Lo âu vì mỡ bụng
Theo RD, những hình ảnh tràn ngập về hình dáng lý tưởng khiến đôi khi chúng ta tuyệt vọng khi nhìn về cơ thể mình. Nhưng chìa khóa để hạnh phúc không phải là thay đổi cơ thể bạn cho tới khi nó hoàn hảo mà hãy học cách yêu các nhược điểm, tiến sĩ tâm lý Erin Olivo, Đại học Columbia nói.
"Tôi yêu cầu các bệnh nhân của mình lập một danh sách những điều khiến một người nghĩ mình có giá trị và xứng đáng được yêu thương. Vẻ ngoài hầu như chưa bao giờ nằm trong danh sách đó. Nhưng khi tôi bảo họ liệt kê những thứ khiến họ nghĩ mình không xứng được hạnh phúc, vẻ ngoài lại đứng đầu danh sách", ông kể. Vậy điều quan trọng cần nhận ra là: Hạnh phúc không phụ thuộc vào diện mạo.
"Chiến tranh lạnh" với người khác
Khi bị tổn thương, tự nhiên người ta muốn co mình lại nhưng những người bất hạnh thường hay trừng phạt người khác bằng sự lạnh lẽo và im lặng. Trong khi bí mật của hạnh phúc là sự trò chuyện. "Ai cũng sợ bị ghét bỏ nhưng người hạnh phúc biết cách đòi hỏi được yêu thương", tiến sĩ tâm lý Todd Pressman nói. "Ngay cả khi không nhận được câu trả lời như ý, bạn sẽ phát hiện ra rằng nỗi sợ không được yêu chẳng hề khủng khiếp như mình nghĩ và điều đó có sức mạnh làm lành vết thương", ông nói.
Lặp đi lặp lại các sai lầm
Ai cũng từng mắc lỗi nhưng khác biệt là ở sự học hỏi và tránh lặp lỗi cũ. Đa số chúng ta đeo bám mãi các thói quen xấu ngay cả khi biết chúng có hại cho mình về lâu dài. Muốn tiến xa, chỉ có cách vượt qua các rào cản, sửa những lỗi đã mắc.
Sợ thất bại tới nỗi không dám hành động
Cầu toàn và sợ thất bại là cặp bài trùng của những người bất hạnh. Những người hạnh phúc có thể cũng ngại thử điều mới hay mạo hiểm nhưng họ hiểu rằng chỉ vượt qua những thứ đó mới đến gần cơ hội thành công.
Trì hoãn tới phút cuối
Trì hoãn làm những điều khó có thể khiến bạn thấy thoải mái nhất thời nhưng về lâu dài sẽ có hại. "Cam kết tập trung thực hiện một nhiệm vụ chỉ trong 15 phút, sau đó có thể giải lao nếu cần", Hoan Do, huấn luyện viên cuộc sống và thành công khuyên. Thường, bạn sẽ không cần nghỉ mà tiếp tục làm việc sau khi vượt qua được sự chần chừ ban đầu.
Luôn nghĩ mình là nạn nhân
Có thể người khác có lỗi hay đối xử không tốt với bạn nhưng người hạnh phúc sẽ không thích vào vai nạn nhân. Họ không đổ lỗi cho người khác mà nhận trách nhiệm về mình bởi họ biết chính mình đưa ra lựa chọn và cũng có sức mạnh để giải quyết các vấn đề xảy ra.
Coi nặng mọi ý kiến
Bạn không cần phải tin mọi lời người khác, nhất là khi họ nói về bạn. Hãy chỉ nhận lời khuyên từ những người bạn ngưỡng mộ và muốn đứng ở vị trí như họ.
Không đặt câu hỏi "tại sao" trước khi bắt tay vào việc
Đã bao nhiêu lần bạn làm việc gì đó chỉ đơn giản bởi được yêu cầu làm thế? Người hạnh phúc hiểu mục đích sâu xa hơn trong những việc họ làm và kiên định với các mục tiêu. Từ đó, họ cũng dành trọn năng lượng vào việc đó, dễ dàng vượt qua các khó khăn và tận hưởng nhiều niềm vui hơn trong công việc, cuộc sống.
Mất hy vọng
Khi gặp sóng gió, bạn có thể tập trung vào cơn bão đang vây quanh mình hoặc nhìn về ngày mai trời sáng lại. Cách thứ nhất sẽ khiến bạn cảm thấy mắc kẹt, đuối sức trong khi hướng thứ hai mang lại động lực để cố gắng, tiến lên. Đừng bao giờ từ bỏ hy vọng.
Cần được mọi người yêu mến
Gặp ai cũng được họ quý mến nghe có vẻ hay nhưng thực tế, nó là bằng chứng cho thấy bạn luôn muốn làm hài lòng mọi người và quá tập trung vào việc người khác nghĩ gì. Để hạnh phúc thực sự, bạn phải chấp nhận chính mình trước và cũng cần hiểu rằng việc có người không thích bạn là bình thường.
Không quan tâm tới sức khỏe của bản thân
Sức khỏe cơ thể và tâm trí không tách rời, vì thế nếu bạn muốn cảm thấy hạnh phúc thì cần chăm sóc bản thân tốt. Điều đó không có nghĩa là phải cố đạt các chuẩn như thân hình 6 múi, da láng căng... Thay vào đó, người hạnh phúc sẽ dành thời gian chăm sóc bản thân bằng cách ăn uống và tập luyện lành mạnh.
Quên những niềm vui mình có
Một trong những điều tốt nhất bạn có thể làm để lập tức cảm thấy hạnh phúc hơn là quên những điều mình muốn và tập trung vào việc biết ơn những điều mình đang có. Đây là một bí mật cho cuộc sống vui vẻ đã được các nhà khoa học chứng mình.
Bỏ qua danh sách những việc mình muốn làm trong đời
Tạo danh sách những nơi mong đến, những điều muốn học, những thành tựu khát khao đạt được... sẽ giúp bạn hình dung được cuộc đời mình muốn ra sao và phải làm gì để đạt tới. Nhiều người cả đời vẫn hoang mang vì bản thân họ vốn không biết mình muốn gì.