(Baonghean) - “Để tôi đưa phóng viên về làng Mỹ Thiện, gặp hai bậc cao niên này. Cứ trực tiếp gặp gỡ, trò chuyện rồi “thấm” những việc làm cao quý của các cụ” - Ông Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Nam Cát (Nam Đàn) hồ hởi khi nghe tôi giãi bày nguyện vọng về thăm những cụ già có nhiều đóng góp cho công tác Mặt trận xã nhà.
 
Làng Mỹ Thiện cách trụ sở UBND xã Nam Cát không xa. Những mái đền rêu phong, bờ giếng làng gạch ong nước trong vắt, hàng cổ thụ tỏa bóng cạnh bờ ao… gợi lên bao cảm xúc trân quý những giá trị truyền thống miệt thôn dã này. Ông Nguyễn Văn Đông, Chủ tịch MTTQ xã Nam Cát dẫn đường. Đường làng nhỏ bé nhưng khá khang trang bởi phần lớn đã được bê tông hóa phẳng lỳ. “Đường làng, ngõ xóm phong quang thế này cũng có sự góp đóng góp tâm sức, công lao của nhiều bậc trưởng lão đấy.... Ta đến thăm gia đình cụ Nguyễn Thị Vân trước nhé!”- ông Nguyễn Văn Đông nhiệt tình bảo.
 
image_637836.jpgCụ Nguyễn Thị Vân (thứ 2, phải sang) tại Hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến người cao tuổi cấp tỉnh
 
Cụ Nguyễn Thị Vân, người làng Mỹ Thiện, theo như câu chuyện vui làm quà của bà con trong thôn khi tôi đến thăm nhà cụ, thì đã thành người “nổi tiếng” khắp làng trên, xóm dưới, xã trong, xã ngoài của huyện Nam Đàn từ lâu rồi. Cụ nổi tiếng vì tấm lòng thơm thảo, vì những việc làm nhân nghĩa của mình và được mọi người ví là “bồ tát” của làng Mỹ Thiện. Cụ Vân đã ngoại bát tuần. Tiết trời cữ này thất thường, sức khỏe cụ yếu hẳn. Khuôn mặt phúc hậu, mái tóc bạc trắng như cước đã vẻ phờ phạc sau mấy ngày đau ốm, cụ phân vân: “Bình thường, tôi có thể ngồi dậy trò chuyện, hoặc đi chơi khắp làng cho khuây khỏa, nhưng hôm nay đành chịu thôi”. Hỏi về việc làm từ thiện, giúp đỡ người nghèo, cụ xởi lởi: “Đó chỉ là tấm lòng đối với những người thiếu may mắn hơn mình, không có gì to tát cả”.
 
Cụ gắng chuyện trò với khách, và thêm những lời đỡ chuyện của người thân trong gia đình, có thể mường tượng được về cuộc đời lắm gian nan của cụ. Cụ Vân sinh ra, lớn lên ở làng Mỹ Thiện. Thuở bấy giờ, cũng như nhiều người làng khác, gia đình cụ quanh năm bươn chải với ruộng đồng nhưng vẫn chịu cảnh đói nghèo. Nhà đông anh em, thế nên, hằn sâu trong ký ức là những ngày khoai, sắn đói quay quắt, cơm không đủ no, áo không đủ mặc. Đói nghèo đeo đẳng mãi. Để có cái ăn hàng ngày, vợ chồng cụ phải làm quần quật, hết việc nọ đến việc kia, gần như không khi nào được ngơi nghỉ. Đến giờ nhớ lại, cụ bảo, điều duy nhất giữ cho cụ là quyết tâm thoát nghèo, vượt khó là để đời con, đời cháu được khấm khá, yên hàn hơn đời mình. “Con người hơn nhau ở chí quyết tâm. Nhiều đận khó lắm rồi cũng qua cả, giờ, con cái trưởng thành, cháu chắt lớn khôn, học hành đàng hoàng ở xa cả. Thân già, thế là mãn nguyện rồi!”- Cụ Vân nhỏ nhẹ tâm sự.
 
Mãn nguyện bề gia đạo, nhưng cụ vẫn luôn canh cánh trong lòng nỗi trăn trở về những cảnh sống nghèo khó xung quanh mình. Thế nên hàng tháng, hàng năm, số tiền dưỡng già, báo hiếu con cháu ở xa gửi về được cụ tích cóp, chỉ dành phần nhỏ để phòng khi ốm đau, bệnh tật, còn tất thảy được gom góp thành một quỹ riêng để làm việc thiện. Mỗi dịp Tết, cụ dành số tiền 4 - 5 triệu đồng để ủng hộ người nghèo ăn Tết, nhiệt tình hưởng ứng phong trào vì người nghèo do UBND xã Nam Cát phát động. Tết năm 2015 này, cụ dành gần 20 suất quà (tổng trị giá 4,6 triệu đồng) để trao tặng cho những gia đình nghèo khó, neo đơn.
 
Theo thống kê của xã, từ năm 2010 đến nay, cụ Vân đã dành số tiền 122 triệu đồng để ủng hộ các loại quỹ từ thiện - xã hội do xã phát động, trong đó phần lớn là Quỹ vì người nghèo. Đó là chưa kể, cụ còn dành hơn 35 triệu đồng để cải tạo, nâng cấp và xây dựng nghĩa trang liệt sỹ xã nhà. Cụ Vân chia sẻ: “Tôi từng sống trong cảnh nghèo khó nên tôi hiểu được những vất vả, cơ cực của những người nghèo. Giờ cũng không phải là giàu, chưa có nhà cao cửa rộng, nhưng con cái đã trưởng thành có tiền phụng dưỡng cho mẹ, có đồng ăn đồng để nên tôi sẵn sàng chia sẻ với những hoàn cảnh nghèo khó, neo đơn. Tôi luôn tâm niệm làm được việc gì có ích cho xã hội phải cố gắng làm”.
 
