Công chúng không còn chờ đợi đến cuối tuần để được xem thí sinh yêu thích hay ngồi nghe giám khảo "chém nhau". Đơn giản là vì họ đã bội thực.
 
Còn nhớ khi Bước nhảy hoàn vũ - phiên bản Việt của Dancing with the stars đặt chân vào Việt Nam, đơn vị sản xuất Cát Tiên Sa đã lập nên một kỷ lục mới về rating của truyền hình thực tế cùng một kỷ lục không tưởng về giá quảng cáo tính đến thời điểm đó. Ước tính khách hàng phải trả đến hơn 100 triệu cho chưa đầy 1 phút chạy quảng cáo giữa chương trình.
 
images1034228_buoc_nhay_hoan_vu.jpgThành công bất ngờ từ Bước nhảy hoàn vũ 2010 là tiền đề cho sự nở rộ truyền hình thực tế tại Việt Nam
 
Bước nhảy hoàn vũ thành công tới mức nó đã tạo ra một phong trào dancesport từ Bắc tới Nam, với sự ra đời của hàng loạt trung tâm dạy khiêu vũ. Chính nữ giám khảo Khánh Thi từng thừa nhận chương trình đã giúp trung tâm dancesport của cô trở nên nổi tiếng và lượng học viên tăng lên chóng mặt.
 
Sau Bước nhảy hoàn vũ, Cát Tiên Sa được đà nhập khẩu tiếp The Voice với tên mới Giọng hát Việt. Giọng hát Việt cũng nhanh chóng tạo lập vị trí số 1, đánh bại Vietnam Idol và đẩy Sao Mai - Điểm hẹn - "đứa con ruột" của VTV ra khỏi kênh vàng VTV3.
 
Thừa thắng xông lên, Cát Tiên Sa nhập khẩu tiếp The Voice Kids - Giọng hát Việt nhí, và một lần nữa lại dìm chết đối thủ Đồ Rê Mí với thâm niên 6 năm ghi dấu ấn. Song, tuần trăng mật của Cát Tiên Sa không kéo dài quá lâu.
 
Bộ tứ quyền lực của Giọng hát Việt mùa đầu tiên
 
Giọng hát Việt mùa hai là một thất bại về truyền thông. Dù dàn thí sinh vẫn tài năng, dù 3 trong 4 chiếc ghế đã được thay bằng những nhân vật quyền lực nhất về chuyên môn, dù sự hỏm hỉnh thâm thúy của Quốc Trung ăn đứt vẻ hiền lành của Trần Lập và sự khôn ngoan sắc sảo của Hồng Nhung "trên cơ" cái ngoa ngôn của Hà Hồ, chương trình vẫn "xìu" hơn nhiều so với năm đầu tổ chức. Giọng hát Việt nhí mùa thứ hai đang diễn ra, với khá nhiều cái tên tiềm năng như Hoàng Anh, Thiện Nhân, Thiên Nhâm... song không hiểu sao chẳng được báo chí mặn mà.
 
Cậu bé Hoàng Anh tóc xù không đủ gây "ép-phê" cho Giong hát Việt nhí mùa hai
 
Còn Bước nhảy hoàn vũ từ lâu đã không được người xem chờ đón. Khán giả có thể rất nhớ Ngô Thanh Vân nhưng sẽ ít người nhớ tới Ngân Khánh và Thu Thủy - hai ca sĩ vừa đăng quang gần đây.
 
Những tưởng The X-Factor - Nhân tố bí ẩn, chương trình mới toanh sẽ giúp nhà sản xuất cứu vãn tình thế. Thực tế thì sự quan tâm của khán giả dành cho chương trình quá ít ỏi. Trên một diễn đàn mạng, người ta còn chia sẻ nếu có xem thì chỉ vì ngắm những chiếc váy quá đẹp của Hồ Ngọc Hà.
 
