DỌN RÁC LÒNG HỒ BẢN VẼ
Đầu tháng 1/2020, là thời điển chúng tôi biết đến sự cố “mùi lạ” ở huyện núi Tương Dương. Dịp đó, trong chuyến đi từ vùng dân cư bản Vẽ (xã Yên Na) xuôi theo Tỉnh lộ 534B để đến các bản, làng của xã Lượng Minh thì bắt gặp “mùi lạ”, hôi và khắm. Từ trên tuyến đường quan sát dòng nước thoát ra từ đập Thủy điện Bản Vẽ hòa vào khe Chóng chảy về lòng hồ Thủy điện Nậm Nơn thì màu sắc đậm dần, từ trong xanh chuyển sang màu xanh đen. Tò mò hỏi chuyện người dân sinh sống bên đường, được nghe kể “mùi lạ” đã có chừng nửa tháng. Vì khó chịu nên họ đã đi ngược lên khe Chóng tìm nguyên nhân. Xác định nguồn nước thoát ra từ đập Thủy điện Bản Vẽ có mùi hôi, họ viết đơn báo cáo huyện, xã đề nghị xử lý.
Làm việc với UBND huyện Tương Dương ngay sau đó, được xác nhận người dân sống hai bên lòng hồ Thủy điện Nậm Nơn, thuộc các xã Lượng Minh, Yên Na có đơn kiến nghị vào ngày 31/12/2019, phản ánh tình trạng nước trong lòng hồ có dấu hiệu ô nhiễm mùi. UBND huyện Tương Dương đã kiểm tra hiện trường, lấy mẫu nước ở nhiều địa điểm khác nhau để gửi đến các cơ quan chức năng kiểm nghiệm. Nhưng theo các cán bộ trực tiếp xuống hiện trường thì xác định người dân phản ánh đúng.
Từng nhiều lần lên thượng nguồn sông Nậm Nơn, chúng tôi biết về tình trạng rác lưu cữu ở khu vực đuôi hồ Thủy điện Bản Vẽ. Rác, hầu hết là các loại cây gỗ lớn, không được dọn kịp thời sẽ phân hủy, có thể là một trong những nguyên nhân tạo “mùi lạ” nguồn nước lòng hồ.
Nói ra nghi vấn này, anh Nguyễn Phùng Hùng - Trưởng phòng TN&MT huyện Tương Dương cũng tán đồng: “Mùi hôi có thể từ nguyên nhân rác phân hủy. Huyện sẽ kiểm tra thực tế vùng thượng nguồn để xác định nội dung này…”. Rồi gần cuối tháng 1/2020, Trưởng phòng TN&MT huyện Tương Dương liên lạc trở lại báo tin đã cùng Công ty Thủy điện Bản Vẽ tổ chức kiểm tra vùng lòng hồ. Và nhận định về rác tồn đọng ở thượng nguồn là chính xác.
Theo mô tả và hình ảnh anh Nguyễn Phùng Hùng chuyển cho, thì vùng lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ có rất nhiều rác nổi trên bề mặt, có nơi phủ kín bề rộng lòng hồ, kéo dài hàng km. Thành phần chủ yếu là thân cây gỗ tạp, tre, nứa và rác thải sinh hoạt. Rác tập trung nhiều ở 2 vị trí, gồm: Ở vị trí đuôi hồ, thuộc bản Hòa Lý, xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn (cách đập Thủy điện Bản Vẽ khoảng 60 - 79 km), và tại khu vực lòng hồ thuộc địa bàn xã Hữu Khuông đến xã Mai Sơn có nhiều rác, chủ yếu là cây gỗ tạp, tre, nứa đang bám trên bờ. Lượng rác lớn như vậy đã làm ách tắc giao thông đường thủy và đường cứu hộ, cứu nạn trên địa bàn. Rác tập kết lâu ngày trong lòng hồ thủy điện, bị phân hủy gây mùi hôi cho những bản, làng ven lòng hồ thủy điện, là nguyên nhân gây những dư luận không tốt của người dân...
