(Baonghean.vn) - Tháng 6/1940, ở Thúy Hồ (Trung Quốc), đồng chí Võ Nguyễn Giáp lần đầu tiên được gặp Bác Hồ, bấy giờ Bác lấy bí danh là Vương.
 
Nhớ lại những phút giây cảm động ấy, Đại tướng có lần nói: “Ngay từ phút đầu, tôi đã cảm thấy như mình được ở rất gần Bác, được quen Bác từ lâu rồi. Con người Bác toát ra một cái gì trong sáng, giản dị…”.    
  
Đồng chí Võ Nguyên Giáp được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt cho một biệt danh rất đỗi thân thương: Anh Văn, đồng chí Văn; và là người chiến sĩ vinh dự được chính Bác phong hàm Đại tướng năm 1948 tại Chiến khu Việt Bắc. Đã có lúc, Đại tướng ngồi chiêm nghiệm: “Cẩm nang của Bác là chủ nghĩa Mác-Lê Nin, thì có lẽ cẩm nang của ta phải là chủ nghĩa Mác-Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Tôi nghĩ phải làm sao để ảnh hưởng tư tưởng của Bác ăn sâu vào đời sống xã hội, đi đôi với phát triển kinh tế phải giữ gìn và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc. Phải tạo đà cho tư tưởng lành và tích cực trở lại, bảo đảm ổn định đời sống xã hội”.
 
Như vậy, theo Đại tướng thì chủ nghĩa Mác-Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh là vô cùng cần thiết, nhưng một điều cần thiết không kém là làm sao tư tưởng của Bác, bên cạnh chủ nghĩa Mác - Lê Nin, ảnh hưởng sâu vào quần chúng, biến tư tưởng thành sức mạnh vật chất, thành văn hóa, niềm tin, thành sự ổn định của toàn xã hội! 
 
images816493_small_107221.jpgĐại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các đại biểu tại Hội thảo khoa học “Bác Hồ với quê hương Nghệ Tĩnh, quê hương Nghệ Tĩnh với Bác Hồ” tổ chức tại TP.Vinh, tháng 9 năm 1989. Ảnh Tư liệu
 
Xuất phát từ nhận thức đó, những năm còn lại của đời mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã giành nhiều thời gian, tâm sức tìm hiểu, nghiên cứu, truyền đạt những hiểu biết của mình về tư tưởng Hồ Chí Minh qua hàng trăm trang sách. Cuốn "Một số vấn đề về nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh" (NXB Công an Nhân dân, 2005) của Đại tướng, ngoài chuyên luận về một số vấn đề nghiên cứu tư tưởng của Bác, xem như là “xương sống” của công trình, sách còn giới thiệu với bạn đọc bốn bài tham luận rất có giá trị của tác giả trong vòng hai thập kỉ: Chủ tịch Hồ Chí Minh -  Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn (1990); Thế giới đổi thay nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh sống mãi (1991); Đổi mới, tiếp tục đổi mới, dân chủ, dân chủ hơn nữa, nâng cao trí tuệ, đoàn kết tiến lên trong sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc (1999); Phát biểu tại lễ kỉ niệm 60 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 15 năm Ngày Hội Quốc phòng toàn dân.
      
Trên đường dài tìm hiểu, nhận thức tư tưởng Bác, đây đó người ta có quyền đặt ra câu hỏi: Vậy thì tư tưởng Hồ Chí Minh đưa đến cho người Việt Nam và nhân loại điều gì mà trước đây chưa ai phát hiện ra? Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã giành nhiều trang sách nhằm lí giải điều này trong bài “Tư tưởng Hồ Chí Minh, những luận điểm sáng tạo mới”. Với phong cách ngôn ngữ chính luận quen thuộc của ông: kiệm lời nhưng đầy đủ, khúc chiết rõ ràng mà vẫn giàu tình cảm, ý tưởng lớn được thuyết phục dần qua lí lẽ và dẫn chứng gần gũi, sống động, lí luận gắn chặt với thực tiễn đất nước qua từng thời kì cách mạng. Bao giờ ông cũng tỏ ra bình dị, lão thực. Khi cần nói ngắn gọn, ông viết: Tư tưởng Hồ Chí Minh là Độc lập dân tộc, Dân chủ và Chủ nghĩa xã hội. Khi cần triển khai những luận điểm mang tính sáng tạo đột phá của tư tưởng Hồ Chí Minh, Đại tướng lần lượt nêu và phân tích 9 nội dung chủ yếu. Đặc biệt là về phương pháp luận, tác giả đi đến kết luận: “Người đã bổ sung, phát triển phương pháp luận Mác-Lê Nin, hình thành nên phương pháp luận Hồ Chí Minh với những nét đặc sắc riêng biệt”.
 
