Chuẩn bị nhân sự giai đoạn chuyển giao
Nói về sự ra đời của đề án này, ông Phạm Quang Hưng, Vụ trưởng Vụ 4 (Theo dõi các cơ quan TƯ) của Ban Tổ chức TƯ cho biết, công cuộc xây dựng, phát triển đất nước trong tình hình mới đòi hỏi phải có đội ngũ cán bộxứng tầm có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ.
Hơn nữa, thời gian tới là giai đoạn chuyển giao thế hệ giữa lớp cán bộ được rèn luyện, trưởng thành, sang lớp cán bộ sinh ra, lớn lên trong hòa bình và được đào tạo từ nhiều nguồn, nhiều nước khác nhau, đặt ra những yêu cầu mới đối với công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ.
“Trước tình hình đó, hội nghị TƯ 7 sẽ thảo luận và quyết định về việc ban hành Nghị quyết về công tác cán bộ nhằm đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ”, ông Hưng cho hay.
Đề án lần này đề xuất các quan điểm mới, đồng bộ, toàn diện hơn nhằm tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ, xây dựng và quản lý chặt chẽ đội ngũ cán bộ đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 với những mục tiêu cho từng giai đoạn, cho từng đối tượng cụ thể và có những giải pháp đồng bộ, hiệu quả để thực hiện.
Nội dung xuyên suốt, bao trùm của đề án là tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ công tác cán bộ, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, công tâm, khách quan.
Cùng với đó là chuẩn hóa, siết chặt kỹ luật, kỷ cương, đi đôi với tạo cơ chế, môi trường, điều kiện để khuyến khích đổi mới, sáng tạo phục vụ phát triển và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.
Ngoài ra, đề án cũng nhấn mạnh đến việc tăng cường kiểm soát quyền lực, chặn đứng được tiêu cực, triệt để chống chạy chức, chạy quyềnvà đẩy lùi tình trạng suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa trong cán bộ, đảng viên.
“Xây dựng được đội ngũ cán bộ, nhất là cấp chiến lược, bí thư cấp ủy và người đứng đầu các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín; có bản lĩnh chính trị vững càng; kiên định với mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; biết cống hiến, dám hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới”, ông Hưng nhấn mạnh.
Coi chạy chức, chạy quyền là tham nhũng
Đề án cũng đề xuất hàng loạt giải pháp đồng bộ hiệu quả như đổi mới công tác đánh giá cán bộ theo hướng, xuyên suốt, liên tục, đa chiều, theo tiêu chí, bằng sản phẩm, thông qua khảo sát, công khai kết quả và có sự so sánh; gắn đánh giá cá nhân với tập thể và kết quả thực hiện nhiệm vụ của địa phương, cơ quan đơn vị.
Cùng với đó, thống nhất việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức, làm cơ sở cho các địa phương, cơ quan, đơn vị lựa chọn, sát hạch, tuyển dụng theo yêu cầu, nhiệm vụ của mình. Xây dựng chương trình quốc gia về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và học tập ngoại ngữ.
Một điểm mới nữa được đề án mạnh dạn đưa ra lần này là xây dựng chiến lược quốc gia về nhân tài theo hướng không phân biệt đảng viên hay người ngoài Đảng, người Việt Nam hay người nước ngoài
Ngoài ra, đề án đưa ra cơ chế phát hiện quy hoạch, đào tạo, bố trí cán bộ trẻ có bản lĩnh, năng lực nổi trội và triển vọng phát triển vào các vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả vượt cấp.
Hay như giải pháp xây dựng quy định để việc nhận trách nhiệm, từ chức, từ nhiệm trở thành nếp văn hóa ứng xử của cán bộ. Hoàn thiện các quy định về cách chức, bãi nhiệm, miễn nhiệm để chủ trương “có lên, có xuống”, “có vào, có ra” là việc bình thường trong công tác cán bộ.
“Đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi, tình trạng chạy chức, chạy quyền, coi đây là hành vi tham nhũng trong công tác cán bộ để nhận diện rõ ràng, đấu tranh quyết liệt, hiệu quả với cá đối tượng và những biểu hiện, hành vi chạy chức, chạy quyền. Nâng cao ý thức trách nhiệm, lòng tự trọng và hình thành văn hóa nói không với chạy chức, chạy quyền…”, ông Hưng nói.