(Baonghean.vn) - Tin nhà giáo Văn Như Cương qua đời khiến không ít người bàng hoàng. Dù vẫn biết ông bệnh nặng bấy nay, nhưng việc ra đi của một tài năng - một nhân cách lớn khiến nhiều người hẫng hụt. Ông là Phó giáo sư, nhưng mọi người luôn gọi ông với “chức danh” giản dị: Thầy Văn Như Cương. Thầy cũng chưa được phong bất kỳ danh hiệu nhà giáo (ưu tú hay nhân dân) nào, song đã từ lâu, người ta vẫn gọi ông là: nhà giáo của nhân dân.

» Chi tiết lễ tang PGS Văn Như Cương

 » PGS Văn Như Cương qua đời ở tuổi 80
 

Thầy Văn Như Cương quê gốc Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An trong một gia đình ông đồ dạy chữ Hán. Thầy Cương đã có một tuổi thơ miệt mài với việc học, và thầy học rất giỏi.

Khi tốt nghiệp cấp 3, phải lựa chọn nghề nghiệp, cha thầy Văn Như Cương có đặt ra cho con trai 2 con đường: hoặc học sư phạm hoặc học kỹ thuật. Thầy đã quả quyết chọn con đường dạy học mà như sau này thầy vẫn nói mình có nghề chính là “gõ đầu trẻ” và “làm toán”.

1507541643411.jpgPhó Giáo sư - Tiến sỹ Văn Như Cương. Ảnh: Facebook

Năm 1954, thầy vào học Khoa Toán, Đại học Sư phạm Hà Nội. Tốt nghiệp ra trường, với thành tích xuất sắc của mình, thầy được giữ lại làm cán bộ giảng dạy của Trường và một thời gian sau đó, ông trở về Nghệ An, cùng với thầy của mình là Giáo sư Nguyễn Thúc Hào xây dựng Trường  Đại học Sư phạm Vinh.

Sau đó, thầy Cương được đi học chương trình nghiên cứu sinh ngành Toán học tại Viện Toán học, Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô cũ và bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sỹ vào năm 1971, trở về giảng dạy ở tổ Hình học, Khoa Toán, Đại học Sư phạm Vinh, rồi sau đó là Đại học Sư phạm Hà Nội.

Giỏi giang, mẫu mực mà không kém phần hài hước, thầy Cương là một người thầy ấn tượng mà mãi đến sau này, những đồng nghiệp và các thế hệ học sinh ở Đại học Vinh, Đại học Sư phạm còn nhắc mãi.

Cuối những năm 80 của thế kỷ trước, khi ngành giáo dục rơi vào cuộc khủng hoảng vì một loạt những khó khăn thời cuộc, đồng thời cũng hé lộ những sự chuyển mình, thì thầy Văn Như Cương bỗng nảy ra ý tưởng lập trường tư thục.

Học sinh trường Lương Thế Vinh nhuộm đỏ sân trường với màu áo - sắc cờ trong ngày khai giảng. Ảnh: Internet

Tìm được người cùng chí hướng là thầy Nguyễn Xuân Khang (Giảng viên Đại học Tổng hợp Hà Nội), 2 ông “thầy gàn” dốc hết tâm sức, của cải cho ngôi trường tư thục đầu tiên. Ngôi trường nhanh chóng có thương hiệu trong cả nước.

Thầy Cương có 25 năm làm hiệu trưởng, tham gia đứng lớp, sau đó đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hội đồng quản trị trường. Thầy nổi tiếng là người thầy tận tâm với giáo dục, dành hết tình yêu cho học trò. Lối sống thân thiện, gần gũi, khuyến khích sự sáng tạo của học sinh, thầy Văn Như Cương đã là người cha, người ông của thế hệ học trò ở ngôi trường mà ông đã khai sinh.

Trong mỗi dịp khai giảng, lễ tết, bài phát biểu của thầy Cương chính là “tiết mục” được mong đợi nhất. Những bài phát biểu của ông lan truyền rộng rãi và nhận được sự yêu thích của đông đảo thầy cô, học sinh và phụ huynh của cả nước. 

Thầy Văn Như Cương hòa chung lời hát trong giờ chào cờ cùng thầy và trò trường Lương Thế Vinh. Ảnh: Internet

Những sáng kiến tưởng chừng không giống ai của thầy lại khiến việc giáo dục rất hiệu quả và khiến các học trò mê tít, ví như lập Facebook để…hiểu học trò. Có mấy ai được học trò lập hẳn một trang Fanpage hội những người hâm mộ thầy?

Không chỉ là thầy giáo đứng lớp, nhà quản lý giáo dục tài ba, thầy còn là người viết tới 60 đầu sách về môn Toán, viết sách giáo khoa Toán nâng cao và giáo trình Đại học, dịch sách toán nước ngoài ra tiếng Việt. Thầy được phong tặng học hàm Phó Giáo sư và được mời tham gia Hội đồng Giáo dục Quốc gia Việt Nam.

Mắc bệnh ung thư gan ba năm qua, thầy Văn Như Cương vẫn kiên cường chống chọi với bệnh tật. Thầy viết Facebook về chuyện thần chết “chào thua” mình.

