(Baonghean) - Phát huy lợi thế “cửa ngõ” Thị xã biển Cửa Lò, nhiều nông dân ở xã Nghi Khánh (Nghi Lộc) đã biến khu nuôi trồng thủy sản vắng vẻ trở thành khu kinh doanh đặc sản biển 4 mùa, tạo nghề mới đem lại thu nhập cao cho người lao động và góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương.
Cách đây chưa lâu, khu nuôi trồng thủy sản thuộc xóm Khánh Đông, xã Nghi Khánh còn hoang vu. Khi Tỉnh lộ 536 (hay còn gọi là đường Nam Cấm) được mở nối với Thị xã Cửa Lò, vùng đất hoang vu đó được “đánh thức”, cải tạo đầu tư nuôi trồng tôm, cua. Rồi, tại các đầm nuôi tôm, cua đã mọc lên những nhà hàng đặc sản biển 4 mùa, quần tụ thành khu dịch vụ ẩm thực với tên gọi dân dã: “Đầm Tôm”.
Các nhà hàng ở đây thường được dựng ngay bên cạnh các đầm nuôi tôm, cua. Ai đã từng tới đây đều khó quên một không gian yên tĩnh với khí trời trong lành, mát mẻ lan tỏa lên từ mặt đầm. Du khách được phục vụ tận tình, chu đáo với các món ăn đặc sản biển tùy thích và tươi ngon. Các chủ nhà hàng ở đây phục vụ khách rất chuyên nghiệp, mặc dù mới đó họ chỉ là những nông dân quen làm ruộng và nuôi trồng thủy sản. Họ tiếp cận nghề mới này như là một trải nghiệm trong quá trình tìm việc làm cho thu nhập cao của mình.
Khu ẩm thực Đầm Tôm nay là địa chỉ quen thuộc của nhiều du khách. Khách gần là từ các địa phương trong huyện Nghi Lộc, xa hơn nữa là Thành phố Vinh, rồi khách Hà Nội, Hải Phòng và một số tỉnh phía Bắc khác. Mỗi đoàn khách đến đây đều được thuyết phục bởi không gian và cung cách phục vụ, chất lượng hải sản, nên truyền miệng nhau như một “kênh” quảng bá hiệu quả cho ẩm thực Đầm Tôm.
Khách lạ tìm đến đây, trước hết là để thưởng thức các món đặc sản biển rẻ và ngon, sau đó là không gian phục vụ không kém phần độc đáo, thú vị. Trước nhu cầu khách ẩm thực ngày càng đông nên từ vài hộ ban đầu, nay khu Đầm Tôm đã có 16 nhà hàng kinh doanh đặc sản biển. Các nhà hàng ở đây đã biết khai thác lợi thế của riêng mình, duy trì hoạt động dịch vụ quanh năm. Do các nhà hàng có mặt bằng kinh doanh, một phần thực phẩm tự nuôi trồng được, nên giá thành các món đặc sản ở đây thường thấp hơn 20 đến 25% so với ở phố biển Cửa Lò.
Khu nhà hàng ẩm thực Đầm Tôm đã tạo việc làm cho nhiều lao động, nhà hàng ít cũng 3 - 4 người, nhiều có tới 18 - 20 lao động. Vào mùa cao điểm, lượng lao động đông hơn nhiều. Tùy vị trí việc làm, mức thu nhập người làm công ở đây đạt 4 - 8 triệu đồng/tháng. Sự hình thành và phát triển cụm nhà hàng đặc sản biển Đầm Tôm đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương.
Ông Võ Thanh Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Khánh cho biết: Chính quyền xã đang có dự định phát triển khu ẩm thực. Hiện UBND xã đề nghị Phòng Công Thương huyện phối hợp UBND xã cùng các hộ kinh doanh ở đây xây dựng mô hình “Phố ẩm thực” mang tên xã Nghi Khánh.
Phát huy lợi thế về vị trí địa lý và giao thông, nhiều nông dân Nghi Khánh đã mở nghề kinh doanh dịch vụ ẩm thực. Cấp ủy, chính quyền địa phương cũng đã có dự định mới để phát huy hiệu quả này. Đó quả là một mô hình hay để các địa phương khác ở Nghi Lộc tham khảo, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của mình, phát triển mạnh nghề dịch vụ từ điều kiện biển, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần chuyển dịch đúng hướng cơ cấu kinh tế cho từng địa phương.
Nhật Tuấn
(Đài Nghi Lộc)