(Baonghean) - Lâu nay, chúng ta thường trồng keo để làm nguyên liệu giấy cho các nhà máy chế biến gỗ, do vậy sau 5 - 6 năm trồng, chăm sóc, người trồng rừng được thu hoạch 1 lứa. Nhờ các chương trình đầu tư trồng rừng của Chính phủ, như: 272, 147... nhiều gia đình có nguồn thu nhập khá, đồi núi trọc được phủ màu xanh của rừng.
 
Tuy nhiên, nhiều năm nay, giá thu mua gỗ nguyên liệu của nhà máy giảm, khiến người trồng rừng thu lãi từ bán gỗ nguyên liệu rất thấp. Các huyện miền núi của tỉnh ta có nhiều tiềm năng để phát triển rừng nguyên liệu, đó là diện tích đồi núi thấp nhiều, như Tân Kỳ có hơn 10 nghìn ha, Con Cuông gần 15 nghìn ha... Hàng năm, mỗi địa phương trồng mới hơn 1 nghìn ha rừng keo, đồng nghĩa với thu hoạch ngần ấy ha rừng keo nguyên liệu.
 
Bài toán vừa nêu cho thấy, 1 ha rừng keo nguyên liệu có thể thu hoạch được 70 tấn gỗ, tương đương khoảng 100 m3. Giá bán tại các nhà máy chế biến gỗ trong tỉnh những năm qua dao động từ 850 - 960 nghìn đồng/tấn, người trồng rừng thu được khoảng gần 70 triệu đồng. Theo tính toán, để thu hoạch được 1 ha keo, vận chuyển đến nhà máy, người trồng rừng phải chi phí một khoản tiền khá lớn. Đó là tiền thuê nhân công khai thác, thuê xe ô tô vận tải... Một chuyến xe chở 10 tấn gỗ, từ Tân Kỳ xuống Thị xã Cửa Lò, phí vận chuyển từ 2,5 - 3 triệu đồng (tùy địa bàn); từ Yên Thành xuống Cửa Lò 1,5 - 1,7 triệu đồng...
 
Vậy là, 1 ha rừng phải thuê 7 chuyến xe, nếu đi từ Tân Kỳ mất khoảng 20 triệu đồng, công khai thác mất khoảng 6 triệu đồng, tiền mua cây giống, vật tư, công chăm sóc... khoảng 15 triệu đồng. Tổng chi phí cho 1 ha rừng đến ngày thu hoạch và vận chuyển về nhà máy không dưới 40 triệu đồng. Như vậy, người trồng rừng còn lãi khoảng 30 triệu đồng, chia cho 6 năm, mỗi năm còn lãi 5 triệu đồng. Nếu người trồng rừng bán cho thương lái nguyên cả cánh rừng, thì tiền lãi còn thấp hơn.
 
images1151589_img_9763.jpgNgười dân huyện Con Cuông chăm sóc rừng keo.
 
Trồng keo lấy gỗ xuất khẩu, thay cho trồng keo lấy nguyên liệu giấy, đang được một số địa phương thực hiện. Huyện Con Cuông là địa phương đang mở rộng diện tích trồng keo lấy gỗ. Ông Nguyễn Đức Sơn, Giám đốc Công ty TNHH 1 thành viên Lâm nghiệp Con Cuông, cho biết: Từ năm 2014 đến nay, đơn vị thực hiện các dự án trồng rừng của Nhà nước, khác với trước là trồng keo nguyên liệu, thì hướng dẫn bà con trồng keo lấy gỗ, vì hiệu quả kinh tế cao hơn.
 
Ông Sơn đưa ra bài toán, trồng keo lấy gỗ phải là giống keo Úc thì chất lượng gỗ mới tốt, thân cây thẳng, nhanh lớn, hiệu quả kinh tế cao. Khác với trồng keo nguyên liệu, trồng keo lấy gỗ phải thưa hơn, 1 ha trồng được 1.100 cây, chăm sóc từ 10 - 12 năm mới thu hoạch. Khi đó thân cây keo đạt vanh 70, với 1 ha thu hoạch được 200 m3 gỗ, gỗ keo bán với giá hiện nay 1,5 triệu đồng/m3 được 300 triệu đồng. Như vậy, so với trồng rừng nguyên liệu, thời gian chăm sóc, bảo vệ gấp đôi, nhưng thu nhập cao gấp 4 lần. Tuy nhiên, để trồng được keo lấy gỗ, đòi hỏi gia đình phải có điều kiện kinh tế khá.
 
Năm nay, Công ty TNHH 1 thành viên Lâm trường Con Cuông được giao chỉ tiêu trồng 600 ha keo, thuộc Dự án trồng rừng 147 của Chính phủ. Để đáp ứng nhu cầu cây giống keo Úc cho người dân và công nhân trồng rừng keo lấy gỗ, đơn vị đã nhập hạt giống keo Úc về ươm. Theo đó, 100% diện tích rừng trồng thuộc dự án 147 trong năm nay được đơn vị chỉ đạo trồng keo lấy gỗ xuất khẩu. Tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Con Cuông, qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, năm nay đơn vị được giao chỉ tiêu trồng 500 ha rừng keo thuộc Dự án 147 tại 4 xã: Thạch Ngàn, Đôn Phục, Bình Chuẩn và Lục Dạ. Đơn vị đã ươm 100% giống keo Úc và tuyên truyền, chỉ đạo bà con trồng keo lấy gỗ. Đến thời điểm này, toàn bộ 60 vạn cây giống keo Úc của đơn vị đang giai đoạn phát triển, tiến hành trồng rừng trong tiết cốc vũ, tiểu mạn...
 
Huyện Con Cuông có 15 nghìn ha trồng keo, đến thời điểm này cơ bản đã phủ xanh. Xác định trồng rừng là mũi nhọn phát triển kinh tế, huyện đang hướng đến mục tiêu chuyển từ trồng keo nguyên liệu sang trồng keo lấy gỗ, nhằm tăng giá trị kinh tế cho người trồng rừng. 
 
Xuân Hoàng