Vợ chồng thầy giáo Văn Như Cương những ngày gần đây. Ảnh: Facebook

Và có đọc Facebook của thầy mới biết, cho đến tận những ngày cuối đời, thầy Văn Như Cương không chỉ trăn trở với giáo dục, mà còn trăn trở với bao biến đổi xung quanh, đồng hành cũng từng đổi thay của đất nước, nặng lòng với cuộc đời, với con người. Thầy nói về bệnh lười của người Việt, đặc biệt ở lứa trẻ. Rồi chuyện tiến sỹ giấy ở Việt Nam. Thầy nói về cơn mưa điểm 10 của ngành giáo dục (thầy còn gọi đó là cơn bão). Thầy nghĩ về “lò đã nóng và củi đang cháy”…

Tin thầy Văn Như Cương qua đời khiến cho bao nhiêu người, dù không học thầy, chưa từng gặp thầy vẫn xúc động, tiếc nhớ. Trên trang Facebook của mình, nhà thơ, nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo bày tỏ: “Thầy Văn Như Cương là một nhà sư phạm lỗi lạc. Thầy luôn có những quan điểm mạnh mẽ cho sự phát triển nền giáo dục tiên tiến của nước nhà".

Nhà thơ, nhạc ỹ Nguyễn Trọng Tạo trong một lần tới thăm thầy Văn Như Cương. Ảnh: N.T.T

Thầy thành lập trường THPT Lương Thế Vinh năm 1989, là trường dân lập đầu tiên tại Việt Nam sau đổi mới. Sau 25 năm làm Hiệu trưởng, Thầy nghỉ chức Hiệu trưởng và làm Chủ tịch HĐQT. Hàng vạn học sinh của trường đã vào đại học và trưởng thành luôn biết ơn Thầy và mái trường thân yêu.

Khi Thầy bị bệnh ung thư phải đi điều trị, hơn 3.000 học sinh toàn trường hát vang ca khúc truyền thống Bài ca Lương Thế Vinh tiễn Thầy vào bệnh viện. Hơn 19.000 con hạc giấy đã được gấp và treo thành từng dây ở sảnh trường Lương Thế Vinh với niềm tin của các em là, những con hạc giấy sẽ giúp thầy vững vàng chống chọi với bệnh tật và mau khỏi bệnh. Và khi thầy ra viện, cả nghìn thầy trò đã sắp hàng dài trước cổng đón Thầy với tiếng vỗ tay và tiếng trống trường giòn giã.

Với tôi, Thầy Cương như một người cha, người anh cả và là người bạn vong niên vô cùng quý trọng. Thầy chân thực, tình cảm, thông minh và thẳng tính, thường đưa ra những phát biểu hay bất ngờ, làm cho nhiều người ngạc nhiên và khâm phục.

Ước gì nền giáo dục Việt Nam có được nhiều thầy như Thầy Văn Như Cương. Nhưng thật khó thay. Vì thế mà Thầy ra đi để lại một khoảng trống, như một cây đại thụ nằm xuống để trống một khoảng trời khó lòng bù đắp”.

Trang Facebook của Tiến sỹ Lê Thống Nhất bày tỏ niềm thương tiếc người thầy của mình. Ảnh: T.V

Phóng viên Thu Phương, Báo Công an nhân dân chia sẻ: “Sáng ra, một đồng nghiệp báo tin, thầy Văn Như Cương mất. Mình lặng đi. Thầy Cương là người thầy hồn hậu và vô tư nhất mà mình biết. Thầy chưa bao giờ né tránh báo chí, có thể điện thoại phỏng vấn thầy cả vài chục phút, thầy vô cùng thẳng thắn trong phản biện giáo dục và thầy dường như chưa bao giờ phật ý hay làm khó các nhà báo.

Có lần tối muộn, mình điện thoại cho thầy, thầy cũng không nề hà, trả lời mình một cách rất hồn hậu. Ngày thầy ốm, phóng viên mảng giáo dục gặp nhau đều hỏi, đi thăm thầy Cương chưa? Thầy còn là cộng sự đắc lực với bố chồng mình trong viết sách giáo khoa, công tác với chú ruột chồng mình, nên mình càng trân trọng, yêu quý thầy. Giờ thầy đi xa rồi, để lại bao tiếc nuối, nhớ thương.

Nhưng thầy đã vô cùng hạnh phuc vì thầy đã sống một cuộc đời dâng hiến cho giáo dục, cho khoa học và cho hàng ngàn học trò.”

Còn Tiến sỹ Lê Thống Nhất - một học trò, cũng là đồng nghiệp với thầy Văn Như Cương thì chia sẻ: Viết về thầy rất khó bởi viết mấy cũng còn thiếu rất nhiều. Chỉ tiếc một điều, điều mà thầy chắc cũng không cần: Thầy chưa được tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Nhưng các thế hệ học trò của thầy đều ngưỡng mộ Thầy với danh hiệu: "Nhà giáo của Nhân dân"!

T.V

TIN LIÊN QUAN