(Tham luận của đồng chí Phan Đình Trạc- Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tại Hội thảo khoa học "Chủ tịch Hồ Chí Minh- Hành trình tìm đường cứu nước")
1. Truyền thống yêu nước của quê hương xứ Nghệ đã góp phần hình thành nên hoài bão cứu nước của Hồ Chí Minh.
Nghệ An, và rộng hơn là xứ Nghệ (bao gồm cả Nghệ An và Hà Tĩnh là vùng đất lâu đời và có bề dày truyền thống yêu nước rất đáng tự hào trong dòng chảy của lịch sử dân tộc.
Lần giở trang sử chống ngoại xâm - tạo nên dòng lịch sử anh hùng của dân tộc, chúng ta đều thấy in đậm dấu tích của vùng đất Hồng Lam. Trong thời kỳ chống ách đô hộ của phong kiến phương Bắc, Nghệ An không chỉ nhiệt thành hưởng ứng khởi nghĩa Hai Bà Trưng, khởi nghĩa Bà Triệu, khởi nghĩa Lý Bí, cuộc nổi dậy của Khúc Thừa Dụ, mà còn tự mình đứng ra dương cao ngọn cờ khởi nghĩa đánh đuổi quân thù, xây dựng đất nước, đó chính là cuộc khởi nghĩa lớn do Mai Thúc Loan lãnh đạo (713 - 722).
Bước sang thời kỳ độc lập tự chủ, núi rừng, sông biển và con người nơi đây đã cùng hợp lực với nhau tạo nên vị thế chiến lược của quốc gia: đất "phên dậu" thời Đinh - Tiền Lê - Lý; đất "cối kê" thời Trần; đất "đứng chân" và "thang mộc" thời Hậu Lê; đất "Phượng Hoàng Trung Đô" thời Tây Sơn, là "thành đồng ao nóng" và giữ vị trí "then khóa" của biết bao triều đại. Từ khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, nhân dân Nghệ An cùng các nhà văn thân đã sớm tỏ rõ quyết tâm đánh "cả Triều lẫn Tây", mà tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa của Trần Tấn và Đặng Như Mai lãnh đạo. Đến khi phong trào Cần Vương dấy lên, Nghệ An không chỉ nổi lên cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Xuân Ôn - Lê Doãn Nhã, mà còn hưởng ứng sôi nổi cuộc khởi nghĩa của Phan Đình Phùng lãnh đạo từ Hương Khê (Hà Tĩnh) phát triển ra.
Bước sang đầu thế kỷ XX, cuộc vận động giải phóng dân tộc bùng lên với phong trào Đông Du và cuộc vận động Duy Tân theo khuynh hướng cách mạng dân chủ tư sản. Không ai khác, chính Phan Bội Châu - người con ưu tú của quê hương Nam Đàn, Nghệ An là linh hồn của phong trào giải phóng dân tộc ở Việt Nam trước khi Hồ Chí Minh xuất hiện.
Sinh ra trong một gia đình yêu nước, chứng kiến sự thất bại của các phong trào yêu nước, các cuộc khởi nghĩa diễn ra trên chính quê hương mình và sự "bất lực" của các bậc tiền nhân..., tất cả đã nung nấu, thôi thúc Hồ Chí Minh ra đi và tìm kiếm một con đường cứu nước mới. Và như thế, chính mạch nguồn truyền thống yêu nước của vùng đất "địa linh nhân kiệt" này như một lẽ tự nhiên không chỉ đã sản sinh ra Hồ Chí Minh mà còn góp phần tạo nên nền móng để hình thành hoài bão ra đi tìm đường cứu nước của Người.
2. Truyền thống văn hóa của quê hương xứ Nghệ đã góp phần trang bị cho Hồ Chí Minh một vốn kiến thức uyên thâm làm hành trang cần thiết để ra đi tìm đường cứu nước.
Nghệ An là một trong số ít vùng đất tạo nên được dấu ấn sâu đậm trong bản sắc văn hóa của dân tộc. Đó chính là vùng văn hóa xứ Nghệ. Dấu tích văn hóa xưa như: Thẩm Ồm, Làng Vạc, Rú Trăn, Vạn An, Nhạn Tháp, Rú Thành, Phượng Hoàng-Trung Đô, trải qua bao lớp bụi thời gian nhưng vẫn được lưu giữ hiện hữu và trường tồn. Trong quá trình chinh phục và cải tạo tự nhiên, cộng đồng cư dân nơi đây đã tạo nên một nền văn nghệ dân gian phong phú. Đó là những làn điệu dân ca hát ví, hát dặm, hát đò đưa, hát phường vải trữ tình. Xứ Nghệ nổi tiếng là vùng đất hiếu học.