Tâm niệm đầy nhân văn ấy thấm đẫm trong từng việc làm thiết thực của cụ Nguyễn Thị Vân. Dân làng trên, xóm dưới mãi nhớ về hình ảnh bà cụ chống gậy đến thăm nhà chị Nguyễn Thị Đào (xóm Phú Nhuận) ngày mưa rét. Mấy năm trước, chị Nguyễn Thị Đào gia cảnh éo le, chồng mất sớm, phải nuôi con gái bệnh tật, sống trong căn nhà nhỏ dột nát, không đủ che mưa, tránh nắng. Nghe tin Hội Phụ nữ huyện và xã kêu gọi quyên góp xây dựng nhà tình thương, cụ Vân liền tìm đến ủng hộ 1,5 triệu đồng. Rồi vợ chồng ông Nguyễn Khương Thiện ở cùng làng Mỹ Thiện, tuổi đã cao, thường xuyên đau ốm, lại phải nuôi 3 người con tàn tật, cụ Vân đã dành số tiền 2 triệu đồng tiết kiệm được để hỗ trợ. Tôi nhìn cụ, người đã qua ngưỡng “cổ lai hy”, vẫn miệt mài tích đức cho người, cho đời mà không hề tính toán thiệt hơn, chợt thấy lòng rưng rưng niềm kính phục. 
 
Có phải làng mang tên Mỹ Thiện, nên ở đây, làng như đẹp và ấm áp vô cùng bởi sự lan tỏa từ những tấm lòng thiện nguyện bất kể tuổi tác. Cách nhà cụ Nguyễn Thị Vân không xa, cụ Nguyễn Thị Sâm (80 tuổi) cũng được biết đến là người có tấm lòng thơm thảo, sẵn lòng ủng hộ các quỹ từ thiện - xã hội của địa phương. Ngôi nhà nhỏ giữa chốn quê thanh bình rộn lên tiếng nói, tiếng cười đầm ấm. Biết có khách xa lại nhà, cụ Sâm ới đứa cháu nhanh tay châm trà đãi chuyện. Cụ Sâm có cả thảy 4 người con, hiện cụ  sống cùng vợ chồng người con trai thứ 3.
 
Chuyện thời tuổi trẻ của cụ thì rộn lắm, nào kỷ niệm thuở năng nổ trong công tác phụ nữ cấp xã, nào chuyện lặn lội mưa bom , bão đạn vận động chị em bám ruộng, tích cực sản xuất để chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam… Cụ say sưa kể về kỷ niệm thời tuổi trẻ, và vẫn còn đó những thoáng lặng lẽ khi nhớ về thuở tần tảo sớm hôm, vất vả nuôi con khôn lớn.  “Lúc nào tôi cũng nghĩ, mình khổ mấy cũng qua rồi, nhưng xã hội đang còn những người khổ cực hơn mình. Lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều, chứ không sao đành!”- Cụ Nguyễn Thị Sâm chia sẻ.
 
Cụ Nguyễn Thị Sâm luôn khuyên bảo con cháu làm việc thiện.
 
Cụ Sâm luôn nhiệt tâm đóng góp cho các loại quỹ từ thiện - xã hội địa phương. Tết Ất Mùi vừa rồi, cụ Sâm đã dành cho Quỹ khuyến học 2 triệu đồng, cho Quỹ vì người nghèo và Quỹ hội Người cao tuổi xã  mỗi loại 1 triệu đồng. Mấy năm trước, cụ  từng ủng hộ xóm hơn 10 triệu đồng để tu sửa và xây dựng nghĩa trang. Cụ bảo, không phải chuyện trong nhà chưa trọn mà đã lo chuyện bao đồng xã hội, mà với cụ, “gia đạo vẹn toàn, cháu con phương trưởng, dẫu chưa sang cả bằng người nhưng cũng gọi là có chút dành dụm. Có ít thì làm ít, có nhiều thì làm nhiều, việc nghĩa là ở tâm mình thôi”- cụ tâm sự. 
 
Ông Chủ tịch MTTQ xã Nam Cát khẳng định: Cán bộ, nhân dân xã nhà luôn ghi nhận tấm lòng của cụ Nguyễn Thị Vân và cụ Nguyễn Thị Sâm đối với các hoạt động nhân đạo - từ thiện ở xã nhà, coi đó như là một “đích” giá trị vì cộng đồng để cán bộ, nhân dân noi theo, sống làm việc tốt hơn... Các cụ là những tấm gương sáng về lòng nhân hậu, về tinh thần tương thân, tương ái, sẵn sàng giúp đỡ người nghèo!. Và chúng tôi nhớ mãi nét phúc hậu và nụ cười đầy vẻ nhân ái của cụ Vân và cụ Sâm. Những tờ giấy khen và giấy chứng nhận các cấp, các ngành và đoàn thể trao tặng từ trước đến nay đã khẳng định tấm lòng của các cụ đối với người nghèo. Nhưng quan trọng hơn, tấm lòng ấy được người dân quê hương truyền tụng và các cụ luôn được đón nhận niềm tin yêu, kính trọng của mọi người.
 
Công Kiên - Phương Chi