Được đặt tên là "Pillalamarri" hay "Peerla Marri", cây đa 700 tuổi ở Mahabubnagar, bang Telangana, trải rộng trên diện tích hơn 12.000 m2. Đây là trở thành cây đa cổ thụ lớn thứ hai thế giới và là điểm thu hút khách du lịch ở Ấn Độ. Tuy nhiên, do đã có tuổi đời quá lâu, cây đa đang bị mối tấn công mạnh, khiến vài nhánh lớn nhất đã bị mục ruỗng. Kể từ tháng 12 năm ngoái, người dân được yêu cầu không tiếp cận gần cây đa, trong lúc các cơ quan chức năng nỗ lực tìm cách cứu nó.
Cây đa được truyền dịch như người. |
Theo Odity Central, ban đầu, các chuyên gia bơm một loại thuốc trừ sâu cực mạnh là Chlorpyrifos vào các lỗ bị mối ăn trên cây, nhưng không hiệu quả. Vì thế, họ quyết định truyền trực tiếp các bình đựng Chlorpyrifos vào thân cây bằng hệ thống kim truyền. Phương pháp này cho thấy có tác dụng.
"Chúng tôi pha loãng dung dịch Chlorpyrifos và bơm vào các lỗ trên thân cây nhưng vô ích. Sau đó, chúng tôi truyền trực tiếp loại chất hóa học này vào cây giống như chúng ta truyền nước vào cơ thể", Chukka Ganga Reddy, nhân viên kiểm lâm huyện Mahabubnagar, nói với Times of India.
Reddy cho hay các nhánh cây hấp thụ được dung dịch sau khi được truyền trong vòng 10 đến 14 tiếng. Phương pháp này giúp cho thuốc trừ sâu được truyền đi khắp thân cây.
Những bức ảnh chụp "bệnh nhân kỳ lạ" đang được truyền hàng trăm lọ dung dịch hiện gây xôn xao trên mạng xã hội Ấn Độ. Nhiều người cho biết họ thật sự ngạc nhiên khi phương pháp xử lý mối ăn bằng cách truyền dịch lại có hiệu quả.
"Hiện tại tình trạng của cây đa đã ổn định. Chúng tôi đang hy vọng sau vài ngày nữa, nó sẽ bình thường như trước. Chúng tôi cũng dự định sẽ mở cửa điểm tham quan này cho người dân đến chiêm ngưỡng, sau khi bàn bạc với quan chức cấp cao hơn. Nhưng lần này, du khách sẽ phải đứng bên ngoài hàng rào để ngắm cây từ xa", ông Reddy nói.