(Baonghean) - Điệp khúc gồng gánh can thùng đi xin nước với người dân bản Lè, xã Châu Hội (Quỳ Châu) giờ đây đã lùi vào dĩ vãng. Tất cả là nhờ mô hình bể chứa nước cộng đồng do chính người dân góp công, góp của để làm...
Dẫn chúng tôi tham quan các công trình bể chứa nước trong bản, ông Hoàng Văn Trường, Trưởng bản Lè cho biết: 100% bà con ở đây đều là người dân tộc Thái, đời sống còn khá nhiều khó khăn, nhất là vấn đề nước sinh hoạt. Trước khi có công trình này, bà con thường phải dùng nước giếng khơi hoặc đi lấy từ các con khe cách nhà đến vài cây số. Tuy nhiên, vào mùa khô, có đến 1/3 gia đình trong bản thiếu nước sinh hoạt. Trước thực tế đó, các hộ ở Đội 1 đã tiên phong cùng nhau góp tiền mua nguyên, vật liệu xây bể, làm đường ống dẫn nước từ khe về. Sau khi bể nước đầu tiên đặt ở vị trí nhà ông Lang Văn Tuốt hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2011, phục vụ cho 20 hộ trong đội, bà con trong bản kéo nhau đi xem, ai nấy đều ước ao... Từ đó đến nay, bản đã có 4 bể, đáp ứng đủ nhu cầu nước sinh hoạt của bà con quanh năm.
Với thể tích trung bình 15m3, hiện ở bản Lè có 4 bể, 2 bể ở đội 1 và 2 bể ở đội 3, đủ cung cấp nước sinh hoạt cho gần 80 hộ dân với 340 nhân khẩu. Đáng nói, tất cả các bể nước đều được xây dựng từ sự góp sức của người dân. Họ tự của, góp công để làm, mỗi hộ góp gần 10 ngày công lao động và 2 triệu đồng để mua vật liệu. Phấn khởi chỉ cho chúng tôi xem bể nước của đội 3, chị Lang Thị Xuân cho hay: Từ ngày có bể nước, không phải lo giếng khơi cạn nước vào mùa hè, cũng không phải đi gánh nước tận 1-2 cây số như trước mà mọi sinh hoạt đều thoải mái hơn, “cứ vặn vòi là có nước”. Còn ông Lang Văn Thanh, đội 1 chia sẻ: Nhà làm nông nghiệp, vì vậy khoản tiền 1-2 triệu đồng cũng là lớn, nhưng thấy hiệu quả của mô hình này nên liền bán lúa, cộng với ít tiền lâu nay dành dụm được góp cùng mọi người trong đội xây bể chứa...
Tìm hiểu được biết, để có công trình bể chứa nước cộng đồng như hiện nay, sau khi tự khảo sát tìm nguồn nước, thống nhất được vị trí đặt bể rồi tiến hành nộp tiền, mua nguyên, vật liệu, rồi góp công xây dựng. Trước khi công trình đưa vào sử dụng, bà con ở các đội đã tiến hành họp tất cả các hộ dân cùng đóng góp xây bể để thống nhất về cách thức quản lý và sử dụng. Định kỳ hàng tháng, các đội đều tiến hành phát dọn khu vực bể thu nước, cọ rửa bể chứa. Ngoài ra, để đảm bảo nguồn nước, ngoài ý thức tiết kiệm, bà con còn vận động người dân trong bản bảo vệ diện tích rừng khu vực đặt bể thu nước. Những hộ có diện tích rừng ở khu vực này đều tự nguyện giữ nguyên hiện trạng rừng, không khai thác. Nhờ vậy, từ khi các công trình hoàn thành đưa vào sử dụng đến nay luôn đảm bảo đủ nước cung cấp cho người dân ngay cả trong mùa khô.
Có thể thấy, dù đời sống còn lắm khó khăn nhưng với sự đồng lòng và nhận thức được tầm quan trọng của việc sử dụng nước sạch, và hơn hết là ý thức tự chủ, không trông chờ, ỷ lại vào các chương trình dự án đầu tư của Nhà nước, nên người dân ở bản Lè, xã Châu Hội đã thành công với mô hình bể chứa nước cộng đồng. Đây là mô hình hay, thiết thực với cuộc sống người dân, đặc biệt là ở vùng cao, đồi núi nhiều, đi lại, vận chuyển khó khăn. Chia sẻ với chúng tôi, ông Hoàng Văn Trường, Trưởng bản cho biết thêm “Từ hiệu quả thực tế của 4 bể nước cộng đồng do chính bà con góp công, góp của xây dựng, trong thời gian tới bản sẽ tuyên truyền để bà con 2 đội còn lại tham quan học hỏi, góp phần nhân rộng mô hình này”.
Quảng An