(Baonghean.vn) - Đó là lời của tâm sự của em Vũ Mạnh Cường, lớp 11D0, Trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh khi đang cùng dòng người kéo dài miên man lặng lẽ để tưởng niệm Đại tướng.
 
Khi được hỏi cảm nghĩ của em về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Cường cho biết em và các bạn trẻ rất trân trọng và ngưỡng mộ Đại tướng, đó là một con người có nhân cách cao cả, một vị anh hùng đã giành cả cuộc đời mình cho độc lập dân tộc. Vì thế, em đến viếng Đại tướng và đến để cảm nhận về sự vĩ đại...
 
Chiều thu Hà Nội nắng vàng, bầu trời như xanh trong và cao rộng hơn trong vị se sắt heo may đầu mùa quyện theo hương hoa sữa đâu đó từ phía vườn Bách Thảo, làng hoa Ngọc Hà một thời, hay cũng có thể từ mạn Nghi Tàm, Quảng Bá phơ phất theo về con đường Hoàng Diệu. Dẫu biết trước đã mấy đêm, mấy ngày rằng những ngày này nhân dân cả nước và kiều bào nước ngoài, du khách quốc tế đã, đang và sẽ tìm đến ngôi nhà Đại tướng từng sống và làm việc để tưởng niệm rất đông, nhưng chúng tôi cũng không thể hình dung nổi đã 16 giờ chiều mà dòng người vẫn đổ về với số lượng lớn như vậy.
 
Cứ ngỡ đã gần cuối ngày, chỉ chạy xe về đường Hoàng Diệu, rồi tìm chỗ gửi xe là có thể dễ dàng sắp xếp để vào được nhà Đại tướng. Nhưng hoàn toàn không phải thế. Khi chúng tôi đến đã thấy dòng người xếp hàng từ đâu đó rất dài, rất xa, ngăn nắp và trật tự, lặng lẽ, thành kính, trang nghiêm và xúc động tiến về phía ngôi nhà nơi có vị Đại tướng kính yêu đã từng ở đó. Gửi vội xe vào “Nơi gửi xe miễn phí giành cho người vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp” tại Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long, như mọi người vừa đến, chúng tôi đi ngược con đường Hoàng Diệu, ngược dòng người để tìm xếp hàng theo thứ tự đi vào tưởng niệm, nhưng dòng người cứ nối dài mãi...
 
Đi gần hết phố Hoàng Diệu thì biết dòng người nối sang từ đường Điện Biên Phủ, rẽ về phố Điện Biên Phủ, dòng người vẫn dằng dặc đến phía cuối cung đường vẫn chưa hết. Tiếp tục ngược đoàn người tìm chỗ sau cùng để nối đuôi, nhưng đi hết phố Điện Biên Phủ lại phải ngược tiếp về phía phố Tôn Thất Đàm, đi hết con phố này, thấy Quảng trường Ba Đình trước mắt thì cũng là nơi dòng người bắt đầu thành hàng thành lối ở nơi này... Chẳng biết tình cờ hay hữu ý, chỗ bắt đầu hình thành dòng người đổ về nhà Đại tướng lại là nơi bắt đầu từ nơi yên nghỉ vĩnh cửu của Bác Hồ - người thầy vĩ đại của Đại tướng, người đã bằng thiên tài của mình phát hiện ra tài năng và đức độ xuất chúng của Đại tướng để giáo dục, rèn luyện, và người học trò xuất sắc của Bác, vị đại tướng đầu tiên trong thời đại Hồ Chí Minh đã trở thành danh tướng lỗi lạc của dân tộc và nhân loại.
 
images816683_d_ng_ng__i_l_c_19h.jpgDòng người vẫn nối dài lúc 19h ngày 7-10.
PV BNA trên đường ĐB Phủ.
Dòng người từ phố Tôn Thất Đàm
Miễn phí.
Cùng bắt đầu nối đuôi vào vị trí sắp hàng dài chừng mấy km để về viếng Đại tướng, ai cũng ánh mắt đỏ hoe, nhiều gia đình cả nhiều thế hệ ông bà, cha mẹ, các cháu bé cùng thành kính vào xếp hàng. Có nhiều gia đình trẻ cả bố mẹ và hai con nhỏ cùng đi. Có nhiều cặp một mẹ một con dắt tay nhau cùng đứng vào đoàn người, hình như các mẹ vừa đón con về từ trường học để kịp vào viếng Đại tướng... Nhiều bác cựu chiến binh râu tóc bạc phơ, nhiều đoàn học sinh, sinh viên, rồi những cụ, những em vận áo quần người Dao, người Thái, người Mông, những đơn vị công an, quân đội, và cả những vị khách nước ngoài cũng trầm ngâm đến lạ... tạo thành dòng người với đủ độ tuổi, vùng miền cùng hướng về căn nhà số 30 Hoàng Diệu.
 
