(Baonghean) - Buổi tạm biệt Phuxailaileng, trong “cơn” mãn nguyện đã được chạm bàn chân, chạm cảm giác lên đích thực nóc nhà Bắc Trung bộ kỳ vĩ, là lúc “Xiều” và tôi nảy ý định đi mãi về phía mặt trời lặn. “Xiều” nghĩ sao? Còn tôi đi như muốn hiểu hơn nỗi nhớ nhung phố. 

...Khi kiến trúc sư Long điện thoại nỗi niềm về “rừng người” ở phố thì tôi chợ nhớ về một ngày nắng hoe vàng ngồi ở góc phố nhỏ giao nhau đường Ngô Sỹ Liên và đường Trần Thủ Độ, trong cái quán rượu ốc mà bà chủ quán nói tiếng Bắc làm đồ nhậu cứ chất phác xào xào nấu nấu cho đám khách lèo tèo như là phục vụ cho người nhà. Hai, ba, bốn đàn ông lộc ngộc mỗi người đeo một nỗi niềm riêng lặng lẽ nâng ly, lặng lẽ hít hà ốc gừng ớt cay và lá răm đặm vị. Mỗi lần gọi bà chủ chúc một li, lại “dạ” một tiếng ngọt lịm. Ba, bốn quãng “dạ” ngọt lịm như thế, đủ để “phê”, rồi lặng lẽ ra về, thấy yêu phố và yêu mái ấm gia đình nhỏ bé.

Anh Long nhớ đám bạn vong niên đi “phượt” nên thấy cô đơn giữa “rừng người” ở phố đó mà. Anh cho hay, ông chủ quán Cà phê Quỳnh đột ngột thay một giàn nghe nhạc mới, khủng hơn, và ông bặt vắng nhà, bọn trẻ mở nhạc nghe không ám ảnh nữa. Tôi chợt thấy như mất đi một điều gì đó của riêng mình.

765913_small_63345.jpg
 Nhà dân nước bạn Lào treo quốc kỳ hai nước Lào và Việt.

….Buổi tạm biệt Phuxailaileng, trong “cơn” mãn nguyện đã được chạm bàn chân, chạm cảm giác lên đích thực nóc nhà Bắc Trung bộ kỳ vĩ, là lúc “Xiều” và tôi nảy ý định đi mãi về phía mặt trời lặn. “Xiều” nghĩ sao? Còn tôi đi như muốn hiểu hơn nỗi nhớ nhung phố. Tạm biệt Đại tá Vi Hiểu và các anh trong BCH Đoàn 4, chúng tôi không muốn gặp lại Thảo và Hằng cũng vì để có thêm một nỗi nhớ lâu hơn về non ngàn Na Ngoi !
 
Tôi, “xiều” và anh Vinh lèn chặt trên con WIN100 hồng hộc leo dốc lên Cửa khẩu Nậm Cắn. Vẫn mây mù và khí lạnh mà mặc áo ấm thì nóng mà cởi ra thì lại nổi hết da gà. Tôi lên Nậm Cắn nhiều lần, kỷ niệm nhiều lắm nhưng lúc nhớ lúc quên. Anh Vinh từng gặp ở phố rồi. Anh quê Hà Tĩnh, nay là tiểu thương gần chợ trung tâm huyện Noọng Hét thuộc tỉnh Xiêng Khoảng nước bạn Lào. Anh cầm cương “chiến mã sắt” trông oai hùng như chiến tướng biên ải. Anh Vinh gọi Phong cũng là “Xiều”. “Xiều” tiếng Thái ta cũng như tiếng Thái Lào là để chỉ “người bạn thân thiết”.
 
Thủ tục qua Cửa khẩu Nậm Cắn nghiêm túc nhưng nhanh gọn. Qua nữa hết Trạm kiểm soát của nước bạn Lào trời chợt ập tối và lác đác mưa. “Chiến mã” vun vút đổ dốc quanh co mà anh Vinh không hề lỏng “dây cương”. Đường nhựa bên này so bên mình thật vắng vẻ và cực tốt. Tôi rơi không trọng lượng và chợt dự cảm những mất mát của riêng mình ở phố bên Việt. Nhưng mất gì ? Tôi không biết ! Tôi đang ở đất Lào, mà nếu không có “xiều” và anh Vinh tôi sẽ chỉ là hạt mưa bên Tây Trường Sơn thôi !
 
Noọng Hét là một huyện lỵ không mấy thay đổi so mươi năm lại nay. Tôi không nhớ Noọng Hét có điện hay không, vì say thứ rượu chai nhãn hiệu có in hình hoa Chămpa nước men trong vắt giá khoảng 25 ngàn đồng tiền Việt. Sắp xếp cho chúng tôi vào cái nhà nghỉ hạng bình dân ở phố Vinh với giá đắt khoảng gấp ba bên mình, rồi anh Vinh rủ lên đồi uống cà phê với cái nháy mắt hóm hỉnh. Tôi không đi vì cứ ngỡ anh đùa cho vui. Buổi sáng “Xiều” bảo: Có đấy, nhưng con gái Lào giờ cũng giống bên Việt mình thôi ! Tôi ngẩn ngơ nhìn cái huyện lỵ nhỏ có những dãy nhà lè tè cũ xám và cái chợ hàng hóa không khác chợ huyện bên Việt mình mấy, mà tin, nhưng… chẳng tiếc.


 Một loài cây lạ nhưng rất đẹp và ít gặp trong những bản nhỏ ở Lào.

Huyện lỵ Noọng Hét có các công trình công cộng nào đều hình như có cả công, cả của, cả thợ mạc của Việt Nam góp vào. Ở đây nhộn nhất là khi lũ trẻ đến trường. Con gái Mông da trắng nét thanh và nói chung nhìn duyên hơn con gái Mông bên Việt. Noọng Hét không thấy chùa chiền và tượng phật như ở huyện lỵ Lạc Xao mạn vượt Cửa khẩu Cầu Treo; chắc vì mạn bên này chủ yếu là đồng bào Mông. Ngạc nhiên là nhà dân lại thấy treo cả cờ Lào và cờ Việt. Hỏi, anh Vinh nói bên này sắp Đại hội Đảng nhân dân cách mạng Lào. Cờ Đảng của bạn cũng có hình búa liềm. Tôi cứ nghĩ chắc nhà treo quốc kỳ hai nước là Việt kiều. “Xiều” bảo không phải, họ treo cờ thế là để thể hiện tình hữu nghị đó thôi.
 
Tôi và “xiều” mua hai chiếc Sim điện thoại di động gọi về bên Việt, không biết bao nhiêu tiền (kip) một sim, nhưng chỉ kịp gọi về vài cuộc ngắn ngủi đã hết veo cước. Anh Vinh bảo cước điện thoại gọi về mình đắt gấp mấy lần bên mình gọi sang. Nhắn tin về như thế, chẳng thấy ai gọi sang. Thêm một cảm nhận mất mát của riêng tôi khi tôi nghĩ về phố bên Việt.
 
Nhưng thôi, phía trước còn cả một chặng đường dài mà đích đến là Phôn Xa Vẳn – Thủ phủ của tỉnh Xiêng Khoảng nước bạn Lào…

(còn nữa)


Đình Sâm