Đối mặt với tử thần
6 tuổi, Hương Quỳnh bị sốt biến chứng, tay phải của Quỳnh mất tác dụng, teo lại và nhỏ hơn tai trái. Nhưng bù lại Quỳnh rất thông minh. Đến tuổi tới trường, do tay phải bị tật, Quỳnh luyện viết bằng tay trái, chữ của Quỳnh đẹp xếp vào tốp nhất nhì của lớp và thành tích học tập đáng nể. Những năm học phổ thông, Quỳnh được tín nhiệm giao trọng trách viết báo tường cho lớp.
Năm 2005, sau khi tốt nghiệp THPT, Quỳnh thi đậu vào Khoa Kế toán doanh nghiệp của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội với 23 điểm. Ra Hà Nội học được 1 tháng, thấy người mệt mỏi, đi khám thì bác sỹ kết luận Quỳnh bị suy thận. Khi phát hiện bệnh, gia đình khuyên Quỳnh bỏ học để chữa bệnh, nhưng Quỳnh nhất quyết không chịu. Thương con, mẹ Quỳnh đã xin chuyển cho Quỳnh về học hệ cao đẳng tại Trường Cao đẳng Kinh tế Nghệ An. Năm đó, Quỳnh mới bước qua tuổi hai mươi. Cô sinh viên năm cuối với bao mộng đẹp cho tương lai, với đầy ắp những dự định, ấp ủ… Nhưng thật trớ trêu, lúc này, bệnh của Quỳnh ngày càng nặng hơn, Quỳnh buộc phải chạy thận.
Thiếu nữ xinh tươi phơi phới xuân thì bỗng dưng gắn chặt đời mình với bệnh viện. Quỳnh phải chạy thận nhân tạo để duy trì sự sống. Sự thực quá nghiệt ngã trước mắt, Quỳnh rơi xuống tận cùng của tuyệt vọng. Hoang mang, lo sợ, hoàn toàn mất phương hướng là cảm giác của Quỳnh lúc đó. Đến giờ nhớ lại, vẫn còn khiến Quỳnh lạnh cả sống lưng.
Kể về những ngày tháng đen tối mình từng trải qua, đôi mắt Quỳnh ngân ngấn nước. 13 năm đằng đẵng chiến đấu với bệnh tật, chớp mắt một cái, mà ngỡ như chỉ mới ngày hôm qua. “Có đận, nghe theo lời giới thiệu của người thân về ông thầy lang chữa thận bằng thuốc cỏ ở Quảng Ngãi, hai mẹ con Quỳnh khăn gói từ Quỳ Hợp vào đó trị bệnh. Sau 3 ngày điều trị, cơ thể Quỳnh kháng thuốc, sau đó em được chuyển ra Bệnh viện T.Ư Huế để cấp cứu. Nhưng do cơ thể quá yếu, không thể chuyền đạm, nước, Quỳnh đã tự rút kim chuyền và mong muốn được “về nhà để chết”. Quỳnh được đưa về Vinh cấp cứu trong tình trạng hôn mê sâu, các bác sỹ khuyên gia đình đưa về lo hậu sự, nhưng “còn nước, còn tát”, bố mẹ quyết đưa Quỳnh ra Hà Nội.
Sau 3 tiếng cấp cứu, các bác sỹ đã kéo Quỳnh từ "cửa tử" quay về. Sự tuyệt vọng ngày một lớn hơn, 3 tháng điều trị bệnh Quỳnh khóc đến mờ mắt. Phổi nhiễm khuẩn xanh, 3 tháng ròng, Quỳnh ăn ngồi, ngủ ngồi, mắt đơ đơ không ngủ được, da bong từng mảng. Tay chân không có cảm giác cơ lực, mọi sinh hoạt của bản thân mẹ phải phục vụ.
Bác sỹ Tuyển, người trực tiếp điều trị bệnh cho Quỳnh buộc mẹ em không được phục vụ để đánh thức bản năng sinh tồn trong em. Hàng ngày, Quỳnh chập chững bước chân khó nhọc để tự phục vụ mình… Trực tiếp điều trị, bác sỹ Tuyển rất thương và quý Quỳnh, cô gái trẻ hàng chục lần mổ cầu tay, cầu chân, chọc bẹn, cổ… vẫn chịu đau không lời kêu la. Thương gia đình với chi phí hàng chục triệu đồng mỗi tháng điều trị cho con, ổn định sức khỏe, Quỳnh được giới thiệu về điều trị ở Vinh. Bệnh chuyển biến nghiêm trọng nên về Vinh điều trị không lâu, Quỳnh và mẹ lại khăn gói trở lại Hà Nội trong tình trạng huyết áp luôn cao đột biến, kháng với tất cả các loại thuốc, Quỳnh được giới thiệu sang Bệnh viện Tim mạch điều trị riêng về huyết áp. Bàng hoàng và sợ hãi là cảm giác của Quỳnh khi phải tận mắt chứng kiến một bệnh nhân trong phòng ra đi trong lúc đang điều trị. Chưa bao giờ Quỳnh thấy sự sống lại mong manh thế…
Niềm tin yêu chiến thắng bệnh tật
Việc chữa bệnh kéo dài nhiều năm, khiến gia đình ngày càng kiệt quệ, bố mẹ phải trở về quê mưu sinh. Một mình Quỳnh ở lại xóm chạy thận. “Bố mẹ đã vất vả, cực nhọc mưu sinh, kiếm tiền chữa bệnh cho con, lại còn phải nhọc tâm lo lắng. Trong khi đó mình vô dụng quá. Chỉ biết ngày này qua ngày khác, chìm trong đau khổ mà suy sụp. Những tháng ngày sống một mình ở xóm chạy thận, được chứng kiến cảnh một bà lão hơn 70 tuổi bị mù lòa không người thân thích, ngày ngày đi xin ăn, kiếm tiền chạy thận đã giúp mình chợt hiểu ra, sự sống đáng quý biết bao. Sống có ích, có ý nghĩa, thì dù chỉ sống có một ngày, cũng đáng sống nên Quỳnh lại nhủ thầm, mình phải sống thật tốt…”- Quỳnh bộc bạch.
Sau mỗi lần chạy thận, Quỳnh đi lấy hàng và thu gom đồ đạc, quần áo cũ của bạn bè ở Vinh đưa về Quỳ Hợp, phân loại tìm những hoàn cảnh khó khăn để trao.
Mỗi ngày, việc bán hàng, ship hàng và làm thiện nguyện “ngốn” hết thời gian của Quỳnh. Cô gái trẻ ngày nào, giờ bận bịu chẳng còn thời gian để buồn trách số phận nghiệt ngã với mình. “Mình thấy rất vui, công việc mình làm tạo ra thu nhập, mình có tiền để làm thiện nguyện, đến với những mảnh đời còn nhiều bất hạnh hơn mình, bản thân vẫn có thể sống có ích” - Quỳnh nở nụ cười lạc quan.
Nhìn Quỳnh với nụ cười thường trực trên môi, chuyện trò líu lo, tinh thần lạc quan, ít ai biết rằng Quỳnh đang bị suy thận nặng. Chính niềm tin yêu cuộc sống đã giúp cô gái nhỏ bé ấy chiến thắng bệnh tật…