Từng theo Bác Hồ đi kháng chiến, có nhiều quãng thời gian sống, làm việc gần gũi với Người và trở thành một trong những cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước ta, suốt đời Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn tự nhắc mình phấn đấu theo sáu đức tính của Đạo làm tướng mà Bác đã răn dạy ông từ năm 1948: Trí, Dũng, Nhân, Tín, Liêm, Trung. 
 
Nhân ái, hiền hòa, độ lượng nhưng cũng có lúc Bác nghiêm khắc. Còn nhớ câu chuyện vào dịp Tết năm 1958. Tết ấy, văn phòng Trung ương tổ chức một bữa cơm thân mật, có nhiều đồng chí vừa từ tiền tuyến trở về dự. Mọi người đã đến đông đủ, chỉ thiếu mỗi đồng chí Văn! Ai cũng có ý nán lại, chờ đợi vị tướng lĩnh thân yêu của mình, Bác thì bảo: “Đúng giờ, ta cứ ăn cơm! Ai đến chậm thì để phần...”. Mọi người vào phòng, vừa nâng cốc, tướng Văn xuất hiện. Quân phục chỉnh tề, một tay bế cháu nhỏ, tay kia dắt cháu bé, theo sau đồng chí là  phu nhân cùng cháu lớn. Bác nhìn đồng hồ rồi bảo: “Chú Văn đến chậm 5 phút nhé! Đại tướng mà cũng chậm giờ à?”. 
 
Nhận ra lỗi, nhưng Đại tướng từ tốn xin được phân bua với Bác: “Thưa Bác, riêng chủ lực quân thì dễ cơ động, chứ các lực lượng dân quân du kích đông đảo thế này, cơ động cũng hơi khó ạ!”. Bác Hồ: “Giỏi! Chú ứng biến nhanh đấy! Nếu khéo vận dụng các lực lượng thì đánh giặc nào cũng thắng cả...”. Nói xong, Bác hóm hỉnh chỉ vào bàn ăn, hô: “Nào, xung phong!”. Thế là cả phòng ăn rộn rã tiếng cười nói, đúng là vui như Tết thật!
      
Chỉ tính từ ngày Bác qua đời đến năm 1993, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã về thăm quê Kim Liên- Nam Đàn đến 7 lần, mà lần nào cũng thấm thía xúc động tận tâm can. Không ít lần người ta kể lại rằng, ông đã gạt thầm nước mắt... Đến lần thứ 7, sau khi dự Hội thảo khoa học về Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức tại Thành phố Huế, trên đường trở ra Hà Nội, Đại tướng ghé Kim Liên thăm và thắp hương nhà Bác. Những dòng chữ sau đây là của Đại tướng ghi trong sổ vàng lưu niệm của Khu di tích Kim Liên: “Về thăm quê Bác, nhớ vô cùng. Năm nay, tư tưởng của Bác càng thấm sâu vào mỗi người dân, mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi một cháu thanh niên, thiếu niên và nhi đồng. Hình ảnh của Bác đang in sâu trong tim óc của mỗi người dân và cổ vũ mạnh mẽ toàn dân ta tiến lên, góp phần xây dựng, làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh, theo lòng mong ước của Bác!”. 
   
Tin Đại tướng Võ Nguyễn Giáp qua đời tại Thủ đô Hà Nội, lúc 6 giờ 9 phút, ngày 4/11/2013 đã làm triệu triệu người Việt Nam và bầu bạn thế giới tiếc thương. Người ta đổ ra đường, tìm đến đồng đội cũ, người thân thích… để đưa tin, chia sẻ. Trên các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài nước, số bài viết, tranh ảnh tư liệu về Đại tướng tràn trên các trang, rất hiếm gặp! Tôi nhớ ý kiến của một nhà Sử học người Mỹ, trong chương trình thời sự, Đài Truyền hình Việt Nam, tối ngày 5/5: Cuộc đời, tư tưởng và hoạt động của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã góp phần thay đổi cả cấu trúc của thế giới hiện đại. Theo tôi, đó là một nhận xét đắt giá đáng lưu ý, về vị Tướng dù đang ở thời hiện tại, mà đã được loài người huyền thoại hóa, của chúng ta!
 
 
                                                                                                       Kim Hùng