Hình ảnh "thầy đồ Nghệ" đã trở thành biểu tượng khắc họa của nền giáo dục Nho học. Từ thời Trần, xứ Nghệ đã có Trại trạng nguyên và từ đó về sau số người học hành khoa cử đỗ đạt của vùng đất Hồng Lam thuộc vào loại cao nhất của đất nước.
Cùng với nét đặc sắc của nền văn nghệ dân gian, nền văn học ở đây tuy ra đời muộn nhưng đã phát triển nhanh chóng với văn phái Hồng Lam nổi tiếng. Vùng đất này cũng đã sản sinh ra bao bậc danh hiền cho quê hương đất nước như: Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Hồ Xuân Hương, Phan Bội Châu... Tuổi thơ Hồ Chí Minh được tắm mình trong mạch nguồn văn hóa của quê hương. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình văn hóa yêu nước, lại là người có tâm hồn nhạy bén, chất văn hóa "xứ Nghệ" đã sớm kết tinh đậm nét ở Người. Thừa hưởng truyền thống văn hóa tốt đẹp của gia đình và quê hương là cơ sở để Hồ Chí Minh lĩnh hội văn hóa dân tộc, tiếp cận với tinh hoa văn minh nhân loại và vươn tới chân lý cứu nước mới.
3. Truyền thống lao động cần cù, đùm bọc thương yêu nhau của cộng đồng cư dân xứ Nghệ đã thúc đẩy Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước trong tư thế của một người lao động, thấu hiểu được cuộc sống của giai cấp cần lao, đem lại hạnh phúc cho nhân dân lao động.
Xứ Nghệ - đất rộng, người đông, khí hậu khắc nghiệt. Từ xa xưa, người dân nơi đây đã phải vật lộn với thiên nhiên để tồn tại và phát triển. Cộng đồng dân cư Nghệ An đã phải cần cù lao động, chắt chiu tiết kiệm đến mức chịu thiếu, chịu khổ mà cuộc sống vẫn khốn khó. Đã thế, thiên tai và địch họa lại rình rập, uy hiếp thường xuyên. Trong hoàn cảnh đó, nhân dân lao động Nghệ An đã sớm biết đùm bọc thương yêu, hợp quần cố kết với nhau. Tình thương yêu mà họ giành cho nhau là chân thành của những người lao động bình dị, chân quê, giàu lòng vị tha: "trọng tình làng nghĩa xóm", "tắt lửa tối đèn có nhau.
Sinh ra trong một gia đình Nho học, nhưng gia đình Hồ Chí Minh có cuộc sống giản dị, thanh bạch, giàu lòng thương người, hòa mình với người dân lao động. Nhờ sớm được bồi đắp truyền thống lao động từ quê nhà, Người đã ra đi tìm đường cứu nước trong tư thế của một người lao động với hai bàn tay trắng. Và trên hành trình tìm đường cứu nước, chính lao động không chỉ giúp mưu cầu sự sống mà còn là một phương cách hữu hiệu để Người hoạt động yêu nước, hoạt động cách mạng, thấu hiểu được tâm tư, tình cảm và ước vọng của giai cấp cần lao, tiếp thu và vận dụng thành công Chủ nghĩa Mác Lê nin - hệ tư tưởng của giai cấp vô sản, vào hoàn cảnh của Việt Nam.
Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước vào ngày 05/06/1911. Tròn một thập kỷ sau đó, năm 1920, Người đã tìm thấy con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc ta - đó là con đường cách mạng vô sản.Và phải đợi một thập kỷ tiếp theo, mùa Xuân năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, từ đây cách mạng Việt Nam dứt khoát đi theo sự lựa chọn con đường cách mạng vô sản. Đi theo con đường cứu nước đúng đắn của Hồ Chí Minh, cách mạng Việt Nam đã giành được những thành quả vĩ đại: tiến hành thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945, tiến hành 30 năm chiến tranh cách mạng đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, thực hiện sự nghiệp đổi mới đất nước, thu được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử.
Tròn 100 năm trôi qua, kể từ ngày Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911 - 5/6/2011 ), Nghệ An tự hào là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu và Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ là nơi Người đã rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước mà còn vinh dự trở thành thành phố được mang tên Người. Nghệ An, Thành phố Hồ Chí Minh cùng cả nước đã và đang không ngừng nỗ lực phấn đấu để thực hiện ước mơ, hoài bão của Người. Chúng tôi luôn nghĩ rằng, Người vẫn đang hiện hữu dõi theo sự phát triển của quê hương, đất nước từng ngày và cũng tin tưởng rằng, tư tưởng Hồ Chí Minh mãi mãi soi sáng con đường cách mạng Việt Nam.
Tài liệu tham khảo:
1. Võ Nguyên Giáp (chủ biên), Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam, NXB Chính trị Quốc gia, HN, 2000.
2. Bác Hồ với quê hương Nghệ Tĩnh, NXB Nghệ Tĩnh, 1990.
3. Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa lớn, NXB Khoa học Xã hội, 1995.