Kể từ khi dẫn dắt bóng đá Việt Nam, HLV Park Hang-seo đã sớm nhận ra điểm yếu của các hậu vệ Việt Nam nếu chơi với sơ đồ 4 hậu vệ. Và ngay từ những trận đấu đầu tiên, ông thầy người Hàn Quốc đã xây dựng sơ đồ 5 hậu vệ khi phòng ngự và khi tấn công tổng lực là 3-4-3.

Sơ đồ nói trên đã mang đến thành công cho bóng đá Việt Nam suốt hơn 2 năm qua. Tuy nhiên, khi các đối thủ đã không còn lạ lẫm với sơ đồ chiến thuật này, HLV Park Hang-seo buộc phải thay đổi.

Về lý thuyết, sơ đồ 3-5-2 không có nhiều thay đổi so với 3-4-3 nhưng sự đa dạng của sơ đồ 2 tiền đạo giúp cho sức tấn công của U22 Việt Nam trở nên mạnh mẽ hơn. Khi phòng ngự, U22 Việt Nam vẫn có đủ 5 người, 3 tiền vệ khu trung tuyến và 2 tiền đạo.

indo2436055_12122019.pngĐội hình xuất phát khi U22 Việt Nam gặp Indonesia tại vòng bảng. Ảnh: VFF

Những trận đấu đầu tiên tại SEA Games 30 gặp Brunei và Lào, HLV Park Hang-seo vẫn bố trí đội hình 3-4-3, bắt đầu thử nghiệm sơ đồ mới và lần lượt tung Hà Đức Chinh vào đá cặp với Nguyễn Tiến Linh và ngược lại. Cho đến trận gặp Thái Lan, HLV Park Hang-seo đã đưa ra quyết định này từ rất sớm khi trận đấu chưa trôi qua được 20 phút.

Ở trận gặp Indonesia, HLV Park Hang-seo đã rút một hậu vệ biên như Hồ Tấn Tài ra để nhường chỗ cho Hà Đức Chinh và lúc đó, Trọng Hoàng được trả về vị trí hậu vệ cánh phải, đối diện là Đoàn Văn Hậu.

Khi Trọng Hoàng được trả về vị trí hậu vệ cánh phải, anh không những đảm nhiệm tốt vai trò phòng ngự mà còn trở nên nguy hiểm hơn bởi những tình huống leo biên, dâng cao của mình. Đồng thời, đội tuyển Việt Nam chuyển trạng thái lần lượt từ 3-5-2, 4-4-2 và 5-4-1 khi cần phòng ngự.

Tiến Linh vẫn là cầu thủ chơi cao nhất trong đội hình U22 Việt Nam. Ảnh: Hải Hoàng

Thực tế, sự khác biệt của 3-4-3 và 3-5-2 là không nhiều, kể từ khi Đức Chinh hoặc Tiến Linh lần lượt được thay vào, U22 Việt Nam sẽ thường xuyên thi đấu với 2 tiền đạo trên cao. Với 3-4-3, chỉ một mình trung phong giữ nguyên vị trí. Đó là lý do Anh Đức, Tiến Linh hay Đức Chinh thường không đá cùng nhau trong 1 trận đấu.

Dĩ nhiên để cải thiện khâu tấn công, kiểm soát bóng là một yếu tố quan trọng. So với 2 tiền vệ trung tâm trước đây như Hùng Dũng – Tuấn Anh hoặc Huy Hùng, Đức Huy, Xuân Trường thì việc chơi với 3 tiền vệ trung tâm rõ ràng đã mang đến những hiệu quả rõ rệt. Và khi đó, U22 Việt Nam phải chấp nhận việc ít cơ hội phản công hơn.

Điều này được thể hiện rõ khi Singapore và Indonesia đã gây ra rất nhiều khó khăn cho thầy trò HLV Park Hang-seo. Bởi dù sao, U22 Việt Nam cũng đã quen chơi với một sơ đồ thấp, phòng ngự chặt và chỉ có 2 trận gặp Brunei, Lào để thực nghiệm sơ đồ mới.

