(Baonghean) -Thơ cần sự cô đơn! Càng cô đơn thơ càng hay. Các nhà thơ nổi tiếng khuyên chúng tôi thế.
 
Tôi đang háo hức muốn thành nhà thơ, đương nhiên rất cần sự cô đơn.
 
Nhưng đâu có dễ. Bạn bè đông, họ hàng trong Nam ngoài Bắc đủ cả, cô đơn sao nổi?
 
Nhà có 4 người, 1 vợ 2 con, lúc nào trong nhà cũng ồn ào như gặp bão, tìm đâu ra một khoảnh khắc cô đơn.
 
Mãi rồi thời cơ cũng đến.
 
Sáng chủ nhật, mẹ con kéo nhau về quê ngoại. Tôi có cả một ngày cô đơn trọn vẹn để viết. Tay hàng xóm thường có thơ đăng báo tỉnh, có lần khoe viết được cả một tá thơ trong 24 giờ. Mà tay này học vấn kém tôi, trải nghiệm cuộc đời cũng thua xa.
 
Đặt tờ giấy mà có người ví von là pháp trường trắng, xuống mặt bàn, tôi bắt đầu suy nghĩ. Nguyễn Du viết thế nào nhỉ? “Trăm năm trong cõi người ta”. Mình cũng có thể mở đầu bằng hai chữ trăm năm chứ! Tư tưởng lớn gặp nhau là điều bình thường. Còn sau trăm năm có thể là... có thể là... là một đời người. Trăm năm là một đời người. Quá đúng. Nghe như một phương trình Toán học. Càng hay, Toán học đang xâm nhập vào thơ, nhiều nhà phê bình văn học bảo thế.
 
Tôi khoan khoái ngả người vào ghế tựa, thưởng thức câu thơ đầu. Qua cửa sổ, cây xoài đang vật vã trước gió, đám lá xanh cãi nhau xào xạc. Không được rồi, tiếng ồn làm mất cô đơn. Tôi đóng chặt cửa sổ, nhìn vơ vẩn lên tường. Đứa nhóc nào lại quệch quạc vẽ những đường nét kỳ quái lên tường thế này. Con cái ngày càng hỏng. Tôi chợt nghĩ sang chuyện ông Tàu “bốn tốt” đang muốn dùng đường lưỡi bò liếm trọn Biển Đông, đầu óc trở nên căng thẳng.
 
Tôi nhắm hai mắt lại. Phải lấy lại sự cô đơn. Lúc này nghe tiếng con thạch sùng, chặc lưỡi đến não nùng. Mất của ai mà chẳng tiếc đứt ruột. Ngay vợ tôi vừa rồi đi chợ về trả nhầm tiền có 5 ngàn mà ca cẩm suốt tuần.
 
Lại lan man sang chuyện chợ búa rồi. Tôi bịt chặt tai lại. Chờ cho cô đơn trở lại, tôi tưởng tượng đang soi vào tâm hồn mình. Có gì đang cựa quậy trong bụng. Tiếng lòng đang vận hành đấy. Nhưng không phải tiếng lòng nghệ thuật mà do mấy con giun đói biểu tình. Chán thật. Thế này thì còn viết lách sao được.
 
Chẳng lẽ chỉ vỏn vẹn một câu: Trăm năm là một đời người. Ít nhất cũng phải thêm câu nữa mới thành bài thơ hai câu chứ!
 
Có tiếng gõ cửa.
 
Tay nào vào lúc này khác nào giết chết văn chương. Tôi bực tức mở cửa. Ông khối trưởng xuất hiện chìa ra bản đóng góp trong năm 22 khoản, và nhắc nhở: Chỉ còn nhà thơ nữa là khối ta hoàn thành kế hoạch đóng góp.
 
Lúc này trí tưởng tượng của tôi biến sạch. Những con số trong bản đóng góp hiện lên mồn một. Bạc triệu chứ ít à? Sự cô đơn tôi nuôi dưỡng từ sáng không còn nữa. “Tiếng lòng” đang cựa quẫy dữ dội. Tôi buột miệng ngâm nga:
 
Trăm năm là một đời người
Cô đơn không nổi, tạm thời... đi ăn!
 
Quỳnh Thơ