Với thực trạng quá nhiều các chương trình truyền hình thực tế cạnh tranh nhau, nhà sản xuất nào cũng muốn tìm kiếm các show độc nhất, lạ nhất mang về Việt Nam hòng lôi kéo khán giả về phía mình. Nhưng càng cố thì kỳ vọng càng xa vời.
 
Hai sân chơi khiêu vũ cho trẻ nhỏ là Bước nhảy hoàn vũ nhí và Vũ điệu tuổi xanh phải chia sẻ với nhau lượng khán giả chật hẹp. Thử thách cùng bước nhảy gây tiếng vang mạnh mẽ về chuyên môn cũng ngậm ngùi chấp nhận rating giảm sau mùa thứ hai. Vietnam's Got Talent tạm dừng 1 năm mới khởi động trở lại, nhưng không ai đảm bảo sẽ thành công. The winner is - Tôi là người chiến thắng dùng đến Hoài Linh làm MC cũng không gây chú ý hơn mùa đầu tiên đáng bao nhiêu. 
 
Chiêu sử dụng các nhân vật hot để làm tăng rating cho chương trình không phải lúc nào cũng hiệu quả. Hoài Linh, Trấn Thành dù là hai gương mặt đình đám chỉ cần thở một câu cũng lên báo, nhưng "Rượu lạt uống lắm cũng say/ Người khôn nói lắm dẫu hay cũng nhàm". Trấn Thành đi từ Người bí ẩn đến Thử thách cùng bước nhảy sang Vũ điệu tuổi xanh. Hoài Linh đi từ Người bí ẩn, Gương mặt thân quen đến Tôi là người chiến thắng. Bật kênh nào vào thời điểm nào cũng thấy họ, khán giả cũng chẳng phấn chấn được lâu.
 
Hoài Linh - Trấn Thành không đủ khả năng để cứu rating các chương trình bởi họ đã quá quen thuộc với khán giả
 
Cần một khoảng lặng cho khán giả
 
Sự tấn công ồ ạt của các chương trình truyền hình thực tế không chỉ khiến khán giả bị phân tán mà còn làm cho họ cảm thấy quá bội thực. MC, giám khảo quen thuộc đã đành, cả thí sinh đi thi cũng quen mặt biết tên. Họ vừa gặp thí sinh này ở Đồ Rê Mí, hôm sau đã thấy trên Giọng hát Việt nhí; một thí sinh khác vừa ở Vietnam's Got talent đã thấy xuất hiện trong The X-Factor; hay thí sinh kia vừa rời Sao Mai-Điểm hẹn đã đặt chân vào Vietnam Idol, rời Vietnam Idol lại sang The Voice, rời The Voice lại đến The winner is. Các sân chơi buộc phải chia sẻ với nhau một nhóm thí sinh tiềm năng bởi lẽ nhân tài lấy đâu ra để cung cấp cho đủ gần chục chương trình mỗi năm với quy mô toàn quốc.
 
Các nhà sản xuất hẳn cũng nhận ra điều này từ lâu, nhưng bế tắc trong tìm giải pháp khắc phục. Rating là nồi cơm của họ, nếu không ăn xổi thì lấy đâu ra vốn để đi đường dài. Hơn nữa, mục đích chất lượng luôn luôn bị đặt sau mục đích thương mại, điều này không chỉ là thực trạng của truyền hình giải trí Việt mà là thực trạng chung của công nghệ truyền hình trên thế giới.
 
Một số nhà đầu tư nhanh nhạy hơn, họ tìm kiếm các chương trình ăn khách ở lĩnh vực mới, không phải là nhảy múa hát ca nữa, như nấu ăn (Masterchef), du lịch mạo hiểm (Cuộc đua kỳ thú), những format khác biệt và không bị đụng thí sinh. Song, làm thế nào để biến những nồi cơm của nhà sản xuất thành món phở cho khán giả vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ. Có lẽ nên  chăng dành cho khán giả một bữa đói để họ trở lại với món cơm ngon lành hơn?
 
Theo NHN