(Baonghean.vn)- Sau cuộc bầu cử ở Đức, Thiếu tướng Lê Văn Cương khẳng định, mối quan hệ Việt - Đức sẽ tiếp tục phát triển theo chiều sâu.

1506415576151.jpgPGS.TS. Thiếu tướng Lê Văn Cương tại trường quay của Báo Nghệ An. Ảnh: Nhật Minh

Phóng viên:Thưa Thiếu tướng Lê Văn Cương, cuộc bầu cử Nghị viện Đức vừa diễn ra hôm 24/9, Thiếu tướng có thể đánh giá những tác động của bối cảnh châu Âu hiện nay đối với cuộc bầu cử ở Đức lần này?

Thiếu tướng Lê Văn Cương:Cộng hòa Liên bang Đức được coi là trụ cột của châu Âu ở hai phương diện. Thứ nhất, Đức là nền kinh tế lớn nhất châu lục. Thứ hai là nền kinh tế lớn nhưng phát triển ổn định hơn một thập niên qua. Mô hình phát triển của Đức có giá trị dẫn đường cho châu Âu. Đức là nước vượt qua các cuộc khủng hoảng và tiếp tục thể hiện giữ được vai trò, vị trí. Trong khi đó, nhiều quốc gia châu Âu lún sâu trong khủng hoảng, nhất là các nước Nam Âu, tiêu biểu như nước Áo.

Qua cuộc bầu cử có thể nhận thấy bối cảnh châu Âu đã tác động đến Đức trên 2 phương diện. Phương diện tích cực là Liên bang Đức bước vào bầu cử trong bối cảnh châu Âu có một số điểm thuận lợi. Trong năm 2017 ở châu Âu có một số cuộc bầu cử tạo dấu ấn đặc biệt.

Cuộc bầu cử ở Hà Lan vào tháng 4 diễn ra cuộc đấu tranh giữa 2 trường phái, phái giữ lại Hà Lan trong Liên minh châu Âu và phái muốn đưa Hà Lan ra khỏi Liên minh Châu âu. Kết quả phần thắng thuộc về lực lượng ủng hộ Hà Lan ở lại châu Âu. Tiếp đó, vào tháng 5, diễn ra bầu cử ở Pháp. Cả châu Âu nín thở giữa cuộc tranh giành giữa 2 ứng viên Emmanuel Macron và Marine Le Pen. Ứng viên Marine Le Pen với cương lĩnh đưa nước Pháp ra khỏi Liên minh châu Âu, nếu Le Pen thắng cử thì nhiều khả năng châu Âu tan rã. Nhưng cuộc bầu cử này đã kết thúc bằng thắng lợi thuộc về Emmanuel Macron, ứng viên ủng hộ nước Pháp ở lại Liên minh châu Âu. Đấy là những điều kiện hết sức thuận lợi cho bầu cử ở Đức, nhất là thuận lợi với bà Angela Merkel, người có quan điểm củng cố sức mạnh của Liên minh châu Âu.

Một thuận lợi nữa là tuy nước Anh ra khỏi Liên minh châu Âu nhưng 27 nước còn lại đang thể hiện sự đoàn kết, nhất là sự thống nhất trong việc đàm phán để nước Anh ra khỏi châu Âu.

Bên cạnh đó, có một số khó khăn đối với nước Đức đó là mặc dầu các đảng cực hữu, các đảng theo chủ nghĩa dân túy, dân tộc chủ nghĩa… không giành thắng lợi, nhưng so với các cuộc bầu cử trước, lực lượng này đang phát triển nhanh, dù họ chưa nắm chính quyền.

Khó khăn nữa là cuộc khủng hoảng người nhập cư đã khoét sâu mâu thuẫn nội khối Liên minh châu Âu. Một số nước công khai phản đối quyết định đòi phân bổ người nhập cư theo tỷ lệ dân số và GDP các nước, trong đó các nước như Tiệp Khắc, Hunggary, Ba Lan… phản đối quyết liệt. Một khó khăn đáng kể nữa là nền kinh tế khu vực eurozone dù vượt qua khủng hoảng nhưng vẫn còn nhiều khó khăn.

