Những năm qua làn sóng di cư trên toàn thế giới có chiều hướng gia tăng. Theo ước tính có khoảng hơn 1 triệu người di cư đến châu Âu. Những nỗ lực của quốc tế và các quốc gia đã và đang được tiến hành. Liên minh châu Âu dù có nhiều giải pháp siết chặt biên giới để đối phó với dòng người di cư trái phép nhưng các quốc gia châu Âu vẫn chưa có "lời giải" chung để ngăn chặn tình trạng trên và đang gây ra những hệ lụy về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh ở một số quốc gia trên thế giới.
Riêng Australia những năm gần đây tình hình người nhập cảnh trái phép tuy có giảm nhưng vẫn còn diễn ra nhiều, trong đó có cả người Việt Nam nói chung và người dân Nghệ An nói riêng.
Nguyên nhân các vụ xuất khẩu lao động, vượt biên trái phép là do nhận thức về di cư an toàn của người dân còn hạn chế nên đã để cho kẻ xấu lợi dụng xúi dục, lôi kéo…Dù mất rất nhiều tiền cho các đối tượng đưa người đi nước ngoài, nhưng những người di cư vẫn bị bỏ đói, bị đánh, bị bóc lột sức lao động và thậm chí mất tính mạng. Thực tế những người di cư sang Australia hầu hết đều bị các cơ quan chức năng của nước này phát hiện, bắt giữ và trả về Việt Nam.
Theo báo cáo của Sở Lao động Thương binh và Xã hội, từ năm 2010 - 2017 trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 104 người xuất khẩu lao động không có hợp đồng sang Australia.
Theo luật pháp nước này, đối với những người sang Australia bằng tàu thuyền mà không có thị thực, danh tính họ sẽ tự động bị liệt vào danh sách cấm nhập cảnh vào Australia.
Tháng 12/2017 đến tháng 5/2018 cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Australia thông báo có 19 trường hợp vi phạm pháp luật xuất nhập cảnh trái phép vào nước này bị trả về nước.