Từ báo cáo của UBND huyện Tương Dương, công tác thu dọn rác lòng hồ Bản Vẽ cùng các hồ, đập thủy điện sau đó được UBND tỉnh chỉ đạo tại Công văn số 854/UBND-CN ngày 20/2/2020 với yêu cầu: “Chủ sở hữu đập, hồ chứa thủy điện có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành vệ sinh, thu dọn rác trôi nổi trong toàn bộ khu vực lòng hồ của nhà máy; xử lý rác trôi nổi, lâm sản sau thu dọn đảm bảo theo quy định của pháp luật. Chấp hành nghiêm các yêu cầu trong báo cáo ĐTM, Đề án Bảo vệ môi trường đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và pháp luật về bảo vệ môi trường liên quan”.
Tuy nhiên, để dọn rác lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ hoàn toàn không đơn giản. Vì sau những khó khăn để có được nguồn kinh phí thu dọn rác lên đến vài tỷ đồng, rồi thực hiện đấu thầu lựa chọn đơn vị thi công thì cũng là lúc thời tiết nắng hạn lên đến đỉnh điểm. Khi đó, dịp tháng 6 - 7/2020, rác lòng hồ đã dạt lên hai bên bờ sông Nậm Nơn kéo dài đến vài chục km đã không thể thu gom...
Đến ngày 2/12/2020, chúng tôi nhận được thông tin Công ty Thủy điện Bản Vẽ đang tổ chức thu dọn rác ở thượng nguồn Nậm Nơn. Thêm một chuyến ngược Quốc lộ 16 lên xã biên giới Mỹ Lý.
Ở đây, cảm nhận đủ đầy những khó khăn trong công việc dọn rác thải lòng sông Nậm Nơn. Rác là cây gỗ đủ loại, kích thước khác nhau, có cây lớn đến 2 - 3 người ôm mới xuể. Rác theo dòng nước dâng, đan kết với nhau thành mảng, kéo dài, bừng kín mặt sông Nậm Nơn, từ bản Hòa Lý đến bản Xốp Tụ với chiều dài hơn 1 km. Ở khu vực bản Xốp Tụ, vách núi hai bên sông dựng đứng, không thể tạo bãi để máy cẩu thu gom, tập kết rác. Thế nên, cách làm của đơn vị thi công (Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Nghệ An) là dùng xà lan cỡ lớn đẩy rác xuống các bãi thuộc khu vực bản Hòa Lý, từ đó, dùng máy cẩu xúc, ngoạm từng tấn rác gỗ lên bờ. Không khí ở dọc sông Nậm Nơn rất vui.
Bởi cùng với những công nhân vận hành máy cẩu, xà lan làm việc không ngưng nghỉ là những người dân xã Mỹ Lý xuống vệ hồ làm gỗ. Họ lựa trong những cây gỗ máy cẩu đưa lên bờ, những cây nhỏ chất lượng kém thì cắt khúc đánh đống để làm củi; những cây lớn, thẳng, gỗ tốt thì xẻ tấm…
ĐÔN ĐỐC TRÁCH NHIỆM CÁC CHỦ SỞ HỮU THỦY ĐIỆN!
Từ câu chuyện rác trên lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ, chúng tôi đã tìm và đọc khá nhiều đề án bảo vệ môi trường, báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh. Một điểm chung là tài liệu nào cùng rất dày dặn, nhiều thông tin, và có những cam kết rất cụ thể về việc thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều lòng hồ thủy điện trên địa bàn tỉnh cũng đang có tình trạng bồi lắng và tồn đọng, lưu cữu đủ loại rác. Qua đó, khẳng định các chủ sở hữu nhà máy thủy điện chưa thực hiện nghiêm các giải pháp mà do chính họ đề ra trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường, Đề án Bảo vệ môi trường và các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường (tại Công văn số 854/UBND-CN ngày 20/2/2020 của UBND tỉnh đã nhắc nhở, yêu cầu).