Phóng viên: Dư luận cho rằng cử tri Đức rất thờ ơ với cuộc bầu cử Nghị viện hôm 24/9, họ cho rằng đây là cuộc bầu cử tẻ nhạt. Thiếu tướng đánh giá như thế nào về vấn đề này?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Đa số những nhà quan sát đều cho rằng cuộc bầu cử Nghị viện Đức vừa qua hết sức tẻ nhạt. Đơn giản là vì trước khi diễn ra cuộc bầu cử thì gần như cử tri đều biết chắc phần thắng thuộc về bà Angela Merkel. 5 đảng chính trị chính thức còn lại không đưa ra được một nhân vật thỏa mãn yêu cầu cử tri Đức. Không có một gương mặt nào đưa ra con đường phát triển thuyết phục hơn bà Angela Merkel. Cho nên đi bầu hay không thì họ cũng biết người chiến thắng là bà Merkel. Đây cũng là một loại hình khủng hoảng xã hội.

Năm 2016 tại Hoa Kỳ, nước Mỹ rơi vào cuộc đại khủng hoảng chính trị, cử tri Mỹ mất niềm tin vào đường lối hiện tại, họ cần thay đổi. Giới tinh hoa Mỹ bỏ phiếu cho Donald Trump dù họ chưa tin vào ông này, nhưng họ bầu cho Trump vì họ cần sự thay đổi. Tháng 5 vừa rồi nước Pháp cũng rơi vào khủng hoảng, nước Pháp cần thay đổi và người ta bầu Emmanuel Macron.

Nước Đức gặp khủng hoảng mới, khủng hoảng trong điều kiện ổn định. Người Đức đòi hỏi phải thay đổi, nhưng không có đảng nào để đáp ứng được lòng tin của cử tri. Cử tri Đức dù được thụ hưởng các thành tựu kinh tế, xã hội, nhưng điều họ cần là sự thay đổi.

Phóng viên: Nhìn rộng ra, Liên minh châu Âu đang gặp nhiều thách thức. Theo Thiếu tướng, nhiệm kỳ thứ 4 này bà Angela Merkel sẽ phải đối phó với những thách thức nào?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Theo tôi có thể phân thành 2 loại thách thức mà chính phủ của bà Angela Merkel phải đối mặt và vượt qua.

Loại thứ nhất mang tính tình huống và thời gian, đấy là vấn đề người nhập cư. Thách thức với nước Đức là phải đẩy vấn đề này xuống mức bình thường. 4 năm tới, để duy trì vai trò nước Đức là trụ cột trong liên minh châu Âu bà Merkel cần phải điều chỉnh. Những năm vừa rồi nước Đức và Pháp đưa ra các nguyên tắc cứng nhắc, thời gian tới chắc chắn họ phải điều chỉnh, phải mềm hóa để tạo ra đồng thuận.

Loại thách thức thứ 2 là thách thức lâu dài trên 2 phương diện. Một là khu vực đồng tiền chung eurozone, nếu không vượt qua khó khăn này thì Liên minh châu Âu đứng trước nguy cơ tan rã. Muốn hay không muốn bà Markel cũng phải tổ chức lại hệ thống quản trị khu vực đồng eurozone. Đây là khó khăn mang tính cơ bản, lâu dài. Một thách thức nữa là phải đối phó với chủ nghĩa dân tộc mang tính cực đoan, chủ nghĩa dân túy. Những thành phần đòi “ly khai” khỏi châu Âu, ở Đức, Pháp, Hà Lan, Thụy Sĩ, Áo… đang phát triển.

Tôi nghĩ trong 4 năm tới 2 trụ cột liên minh châu Âu là Đức và Pháp đều vượt qua những thách thức nói trên.

Phóng viên:Thiếu tướng khái quát như thế nào về mối quan hệ Đức và Việt Nam? 

Thiếu tướng Lê Văn Cương:Quan hệ Việt Nam và Liên bang Đức 40 năm qua phát triển tốt đẹp. Dù ở Đức người của đảng nào lãnh đạo đi chăng nữa thì mối quan hệ này vẫn ổn định. Quan hệ này phù hợp với lợi ích của Việt Nam và Đức, phù hợp với xu thế hợp tác EU và ASEAN. Đức là trụ cột châu Âu, châu Âu có nhu cầu mở rộng hợp tác với ASEAN. Bản thân Việt Nam cũng có nhu cầu hợp tác với Đức và EU. Đó là cái phông, muốn hay không tiếp tục củng cố. Cả Việt Nam và Cộng hòa Liên bang Đức đều mong muốn phát triển mối quan hệ này ngày một tốt đẹp hơn, đem lại hiệu quả thiết thực hơn cho cả hai bên.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Thiếu tướng Lê Văn Cương.

Thực hiện: Chí Linh Sơn

TIN LIÊN QUAN