17 năm nẹp chân tập đi trong nhà
Bao năm qua, nhìn đứa con tật nguyền, người co rút do di chứng chất độc màu da cam, ông Hồ Xuân Hòa (sinh năm 1953) vẫn luôn day dứt khi cho con một hình hài không lành lặn. Đau xót khi con của mình phải gánh chịu nỗi bất hạnh về thể xác và tinh thần nhưng trong ông luôn có một niềm tự hào mãnh liệt khi con đã sống lạc quan để nuôi sống bản thân mình và trở thành trụ cột vững chắc cho vợ và 2 con gái.
Ông Hòa nhớ như in, ngày mới sinh, Hồ Xuân Thắng đã yếu ớt hơn những đứa trẻ cùng phòng lúc ấy. Sang tháng thứ 4, sau một cơn sốt kéo dài, Hồ Xuân Thắng trở thành người sống thực vật. Lúc này, các bác sỹ đã an ủi vợ chồng ông đưa con về nhà. Gia đình lúc này biết con sẽ không thể vượt qua được bệnh tật nên đã chuẩn bị sẵn đồ khâm liệm.
Nhưng rồi, bằng sức sống phi thường, cậu bé Hồ Xuân Thắng tiếp tục chiến đấu với bệnh tật và dần hồi phục. Cho đến năm 3 tuổi, nhìn con vẫn không thể ngồi hay di chuyển, vợ chồng ông đã đưa con đến Trung tâm Phục hồi chức năng tại thành phố Hồ Chí Minh để chữa trị. Lại một lần nữa vợ chồng ông nén nỗi đau vào trong khi biết con trai mình đã bị teo cột sống, vĩnh viễn sẽ không thể đi lại như những người bình thường.
Lạ lùng thay, dù bệnh tật khiến cho thân thể co rút nhưng Hồ Xuân Thắng luôn lạc quan, yêu đời. Thậm chí, anh còn động viên cha mẹ, người thân của mình hãy vui vẻ và đừng thương hại anh, hãy xem anh như những người bình thường khác.
Nhưng số phận nghiệt ngã, bệnh tình ngày càng nặng khiến tình trạng sức khỏe của anh suy kiệt. Anh đành chấp nhận số phận bại liệt của mình và gắn bó quãng đời còn lại trên chiếc xe lăn. Năm 18 tuổi, anh đã quyết tâm tự lăn xe ra khỏi nhà, bắt đầu kiếm sống bằng nghề buôn bán vặt. Có những ngày phải dầm mưa dãi nắng, anh vẫn kiên nhẫn lăn xe qua mọi vỉa hè, khu phố. Vất vả, lãi ít nhưng năng nhặt chặt bị, anh không chỉ tự trang trải được cho cuộc sống của mình, mà thậm chí có cả tích lũy.
Thán phục nghị lực của anh, có nhiều cô gái quý mến và đem lòng yêu anh. Năm 23 tuổi, anh quyết định yêu và cưới cô gái Trịnh Thị Hải, quê Thanh Chương. Khi 2 đứa con lần lượt ra đời, cũng là lúc anh vắt kiệt sức lực của mình để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống.
Những tháng ngày lao động vất vả khiến bệnh tình ngày càng nặng, xương sống và chân tay anh ngày càng co rút. Vậy nhưng, ngoài thời gian đẩy xe lăn đi bán hàng, đêm về anh vẫn nhận sửa chữa các phụ tùng, máy móc cho người dân trong khu phố.
Trở thành nhà sáng chế khi chưa một ngày đi học
Dù chưa một ngày được tới lớp nhưng Hồ Xuân Thắng lại rất thông minh, lanh lợi. Sau khi được mẹ dạy cho đọc chữ vào năm 8 tuổi, anh đã tự mày mò sách báo đọc không sót một chữ nào. Rồi dần dần, không ai nghĩ anh có thể tự sửa chữa các thiết bị điện tử như nồi cơm điện, xe đạp điện, quạt điện… Những thiết bị về điện đều được anh “bắt bệnh” gần như đúng phóc.
Câu chuyện bắt nguồn từ lần đi bán hàng về muộn, trời lại mưa to, chiếc xe của anh đột nhiên bị hỏng, anh nảy ra ý định làm một cái xe ba bánh có hộp số lùi. Anh lặng lẽ phác thảo những đường nét đầu tiên về xe lăn điện trên những trang vở cũ của con gái. Nghĩ tới đâu, anh vẽ đến đó. Vẽ xong, anh tự mang tới các tiệm cơ khí nhờ họ làm theo bản vẽ của mình.
Khi các chi tiết máy đã sẵn sàng thì việc làm nên chiếc xe vẫn còn vô vàn công đoạn khó khăn. Các quy trình lắp ráp linh kiện vào bo mạch, hàn và chỉnh mạch với người bình thường đã khó, với người khuyết tật như anh lại vô cùng gian nan. Linh kiện đều nhỏ li ti, mạch điện thì đòi hỏi phải khéo léo và tỉ mỉ, mà chỉ còn một tay bên phải vận động được linh hoạt mà thôi. Sau gần nửa năm mày mò, làm việc không ngừng nghỉ, cuối cùng, chiếc xe ba bánh điện số lùi cũng đã được hoàn thành.
Anh còn nhớ 1 khách hàng đặc biệt của mình ở Nghi Xuân (Hà Tĩnh). Ông Ngợi là bộ đội phục viên với thương tật nặng nề. Chứng liệt cứng cơ khiến ông phải nằm liệt giường gần 20 năm. Vì cơ thể chỉ giữ ở một tư thế nhất định do cơ bị cứng nên không thể sử dụng bất kỳ một loại xe nào bán sẵn trên thị trường. Hiểu được nỗi khổ tâm của ông, anh đã mạnh dạn chế tạo riêng một chiếc xe và được ông Ngợi sử dụng gần 5 năm nay.
Nhờ lao động hăng say, giờ đây, anh Thắng đã xây dựng cho mình được một căn nhà cấp 4 khang trang, rộng rãi. Đó là mái ấm mà hai vợ chồng anh luôn mở rộng cánh cửa để giúp đỡ và tiếp thêm động lực cho những hoàn cảnh éo le khác để họ sống yêu đời và có ích cho xã hội.