Một ví dụ cụ thể nhất là dịp gần đây, trong tháng 11/2020, ngược lòng hồ Thủy điện Hủa Na lên sông Chu, chúng tôi tận thấy có vô số rác, nhất là khu vực đuôi hồ.
Điều hết sức nguy hại là rác trong lòng hồ Thủy điện Hủa Na cơ bản là loại cây, cỏ nhỏ mục nát quẩn trong nước; có nhiều khu vực rác quần tụ, cuốn thành những đám lớn, kéo dài hàng trăm mét. Những loại rác này có độ phân hủy nhanh, nếu không được thu dọn sẽ gây ô nhiễm nguồn nước lòng hồ. Báo Nghệ An đã thông tin về tình trạng này.
Sau đó, UBND huyện Quế Phong lên tiếng xác nhận, đồng thời vào ngày 8/12/2020, đã ban hành Công văn số 1751/UBND-TN yêu cầu Công ty CP Thủy điện Hủa Na và chủ sở hữu 7 hồ, đập thủy điện trên địa bàn phải có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với chính quyền các địa phương tiến hành vệ sinh, thu dọn rác trôi nổi trong toàn bộ khu vực lòng hồ của nhà máy, xử lý rác, lâm sản trôi nổi sau thu dọn đảm bảo theo quy định của pháp luật. Yêu cầu quá trình thu dọn lòng hồ có sự tham gia của cán bộ chuyên môn và đại diện lãnh đạo UBND xã nơi có hồ, đập, xác nhận đã hoàn thành việc thu dọn rác lòng hồ.
Trong những ngày gần đây, khi trao đổi về công tác bảo vệ môi trường nguồn nước lòng hồ thủy điện, cán bộ của Liên hiệp Hội Khoa học, kỹ thuật của tỉnh cũng cho biết, họ đang có những băn khoăn. Vì nguồn nước ở các hồ thủy điện thường có chung tình trạng ô nhiễm do phân hủy thực vật. “Như nước ở lòng hồ Thủy điện Chi Khê có dính BOD và COD5 do phân hủy thực vật. Đáng nói là khi nước ở lòng hồ Thủy điện Chi Khê khi dâng lên, theo nguyên tắc bình thông nhau thì làm ảnh hưởng không tốt đến nước giếng của một số hộ dân…” - một cán bộ Liên hiệp Hội Khoa học kỹ thuật của tỉnh trao đổi.
Liên quan đến công tác bảo vệ môi trường, ngày 11/12/2020, Văn phòng Chính phủ đã công bố Lệnh của Chủ tịch nước đối với 7 Luật đã được Quốc hội thông qua, trong đó có Luật Bảo vệ môi trường.
Điểm mới của Luật Bảo vệ môi trường được ông Võ Tuấn Nhân - Thứ trưởng Bộ TN&MT thông tin là: “Lần đầu tiên cộng đồng dân cư được quy định là một chủ thể trong công tác bảo vệ môi trường; tăng cường công khai thông tin, tham vấn và phát huy vai trò giám sát, phản biện, đồng thời, được bảo đảm quyền và lợi ích của cộng đồng dân cư khi tham gia các hoạt động BVMT; thay đổi phương thức quản lý môi trường đối với các dự án đầu tư theo các tiêu chí môi trường; kiểm soát chặt chẽ dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao, thực hiện hậu kiểm đối với các dự án có công nghệ tiên tiến và thân thiện môi trường…”.
Như vậy, có thể hiểu Luật Bảo vệ môi trường sẽ có những chế tài, quy định mới tích cực để thúc đẩy công tác bảo vệ môi trường được tốt hơn trước đây. Bởi vậy, từ Luật Bảo vệ môi trường mới được ban hành, từ câu chuyện dọn rác trên lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ, từ hiện trạng lòng hồ, đập thủy điện…, cần phải đôn đốc chủ sở hữu các hồ, đập thủy điện trên địa bàn thể hiện trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường!