(Baonghean) - Người ta vẫn gọi anh là Dũng “khều”. Anh bảo đời anh gói gọn trong hai chữ: bất hạnh. Anh bị tàn tật khi vừa lọt lòng mẹ, lấy vợ chưa được bao lâu thì vợ mất, bỏ lại anh cùng đứa con trai dại khờ. Hai cha con anh chỉ biết trông cậy vào tình yêu thương của bà con làng xóm, sống sót ngày này qua tháng khác trong gian nhà dột nát.
 
Ngôi nhà độc mỗi một gian đã nứt toác, dột nát tại xóm Thái Học, xã Nghi Thái (huyện Nghi Lộc) là nơi cha con anh Vương Tiến Dũng trú ngụ bao nhiêu năm qua. Người làng quen gọi anh là Dũng “khều” vì anh tàn tật từ nhỏ, chân đi la lết, hai cánh tay cứ khoắm vào nhau. Theo lời những người hàng xóm kể lại, khi mẹ hạ sinh anh Dũng tại Trạm xá xã Nghi Thái năm 1967, anh bị nghẹt thở do sinh ngược. Hồi đó, kỹ năng của các y tá trạm xá còn hạn chế, để cứu đứa trẻ sơ sinh họ chỉ biết cầm chân và tay lắc mạnh. Cuối cùng, anh Dũng được cứu sống nhưng phải chịu cảnh tàn phế suốt đời. 
 
 
images1806914_45c.jpgAnh Vương Tiến Dũng ngồi cùng bác dâu trước gian nhà cấp 4 cũ kỹ của mình. Ảnh: Thiên Thiên
Ngày ấy, gia đình anh thuộc diện khấm khá chốn làng quê này. Mẹ anh ở nhà làm ruộng nuôi 5 anh em của Dũng khôn lớn. Cha anh ngày đêm làm việc chăm chỉ để gửi tiền về cho vợ con. Sinh thời, cha của Dũng từng là cán bộ ngành Lao động - Thương binh và Xã hội. Dũng tàn tật nên luôn được cha mẹ yêu thương, chăm sóc đủ đầy hơn cả. Mọi thứ trở nên khó khăn khi cha anh đột ngột qua đời, anh trở thành gánh nặng của mọi người. Cũng từ đấy, cuộc đời anh liên tiếp gặp phải những tai ách, trắc trở.
 
Khi bạn bè cùng lứa bắt đầu ríu rít rủ nhau đến trường, Dũng chỉ biết ngồi trong nhà ngó ra ngoài, mắt ướt nhòa. Mong ước được đi học cùng bạn bè là điều quá xa vời với Dũng, phần vì anh tàn tật, phần vì gia đình quá nghèo khó. “Bị bạn bè trêu chọc, suốt những ngày còn bé tui chỉ dám trốn trong nhà, chơi với mẹ và các anh, chị em” - anh Dũng nói. 
 
Dũng không có khả năng lao động như người bình thường. Tay Dũng run rẩy, lóng ngóng mỗi khi động đến bất cứ thứ gì. Cho Dũng ăn uống, tắm rửa và thậm chí cả đi vệ sinh, một tay mẹ anh ngày ngày chăm sóc cho đứa con trai tật nguyền. Vương Tiến Dũng lớn lên hoàn toàn phụ thuộc vào bàn tay chăm nom của người mẹ già hay đau yếu.  
 
Khi anh, chị em trong nhà đều đã lập gia thất, mẹ Dũng dồn hết mọi lo toan vào đứa con trai bất hạnh. Cứ thế Dũng lớn lên, là một chàng trai tật nguyền hiền lành được làng xóm cảm thông, thương xót. Người làng mến Dũng, rồi mai mối anh cho một cô gái ở bên làng Phong Phú thuộc xã Hưng Hòa (TP.Vinh). Cô gái ấy tên là Dương Thị Oánh và cũng bị tàn tật một chân. Năm 2002, người trong làng ngoài xóm ai nấy mừng rỡ khi được chứng kiến đám cưới của Dũng.
 
Cuộc sống của anh Dũng “khều” như mở ra một trang mới kể từ ngày lấy vợ. Dù không được khỏe mạnh, nhưng vợ anh cũng chăm nom chồng từng ly từng tý. Trước là mẹ, nay mẹ già anh may mắn được vợ thương yêu, săn sóc chu toàn. Hạnh phúc của họ nhân lên khi hơn một năm sau chị Oánh đã sinh cậu con trai khỏe mạnh. Dù vợ chồng tật nguyền không có điều kiện lao động như mọi người, nhưng với tình thương yêu dành cho nhau, niềm vui trọn vẹn khi con trai chào đời, đã giúp gia đình nghèo túng của anh Dũng trở nên ấm áp.
 
Ngày qua ngày, cậu con trai Vương Đình Thành của họ lớn dần lên. Dũng không thể đi làm nên ở nhà quanh quẩn việc bếp núc. Đúng hơn là anh nấu nồi cơm, kho mớ cá mà vợ đã chuẩn bị sẵn mọi thứ trước khi ra đồng. Còn chị Oánh theo bác dâu và các chị hàng xóm đi bắt cua, mò ốc, hái rau mang bán ở chợ, mưu sinh nhọc nhằn để lo cho cuộc sống gia đình nhỏ bé của mình. Không được lành lặn, nhanh nhẹn nhưng chị Oánh thật thà, chịu khó nên ai cũng thương, cũng quý. Ốc, cua bắt được ngày nào bán hết ngày ấy. Nhiều khi trở trời, chân anh Dũng thường bị những cơn đau hành hạ. Lúc ấy, chị Oánh tranh thủ cho con ngủ, dùng dầu gió xoa bóp chân cho chồng. Hạnh phúc của những vợ chồng nghèo đôi khi chỉ như thế cũng đủ ấm áp.
 
 
Ngoài việc có thể ngồi trông nồi thức ăn, anh Dũng chỉ có thể lật đi lật lại mấy chiếc áo quần sờn cũ phơi trên dây trước hiên nhà. Ảnh: Thiên Thiên
 
Sống vẹn tình trọn nghĩa với nhau được hơn 10 năm, một tai nạn bất ngờ đã cướp đi vợ của anh Dũng. Cuộc đời anh sau những ngày tàn phế thêm một lần nữa chịu đựng đau thương. Trong một lần đi hái rau muống giữa trời đang mưa bão, vợ anh không may sẩy chân và bị nước cuốn trôi, sau mấy ngày mới tìm thấy thi thể. Ngày tang thương ấy cứ ám ảnh anh Dũng cho đến tận bây giờ. 
 
Người đàn ông tật nguyền cùng đứa con trai vừa tròn 10 tuổi trong phút chốc như mất đi tất cả. Ngôi nhà nhỏ thiếu bàn tay người phụ nữ trở nên vắng vẻ, lạnh ngắt. Sau ngày chị Oánh mất, cha con anh Dũng suy sụp tinh thần. Ruộng đồng nhờ cả vào bác dâu và các chị gái của anh nhưng vẫn không đủ gạo để ăn. Anh Dũng không thể làm ra tiền vì chẳng ai thuê. Con trai anh nay đã học lớp 8 nhưng còn rất khờ dại chẳng thể giúp gì cho cha. 
 
Đôi lúc anh Dũng nghĩ, ước gì mình đừng bao giờ được sinh ra. Phải sống gần như là một nỗi buồn tủi lớn nhất cuộc đời anh. Nhưng rồi anh lại nghĩ vẫn còn cậu con trai nhỏ dại, nó sẽ ra sao nếu một ngày anh không thức dậy nữa./.
 
Thiên Thiên