 
Thỉnh thoảng lại có những tiếng sụt sịt nhẹ, một số người lặng lẽ dùng khăn tay kín đáo che đi dòng lệ. Đi trước chúng tôi là một người khả kính trạc tuổi gần lục tuần, thỉnh thoảng lại ngước mắt lên rồi lại cúi xuống tháo cặp kính ra để lau... Đoàn người nhích dần từng bước và thỉnh thoảng lại dừng lại vì phía trước “dồn toa” quá đông. Tôi bắt chuyện thì biết người đi trước mình là tiến sĩ Nguyễn Quang Thảo, công tác ở Vụ Khoa học, Bộ Công Thương. Ông Thảo cho biết ông đang thực hiện chuyến công tác tại Châu Âu, vừa từ Vương quốc Đan Mạch qua CH liên bang Đức... Được vợ báo tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần, ông đã vội vã thu xếp để trở về, vừa xuống sân bay Nội Bài cuối buổi trưa, chỉ về nhà cất vội đồ đạc và tắm rửa là đến viếng Đại tướng ngay.
 
Ông xúc động cho biết: “Năm 1974 tôi là lính sư đoàn 312, Quân đoàn 1. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh và Đại thắng mùa xuân 1975, Đại tướng đã bằng mệnh lệnh của mình cứu được vận mệnh của dân tộc khỏi sự chia cắt, những mệnh lệnh của ông quyết định đến sự thành bại, sự sống còn của cán bộ chiến sĩ ở chiến trường như tôi, và ông ấy đã đưa ra những quyết định lịch sử để giành chiến thắng và hạn chế đến mức thấp nhất tổn hại về xương máu của chiến sĩ. Tôi luôn tâm niệm rằng bản thân tôi và đồng đội tôi giữ được sinh mạng trong chiến trường cũng là nhờ quyết định của Đại tướng. Tôi nghĩ bản thân tôi được sống trong hòa bình, được học tập để trở thành nhà khoa học, nên người như hôm nay là nhờ ơn Đại tướng và những người lãnh đạo toàn tài đã hết mình vì dân tộc, vì nhân dân như Đại tướng. Vợ và con trai tôi, cháu vừa dự thi học sinh giỏi quốc tế trở về, cũng đã về viếng Đại tướng từ hôm qua”. Ông Thảo nói đến đó thì khóc nghẹn, ông vịn vai tôi nức nở, “tôi đến đây với tư cách một người lính, một cựu chiến binh, một công dân bình thường đội ơn sâu nghĩa nặng Đại tướng”.
 
Từ đường Tôn Thất Đàm vào đường Điện Biên Phủ, quảng vài trăm mét chúng tôi lại bắt gặp một điểm đặt các bình nước suối đóng chai, các thùng nước suối, nước khoáng đặt bên cạnh nơi dòng người đi qua cửa nhà hàng, cửa gia đình với biển treo “Nước uống miễn phí phục vụ nhân dân về viếng Đại tướng”, “Điểm phục vụ nước uống miễn phí”... Như thể đến đây mọi người đều cảm nhận được cảm giác thân thuộc và thiêng liêng sâu sắc về tình người, tình quân dân, tình hậu phương với tiền tuyến từ thời kháng Pháp, chống Mỹ, Ngụy, thuở “Bát cơm xẻ nửa chăn sui đắp cùng” (Việt Bắc, Tố Hữu) hay lúc “xe chưa qua nhà không tiếc”... Như sống dậy ít nhiều không khí thuở mà đại tướng của chúng ta đã cùng với Đảng, Bác Hồ và đồng chí, đồng đội đưa “đội quân dép lốp” làm nên những chiến thắng lịch sử vang dội năm châu chấn động địa cầu.
 
Bác Nguyễn Anh Tuấn, 73 tuổi, đến từ làng Thành Chiêm, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, khi được tình nguyện viên của Thành đoàn Hà Nội hướng dẫn bác được ưu tiên tuổi cao, ở xa đến không phải xếp hàng, được vào viếng trước, bác Nguyễn Anh Tuấn nói: “Hãy để tôi đến với Đại tướng như mọi người, tôi đã từ xa đến, thì dẫu đi thêm một đoạn cũng bình thường. Tôi được đến đây là vinh dự hơn nhiều đồng đội tôi rồi”. Bác Nguyễn Anh Tuấn rưng rưng: “Đại tướng là bậc đại trí, đại nhân, đại dũng, đại hiếu và đại thọ. Tôi kính yêu và tự hào về Đại tướng”.
 
Dòng người đi qua đường Điện Biên Phủ và rẽ vào đường Hoàng Diệu, lúc này bắt gặp những tốp người vừa vào viếng đại tướng xong quay trở lại, ánh mắt ai cũng nhòe đỏ. Bác Hoàng Thị Lý, 57 tuổi, đến từ Hoằng Hóa, Thanh Hóa, vừa từ nhà Đại tướng đi ra, khi đi qua chúng tôi, bác bịn rịn chia sẻ như thể đã thân thuộc từ lâu: “Mọi người vào viếng đại tướng sau, tôi đã đến để cầu cho đại tướng siêu thoát. Bây giờ phải ra Ga Hà Nội để kịp về Thanh trong ngày”... Em Đào Lệ Huyền, lớp Tiếng Anh khóa 63 Khoa Giáo dục Tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội vừa từ số nhà 30 Hoàng Diệu ra, đi về phía chúng tôi, như lưu luyến chưa muốn rời xa nơi này, Huyền tâm sự: “Với em, Đại tướng còn hơn cả một bậc anh hùng, mà là bậc thánh nhân”.
 
Mọi người nhích dần và đếm từng bước chân khi tiến gần đến ngôi nhà ấy, người càng lúc càng đông thì lạ thay, lại càng trật tự và im lặng, ai cũng lặng lẽ bởi dường như mỗi người đều mong muốn gửi những lời tưởng niệm, tưởng nhớ của mình có thể sẽ đến được với anh linh Đại tướng. Tại khu nhà rợp mát bóng cây xanh, dáng dấp kiến trúc cổ kính và cũ kỹ vừa gợi nét sang trọng, vừa gần gũi, giản dị, mái ngói rêu phong, bức tường sẫm màu thời gian cho biết đã từ rất lâu rồi chủ nhân luôn có ý định gìn giữ, không muốn sửa sang, thay đổi... Trong không gian rộng rãi và yên tĩnh, mùi trầm hương man mác, từng dãy hoa tươi ngay ngắn xếp thứ tự và kín hết hè đường, chật cả hai bên lối đi, trải dài từ ngoài cổng, rải khắp lối qua khu vườn rộng, hoa xếp lớp kín hết các bồn cây, vệ cỏ..
 
Bước chân vào căn phòng thờ Đại tướng, kính cẩn nghiêng mình trước di ảnh của người trong bộ lễ phục trang nghiêm, được cúi đầu tưởng niệm nhân cách vĩ đại sánh ngang các bậc khai quốc công thần có công lao vĩ đại của dân tộc, một niềm tự hào và cảm kích đặc biệt dâng tràn... Rời căn nhà Đại tướng, lưu luyến dưới bậc tam cấp, cụ Nguyễn Văn Sáu, 65 tuổi, đến từ Mê Linh (Vĩnh Phúc) bắt chặt tay tôi lắc lắc “Cháu ơi, Việt Nam mình cụ Hồ là một, cụ Giáp là thứ hai. Vĩ đại! Thật vô cùng vĩ đại!”...
 
Phía trước lối ra, dãy bàn giành cho người viết lưu bút vào sổ tang vẫn kín người cả hai bên. Lúc này, nhìn đồng hồ thì đã 18 giờ 30. Mặc dù theo thông báo của gia đình Đại tướng, để việc đón tiếp được chu đáo, thuận lợi, hàng ngày gia đình Đại tướng xin được đón tiếp nhân dân và kiều bào nước ngoài, du khách quốc tế buổi sáng từ 8h30 đến 12h, buổi chiều từ 14h đến 18h (từ ngày 07/10/2013 đến hết ngày 11/10/2013), nhưng vì đoàn người đổ về vẫn chưa dứt nên gia đình và các lực lượng đang cố gắng thu xếp cho một số người ở xa, các bác cao tuổi vào viếng. Bên ngoài, dòng người kéo về đường Hoàng Diệu vẫn ngày một đông. Lúc này, nhiều hoa, nến bắt đầu được nhân dân và du khách kính cẩn đặt phía bên ngoài căn nhà Đại tướng. Và thảm hoa đó đã nối dài... May mắn thay, tôi được gặp đại tá Nguyễn Văn Huyên, vị thư ký tận tụy suốt đời của Đại tướng. 
 
Với Đại tá Nguyễn Văn Huyên.
 
Biết tôi là phóng viên của Báo Nghệ An, đại tá Nguyễn Văn Huyên chia sẻ: Tấm lòng nhân dân là ngôn ngữ chân thật nhất diễn đạt sự vĩ đại của Đại tướng. Vị đại tá già đồng ý cho tôi ghi bức hình lưu niệm. Lúc tôi ra về, ông vẫn đứng giữa dòng người, mắt ông dõi theo dòng người càng lúc càng đông trong ngày đầu tiên gia đình đại tướng đón khách với cái nhìn rười rượi, thăm thẳm và mênh mông.
 
                                                                                                                                       Hà Nội, 7/10/2013
 
Ngô Kiên