Đội hình xuất phát U22 Việt Nam trong trận chung kết gặp U22 Indonesia. Ảnh: VFF

Phải đến trận chung kết gặp lại U22 Indonesia, HLV Park Hang-seo đã không còn bố trí 3-4-3 khi xuất phát. Thay vào đó, HLV người Hàn Quốc để Trọng Hoàng chơi hậu vệ ngay từ đầu và Tấn Tài thi đấu ở cánh đối diện, Văn Hậu đá trung vệ, 2 tiền vệ tấn công của U22 Việt Nam là Hoàng Đức – Hùng Dũng.

Sự khác biệt rõ nét nhất chính là việc U22 Việt Nam xuất hiện một tiền vệ đánh chặn thực thụ là Đức Chiến. Sự cẩn trọng đã được HLV Park đề cao khi có mặt đến 6 hậu vệ trên sân nhưng vẫn có 2 tiền đạo cắm là Đức Chinh và Tiến Linh.

Thoạt nhìn, U22 Việt Nam xuất phát với sơ đồ 3-5-2 nhưng khi Tấn Tài và Trọng Hoàng lui về phòng ngự, hoặc 1 trong 2 cầu thủ này dâng cao, sơ đồ sẽ có nhiều thay đổi. Các vị trí còn lại phải đồng thời di chuyển để lấp khoảng trống, đảm bảo có ít nhất 4 cầu thủ phòng ngự trước cầu môn.

Trọng Hoàng nguy hiểm hơn khi chơi ở vị trí hậu vệ. Ảnh: Hải Hoàng

Khi có mặt 2 tiền đạo trên sân, Tiến Linh vẫn sẽ chơi cao nhất nhưng Đức Chinh sẽ đảm nhận trọng trách thu hút hàng phòng ngự đối phương, quấy rối thậm chí là kiến tạo. Đây có lẽ là kỳ SEA Games đáng nhớ nhất của tiền đạo này với 8 bàn thắng, còn Tiến Linh có 6 bàn thắng.

Để chơi được 3-5-2, HLV Park Hang-seo ngoài đôi cánh Văn Hậu - Trọng Hoàng hoặc Thanh Thịnh – Trọng Hoàng còn sở hữu những cầu thủ có chiều cao rất tốt như Thành Chung, Tiến Linh để tối ưu hóa những quả phạt góc, tạt cánh đánh đầu.

Dù gặp một chút khó khăn khi phải liên tục chuyển trạng thái sơ đồ nhưng nhìn chung, các cầu thủ đều đã có một trải nghiệm mới và một kỳ SEA Games thành công. Trong đó, Hùng Dũng, Quang Hải, Trọng Hoàng, Hoàng Đức, Văn Hậu, Thanh Thịnh và Đức Chiến là những người thường xuyên phải thay đổi vị trí sở trường.

Sự đa năng của hai cầu thủ quá tuổi là Trọng Hoàng và Hùng Dũng chính là chìa khóa mang đến thành công cho U22 Việt Nam tại giải đấu này. HLV Park Hang-seo đã hoàn toàn sáng suốt khi mang đến Philippines bộ đôi từ ĐTQG và họ cũng đã có những bàn thắng riêng cho mình.

HLV Park Hang-seo nắm rõ ưu nhược điểm của cầu thủ Việt Nam. Ảnh: Hải Hoàng

Thống kê cho thấy, tại SEA Games 30, U22 Việt Nam ghi được 24 bàn thắng sau 7 trận đấu thì có đến 9 bàn thắng được thực hiện bằng đầu. Một phương án cực kỳ hiệu quả khi đối thủ co cụm về phòng ngự, đặc biệt là trong những trận đấu gặp Singapore, Indonesia hay Thái Lan.

Đúng như những gì mà HLV Park Hang-seo từng phát biểu, ông lo lắng về việc sơ đồ 2 tiền đạo đủ sức chinh phục Đông Nam Á, nhưng khó có thể chơi tốt khi gặp các đội bóng mạnh. Mặc dù vậy, để duy trì được chiến thắng và những thành công, HLV Park buộc phải thay đổi.

Sẽ không có gì bất ngờ nếu tại VCK U23 châu Á lẫn vòng loại World Cup 2022, các đội tuyển Việt Nam tiếp tục chơi với sơ đồ 5 hậu vệ và 2 tiền đạo. Sự tiến bộ của Đức Chinh – Tiến Linh là rất rõ nét và khi Phan Văn Đức, Trần Đình Trọng trở lại, HLV Park Hang-seo càng có thêm nhiều phương án để cải thiện khả năng tấn công.