Rạng sáng  6/6, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân nặng, đó là ông Nguyễn Xuân Hải (sinh năm 1938, ở xóm Mỹ Thiện, xã Nam Cát, huyện Nam Đàn). Qua sự khai báo của người nhà: Ông Hải là người già neo đơn, không vợ con. 21 giờ tối ngày 5/6, ông Hải đột ngột đau bụng dữ dội. Và đến 2 giờ sáng hôm sau, các cháu sống ở xung quanh mới biết bệnh trạng nên đưa ông nhập viện.

Phẫu thuật cứu sống bệnh nhân vỡ động mạch chủ bụng. Clip PV

Bệnh nhân Nguyễn Xuân Hải nhập viện trong tình trạng sốc mất máu, tri giác lơ mơ, da xanh, da mặt nhợt, bụng chướng căng, đau bụng nhiều, huyết áp tụt. Khoa Cấp cứu Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh Nghệ An đã nhanh chóng thực hiện xét nghiệm máu, siêu âm tại giường và phát hiện ra khối phình trong động mạch chủ bụng vỡ, có nhiều máu tụ sau phúc mạc. Khoa đã thực hiện hồi sức, hội chẩn các khoa liên quan và chuyển mổ cấp cứu.

Ca mổ cấp cứu cho bệnh nhân Nguyễn Xuân Hải kéo dài từ 4 giờ 30 phút sáng đến 8 giờ sáng ngày 6/6 mới hoàn thành. Kíp mổ của bệnh viện đã gặp những khó khăn nhất định khi thực hiện mổ cấp cứu cho bệnh nhân: Túi phình động mạch chủ bụng rất lớn 10 cm x 12 cm (ở người bình thường đường kính mạch chủ chỉ dưới 2 cm); động mạch chủ bụng bị vỡ, máu chảy ồ ạt, tụ trong ổ bụng; không còn tổn thương giải phẫu - các phẫu thuật viên không thể tìm được ranh giới khối phình.

Động mạch chủ bụng của bệnh nhân bị phình với kích thước 10 cm x 12 cm. Ảnh PV

Rất nhanh chóng, kíp mổ đã lấy hết tổn thương máu, xác định cổ trên, dưới của đoạn phình và kẹp lại để không cho mất máu thêm. Đồng thời, bác sĩ gây mê thực hiện nâng huyết động bằng truyền máu, huyết tương cấp cứu. Sau đó, các bác sĩ đã tiến hành xử lý đoạn phình với việc lấy hết toàn bộ mảng xơ vữa, huyết khối trong lòng mạch; thay đoạn mạch bị phình, vỡ bằng 1 đoạn mạch nhân tạo mới.

Thạc sĩ, Bác sĩ Phạm Văn Chung – Phó Trưởng Khoa Phẫu thuật tim mạch, lồng ngực, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An cho biết: Trong quá trình phẫu thuật, kíp mổ đã truyền tới 1,6 lít máu cho bệnh nhân. Sau mổ, bệnh nhân được chuyển về Khoa Hồi sức tích cực – Ngoại khoa. Tại đây, qua xét nghiệm, bệnh nhân vẫn thiếu máu nên đã được truyền thêm 0,5 lít máu. Bệnh nhân có biểu hiện thường thấy sau cấp cứu phình, vỡ động mạch chủ bụng là huyết áp thấp, có rối loạn suy thận, rối loạn đông máu. Kèm theo đó, bệnh nhân có bệnh phổi mạn tính do hút thuốc lá nhiều, lâu năm, càng gây khó khăn cho quá trình hồi sức của người bệnh.

Đoạn động mạch chủ bị phình vỡ được thay bằng bằng đoạn mạch nhân tạo mới. Ảnh PV

Sau 5 ngày hồi sức tích cực, ngày 10/6, bệnh nhân đã được chuyển về Trung tâm Tim Mạch, Bệnh viên Hữu nghị Đa khoa Nghệ An để được tiếp tục điều trị. Đến hôm nay, sức khỏe bệnh nhân dần ổn định. Bệnh nhân có thể tự ngồi dậy, ăn uống và vệ sinh cá nhân. Thạc sĩ, Bác sĩ Phạm Văn Chung cho biết thêm: Cứu sống bệnh nhân bị vỡ động mạch chủ bụng là một trong những thành tựu tiêu biểu của bệnh viện. Tỷ lệ tử vong của bệnh nhân bị vỡ động mạch chủ bụng là rất cao, lên tới 60% - 80%. Sau mổ cấp cứu, bệnh nhân còn có thể mắc nhiều rối loạn đông máu, suy gan, suy thận, suy đa phủ tạng dẫn tới tử vong.

Được biết, kỹ thuật phẫu thuật cấp cứu bệnh nhân bị phình, vỡ động mạch chủ bụng đã được Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An thực hiện thành công lần đầu tiên vào năm 2015. Đến nay, kỹ thuật này đã trở thành thường quy. Bệnh viện đã cấp cứu, cứu trị thành công hơn 40 bệnh nhân có bệnh trạng tương tự.

Tiến sĩ, Bác sĩ Phạm Hồng Phương - Giám đốc Trung tâm Tim Mạch, Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An chia sẻ: Thực tế, mổ phình động mạch chủ bụng, thay động mạch chủ đã là một kỹ thuật khó; mổ cấp cứu do phình, vỡ động mạch chủ bụng còn khó hơn. Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh là một trong những bệnh viện đầu tiên triển khai kỹ thuật này.

Sau 6 ngày điều trị tích cực, đến nay sức khỏe bệnh nhân Nguyễn Xuân Hải đã dần hồi phục. Ảnh PV

Không tự hài lòng, thời gian tới, bệnh viện sẽ cố gắng tiến tới làm chủ kỹ thuật phẫu thuật động mạch chủ trong ngực (lâu nay những bệnh nhân gặp phải bệnh trạng này thường phải chuyển tuyến). Kỹ thuật phẫu thuật động mạch chủ trong ngực phức tạp hơn, đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ càng, sự phối hợp nhuần nhuyễn. Bệnh viện sẽ cử cán bộ đi học, mời các chuyên gia đầu ngành trong phẫu thuật tim, mạch máu của Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Tim Hà Nội và Bệnh viện Việt Đức về phối hợp đào tạo, chuyển giao tại chỗ.

Tiến sĩ, Bác sĩ Phạm Hồng Phương khuyến cáo: Để tránh phình, vỡ động mạch chủ, những người có yếu tố nguy cơ về bệnh lý tim mạch, tuổi cao, hay hút thuốc lá, tiểu đường, tăng huyết áp, bệnh lý mạch máu ngoại vi... cần đến các bệnh viện có chuyên khoa tim mạch để khám sáng lọc. Quá trình khám rất đơn giản như thăm dò hệ thống mạch ngoại vi, siêu âm ổ bụng, siêu âm mạch máu để phát hiện ra những tổn thương mạch máu. Việc khám sáng lọc giúp cho mọi người phát hiện, điều trị sớm bệnh, tránh phải cấp cứu, rất nguy hiểm.