạt nhân của Triều Tiên. Đây là vấn đề cực khó về công nghệ. Khó khăn nhất là làm thế nào đảm bảo cho đầu đạn hạt nhân duy trì được mức nhiệt độ và áp lực cần thiết để khi trở lại bầu khí quyển không bị cháy nổ.
Trong 1-2 năm tới, có thể Triều Tiên sẽ giải quyết được công nghệ thu nhỏ đầu đạn hạt nhân gắn vào tên lửa đạn đạo.
Về tên lửa đạn đạo
Ngày 29/8/2017, Triều Tiên phóng thử thành công tên lửa đạn đạo Hwasong-12bay qua Nhật Bản. Tên lửa Hwasong-12 bay được 2.700 km đạt độ cao 550 km và rơi vào Thái Bình Dương (vùng biển quốc tế).
Ngày 15/9/2017, Triều Tiên thử thành công tên lửa Hwasong-14 bay qua Nhật Bản. Tên lửa Hwasong-14 bay được 3.700 km, đạt độ cao 770 km rồi rơi vào Thái Bình Dương (vùng biển quốc tế). Khi tên lửa Hawasong-14 bay qua đảo Hokkaido, Nhật Bản đã hú còi báo động và bật đèn cảnh báo cho người dân.
Tên lửa Hwasong-14 thử ngày 15/9/2017 là một thành tựu đặc biệt quan trọng của Triều Tiên và làm cho các tướng lĩnh, học giả quân sự Mỹ bất ngờ, kể cả Tổng thống D.Trump.
Mục tiêu của Triều Tiên là phải chế tạo được tên lửa đạn đạo liên lục địa với tầm bắn từ 8.000 km đến 10.000 km để có thể đưa bom hạt nhân đến lục địa Mỹ (ông Kim Jong-un đã nhiều lần đe dọa hủy diệt nước Mỹ).
Khi đã làm chủ được công nghệ tên lửa tầm bắn 3.700, thì việc tạo tên lửa tầm bắn 8.000 km đến 10.000 km không phải là khó. Có lẽ, chỉ 2-3 năm nữa, Triều Tiên sẽ có tên lửa liên lục địa bắn tới lãnh thổ Mỹ.
Vẫn đề còn lại về công nghệ là Triều Tiên cần nghiên cứu để có khả năng điều khiển tên lửa liên lục địa đến mục tiêu cách xa 10.000 km. Đây là vấn đề rất khó, nhưng Triều Tiên có thể giải quyết được vấn đề này trong 2-3 năm tới.
Tóm lại, Triều Tiên đang sở hữu vũ khí hạt nhân (khoảng 20 quả bom nguyên tử) và đã thành công bước đầu trong việc làm chủ công nghệ chế tạo tên lửa liên lục địa.
Đây là một mối đe dọa chưa từng có đối với an ninh Hàn Quốc, an ninh Nhật Bản và là thách thức đối với an ninh Mỹ.
Tại sao Nhật Bản và Mỹ không bắn hạ các tên lửa Triều Tiên khi bay qua Nhật Bản?
Tên lửa đạn đạo Hwasong-12 phóng ngày 29/8/2017 và tên lửa Hwasong-14 phóng ngày 15/9/2017 đều bay qua bầu trời Nhật Bản.
Có hai lý do mà Mỹ và Nhật Bản không bắn hạ tên lửa đạn đạo Triều Tiên.
Một là, về mặt pháp lý, tên lửa Hwasong-12 ngày 29/8/2017 bay qua Nhật Bản ở độ cao 550 km và tên lửa Hwasong-14 ngày 15/9/2017 bay qua Nhật Bản ở độ cao 750 km rồi rơi xuống vùng biển quốc tế.
Căn cứ vào hệ thống luật pháp quốc tế hiện nay thì cả hai tên lửa đạn đạo Triều Tiên phóng ngày 29/8/2017 và 15/9/2017 đều không trực tiếp xâm phạm chủ quyền của Nhật Bản và Mỹ. Nếu Mỹ và Nhật Bản dùng hệ thống phòng thủ tên lửa để bắn hạ tên lửa của Triều Tiên là vi phạm luật pháp quốc tế và Triều Tiên cho rằng Mỹ và Nhật Bản đã xâm phạm chủ quyền của Bình Nhưỡng. Triều Tiên có thể xem đó là cái cớ “hợp lý” để họ thực hiện các hành động quân sự để đáp trả và tình hình sẽ hết sức phức tạp, thậm chí vượt ra ngoài tầm kiểm soát.
Do đó, Mỹ và Nhật Bản không bắn hạ tên lửa của Triều Tiên.
Hai là, về mặt kỹ thuật, việc dùng hệ thống phòng thủ tên lửa bắn một tên lửa đang bay là vấn đề cực kỳ khó khăn về mặt kỹ thuật. Từ tháng 1.2002 đến 14/8/2017, Bộ Quốc phòng Mỹ đã thử 37 lần đánh chặn tên lửa tầm trung, chỉ 27/37 lần hạ được mục tiêu bằng tên lửa đánh chặn SM.3. Đó là Bộ Quốc phòng Mỹ chủ động tạo ra mục tiêu, nghĩa là biết trước thời gian phóng, địa điểm phóng và quỹ đạo bay của tên lửa. Trong trường hợp tên lửa của Triều Tiên thì hoàn toàn khác.
Mỹ và Nhật Bản không biết trước thời gian phóng, địa điểm phóng và quỹ đạo bay của tên lửa Triều Tiên nên rất khó bắn hạ; xác suất thành công - thất bại chỉ là 50/50, thậm chí thấp hơn. Hơn nữa, các tên lửa Hwasong-12 và Hwasong-14 bay cao hơn 500 km nên việc bắn hạ càng khó khăn, xác suất bắn trúng chỉ 10-20%.
Nếu Mỹ và Nhật Bản bắn trượt (không trúng tên lửa Triều Tiên) sẽ dẫn đến tai họa về mọi mặt (Triều Tiên được thế sẽ lấn tới, còn người dân Mỹ và các đồng minh Hàn Quốc, Nhật Bản sẽ hoang mang, mất lòng tin vào Mỹ...).
Vì hai lý do trên mà Mỹ và Nhật Bản đã không dùng hệ thống phòng thủ tên lửa để bắn hạ tên lửa Triều Tiên khi nó bay qua Nhật Bản.
PGS.TS, Thiếu tướng Lê Văn Cương
(Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược & Khoa học Bộ Công an)