Chắc chắn ở AFF Cup này, người ta sẽ còn nói nhiều về ĐT Indonesia có độ tuổi bình quân 23 do ông thầy Hàn Quốc Shin Tae-yong dẫn dắt với sự tiến bộ vượt bậc trong 2 năm qua dù lối chơi thô bạo và ứng xử nghiệp dư vẫn chưa xóa hết dấu tích. Nhưng cứ nhìn cách quân bài chủ lực, kinh nghiệm bậc nhất bóng đá xứ vạn đảo là Evan Dimas chỉ được vào sân hiệp 2 trận gặp ĐT Việt Nam, chỉ được vào sân ít phút cuối trận đấu nghẹt thở với đội chủ nhà Singapore đủ thấy sự lớn mạnh của dàn trẻ từng thua 3-1 và 4-0 ở vòng loại thứ 2 World Cup là ấn tượng, được tin cậy đến mức nào.
Nhưng nên nhớ, khi họ lấn lướt ĐT Singapore ở bán kết lượt về, khiến đội chủ nhà lần lượt mất người thì dàn trẻ thăng hoa này lại để mất lợi thế rất dễ dàng mà không thể hiểu nổi vì sao? Và nếu cú sút 11m thành công ở cuối trận dành cho chủ nhà Singapore thì mọi thứ đang đẹp như mơ đối với ĐT Indonesia sẽ nhanh chóng vùi lấp dưới… địa ngục! Chắc chắn, dù có rất nhiều điểm mạnh được ghi nhận thì ông Shin Tae-yong cũng khắc sâu trong tâm trí về những phút giây hoảng loạn, đánh mất mình trong tích tắc mà dàn trẻ đầy tài năng trong tay ông đã trình diễn trong hiệp 2 trận bán kết lượt về trước ĐT Sigapore?
Và điều này nữa không thể không nói: 2 trận gần nhất gặp ĐT Việt Nam, họ đều được hưởng những quả phạt penalty nhưng đều không thành công khi bị Văn Lâm và Nguyên Mạnh chặn đứng. Đó là cú sút bị Văn Lâm dùng chân cản phá của hậu vệ lừng danh Theerathon ở trận lượt về vòng loại thứ 2 World Cup trên sân Mỹ Đình (11/2019). Đó là cú sút cân não của “Messi Thái” Chanathip vào chính giữa khung thành nhằm đánh gục Nguyên Mạnh và ý chí của ĐT Việt Nam nhưng cựu thủ môn SLNA này đã “bắt lại bài” của đối thủ và chặn đứng một cách lạnh lùng ở trận bán kết lượt đi AFF Cup. Điều này đã giúp chúng ta nhận ra, ngay cả khi đã dẫn trước ĐT Việt Nam 2 bàn không gỡ, thì người Thái vẫn e ngại ĐT Việt Nam, cho dù đó là 2 ngôi sao hàng đầu như Theerathon và Chanathip?
Và cũng không thể không nói về “gót chân Asin” của ĐT Việt Nam ở AFF Cup lần này. Khi bóng đá Việt lên đỉnh khu vực, mọi bước đi, cách vận hành, mọi vị trí… đều bị đối thủ “soi rõ như ban ngày”. Công thức thành công của thầy trò ông Park vì vậy nhanh chóng bị “giải mã”. Điểm mạnh của ĐT Việt Nam không chóng thì chầy sẽ trở thành điểm yếu để tất cả các đối thủ tha hồ tấn công. Đã vậy, việc đội tuyển tập trung 6 tháng ròng rã, thi đấu liên tục khiến cho sức bật, sự thanh thoát của họ biến mất nên người Thái nhanh chóng khai thác ở cả tình huống phản công lẫn bật tường trung lộ để ăn bàn dễ dàng như chúng ta đã thấy.
Đừng đổ lỗi cho việc ĐT Việt Nam vắng hàng loạt trụ cột, bởi nếu còn họ trên sân thì mọi bài vở cũng lộ rõ trước đối thủ rồi. Và chính họ luôn là những người cày ải nhiều nhất sau nhiều trận đấu khó khăn nên không thể nói là giữ được sức bật như mong muốn. Đã không hề ngẫu nhiên khi một loạt ngôi sao xuống sức, giảm phong độ, trừ Quang Hải và phần nào Hoàng Đức, trừ Nguyên Mạnh chứng minh được năng lực sau một thời gian dài không được gọi…
Để thấy, khi ĐT Việt Nam bộc lộ khá nhiều điểm yếu, nhất là việc ở 1 trận vòng bảng (gặp ĐT Indonesia) và 2 trận bán kết (gặp ĐT Thái Lan) không có nổi một bàn thắng đủ nói lên rằng chất lượng tấn công của đội đương kim vô địch đã “cùn mằn” đến mức báo động đỏ. Tất nhiên, có cả nguyên nhân từ việc cung cấp bóng, từ cách chơi, cách triển khai của các tuyến và hơn hết là cách tiếp cận trận đấu, đọc trận đấu để thay người từ ban huấn luyện…
Hẳn là sau giải đấu không hoàn thành nhiệm vụ này, biệt danh “thầy phù thủy” dành cho ông Park Hang-seo sẽ ít được nói đến, thậm chí có thể rơi vào quên lãng nếu ĐT Việt Nam và U23 Việt Nam không tự làm mới, tự vươn lên để giảm thiểu những điểm yếu đã và đang phơi ra trước mắt đối thủ?