Nhận tiền hỗ trợ theo Nghị quyết 116

Theo Quyết định 28 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, sau khi nhận được danh sách người lao động đủ điều kiện nhận hỗ trợ do cơ quan Bảo hiểm xã hội gửi, mà thấy cần phải điều chỉnh thông tin, thì muộn nhất đến hết ngày 10/11/2021, các doanh nghiệp phải hoàn thành việc điều chỉnh thông tin để gửi lại danh sách cho cơ quan Bảo hiểm xã hội, kèm theo hồ sơ chứng minh thông tin điều chỉnh theo quy định.

image_4358407_31102021.jpgNgười dân nhận tiền hỗ trợ COVID-19.

Trong vòng 20 ngày kể từ ngày nhận được danh sách điều chỉnh, tức là vào khoảng 30/11/2021, cơ quan Bảo hiểm xã hội phải chi trả tiền hỗ trợ cho người lao động tại doanh nghiệp.

Như vậy, ngày 10 và 30/11/2021 là 2 mốc thời gian quan trọng trong tháng 11 để người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp nhận được tiền hỗ trợ COVID-19.

Trường hợp người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp sau ngày 30/11/2021 vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ thì phải tự làm thủ tục thông qua ứng dụng VssID, qua Cổng dịch vụ công của Bảo hiểm xã hội Việt Nam hoặc đến trực tiếp cơ quan Bảo hiểm xã hội, như đối với trường hợp người lao động đã nghỉ việc, dừng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Thời hạn tiếp nhận đề nghị hỗ trợ chậm nhất đến hết ngày 20/12/2021. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị hỗ trợ của người lao động, cơ quan Bảo hiểm xã hội chi trả tiền hỗ trợ cho người lao động, thời gian hoàn thành chậm nhất vào ngày 31/12/2021. Trường hợp không chi trả hỗ trợ, cơ quan Bảo hiểm xã hội thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Giảm thuế giá trị gia tăng đối với nhiều hàng hóa, dịch vụ

Đây là nội dung tại Nghị quyết 406 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19.

Theo đó, kể từ ngày 1/11/2021 đến hết ngày 31/12/2021, giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với đối với các hàng hóa, dịch vụ sau đây:

(1) Dịch vụ vận tải gồm: (vận tải đường sắt, vận tải đường thủy, vận tải hàng không, vận tải đường bộ khác); dịch vụ lưu trú; dịch vụ ăn uống; dịch vụ của các đại lý du lịch, kinh doanh tour du lịch và các dịch vụ hỗ trợ, liên quan đến quảng bá và tổ chức tour du lịch;

(2) Sản phẩm và dịch vụ xuất bản; dịch vụ điện ảnh, sản xuất chương trình truyền hình, ghi âm và xuất bản âm nhạc; tác phẩm nghệ thuật và dịch vụ sáng tác, nghệ thuật, giải trí; dịch vụ của thư viện, lưu trữ, bảo tàng và các hoạt động văn hóa khác; dịch vụ thể thao, vui chơi và giải trí.

Lưu ý: Hàng hóa, dịch vụ trong nhóm (2) không bao gồm phần mềm xuất bản và các hàng hóa, dịch vụ sản xuất, kinh doanh theo hình thức trực tuyến.

Tùy thuộc vào phương pháp tính thuế, mức giảm thuế GTGT được áp dụng như sau:

Doanh nghiệp, tổ chức tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ được giảm 30% mức thuế suất thuế GTGT; Doanh nghiệp, tổ chức tính thuế GTGT theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu được giảm 30% mức tỷ lệ % để tính thuế GTGT.

Trường hợp nào được từ chối tiếp công dân?

Thông tư 04 của Thanh tra Chính phủ về quy trình tiếp công dân có hiệu lực từ 15/11. Thông tư quy định người tiếp công dân được từ chối tiếp công dân và giải thích lý do từ chối, đồng thời báo cáo với người phụ trách nếu đó là người say rượu, bia; người mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc điều khiển hành vi; người có hành vi đe dọa, xúc phạm cơ quan, tổ chức, đơn vị, người tiếp công dân, người thi hành công vụ hoặc có các hành vi khác vi phạm nội quy nơi tiếp công dân.

Thông tư 05 của Thanh tra Chính phủ cũng có hiệu lực từ 15/11, bổ sung quy định đơn thư khiếu nại tố cáo bằng tiếng nước ngoài kèm theo bản dịch được công chứng sẽ được tiếp nhận xử lý (trước đây chỉ tiếp nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo được viết bằng tiếng Việt).

Bảo vệ việc làm cho người lao động là người tố cáo

Từ ngày 1/11/2021, Thông tư 09 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ chính thức có hiệu lực (Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 08/2020/TT-BLĐTBXH ngày 15/10/2020), với quy định mới liên quan đến bảo vệ việc làm người tố cáo là người đang làm việc theo hợp đồng lao động tại các cơ quan, doanh nghiệp.

Theo Thông tư này, trường hợp doanh nghiệp không chấp hành biện pháp bảo vệ việc làm cho người lao động thì Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở hoặc Ban lãnh đạo của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp mà người lao động đó là thành viên phải có ý kiến bằng văn bản với doanh nghiệp, đồng thời báo ngay sự việc với cơ quan liên quan để kịp thời xử lý và có biện pháp bảo vệ việc làm cho người lao động.