Nghệ An phải truy thu hàng trăm tỷ đồng hưởng sai chế độ thương binh
Nghệ An: Bắt thêm 'chân rết' đường dây chạy thương binh liên tỉnh
Tuy nhiên, theo ông Vũ, nếu phân tích, mổ xẻ các nội dung thì cũng có cả trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, một số sở, ngành liên quan trên địa bàn tỉnh.
“Cụ thể, về 569 trường hợp thương binh hưởng không đúng quy định, trách nhiệm trước hết thuộc về cơ quan quân sự các cấp và chính quyền địa phương trong việc xét duyệt hoàn tất hồ sơ đề nghị xác nhận thương binh” - ông Vũ nói.
Ông Đoàn Hồng Vũ cho hay, Sở LĐ-TB&XH tiếp nhận hồ sơ tại cơ quan quân sự chuyển đến để thực hiện chi trả chế độ trợ cấp theo quy định. Nay, Bộ LĐ-TB&XH thanh tra hồ sơ tại Quân khu 4 thì phát hiện sai sót trong hồ sơ và chỉ đạo xử lý. Sở cũng đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch xử lý, đã dừng chế độ trợ cấp của các đối tượng hưởng sai từ ngày 01/8/2018 và chỉ đạo cơ quan các cấp thu hồi số tiền hưởng sai nộp Ngân sách Nhà nước theo quy định.
Để xảy ra tình trạng này, theo ông Vũ nguyên nhân một phần do trình độ hiểu biết của một bộ phận người dân còn thấp và sự tinh vi của một số đối tượng đã lợi dụng kẽ hở của chính sách để khai man, giả mạo hồ sơ nhằm trục lợi chính sách của Nhà nước.
Ngoài ra, cũng theo Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nghệ An, một số cấp ủy, chính quyền địa phương vẫn chưa thực sự quan tâm chỉ đạo việc tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách đối với người có công, một số nơi còn thực hiện theo phong trào.
Công tác xét duyệt đối tượng ở một số huyện và cấp xã có lúc, có nơi chưa bám sát vào văn bản, quy trình, hướng dẫn của cấp trên, xét duyệt chưa chặt chẽ, thành phần ban chỉ đạo không dự đầy đủ, có trường hợp thiếu thận trọng trong xét duyệt; công tác thanh kiểm tra thực hiện chưa thường xuyên hoặc tổ chức mang tính hình thức nên chưa phát hiện, xử lý kịp thời những sai phạm trong quá trình tổ chức thực thi chính sách. Việc quản lý đối tượng chưa chặt chẽ; công tác quản lý, lưu trữ, khai thác hồ sơ còn thiếu sót gây khó khăn trong việc thực hiện các chính sách.
Về hàng trăm trường hợp thương binh giả này, ông Vũ cho rằng, giải pháp trong thời gian tới là làm tốt công tác tuyên truyền để đối tượng nhận thấy sai sót về hồ sơ mà Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH đã kết luận bị đình chỉ chế độ là đúng. Đồng thời, làm tốt công tác tiếp nhận đơn thư khiếu nại; Tích cực phối hợp với các cấp chính quyền địa phương thu hồi số tiền đã hưởng sai; Khôi phục trợ cấp cho những đối tượng đã bổ sung được hồ sơ, tài liệu có tính pháp lý trên cơ sở ý kiến chỉ đạo thống nhất giữa Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Tư lệnh Quân khu 4….
Cũng tại phiên chất vấn, liên quan đến vấn đề thương binh giả, đại biểu Nguyễn Thị Lan cho hay, sau khi có kết luận thanh tra, một số thương binh đã bổ sung hồ sơ và được phục hồi chế độ. “Vậy, trách nhiệm của Sở trong vấn đề này là như thế nào” - bà Lan nói.
Trả lời câu hỏi này, ông Đoàn Hồng Vũ cho hay, sau 3 đợt thanh tra, từ năm 2014 đến nay, tại tỉnh Nghệ An phát hiện hơn 800 trường hợp thương binh giả với số tiền hưởng sai, buộc phải thu hồi lên đến hàng trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, sau đó có 64 trường hợp được phục hồi chế độ vì đã bổ sung được hồ sơ.
“Trường hợp thương binh giả phần lớn là bị phát hiện làm giả hồ sơ hoặc không có tên trong danh sách quân nhân bị thương lưu tại bản gốc ở đơn vị. Đặc biệt là hồ sơ giả, chúng tôi phải gửi hàng nghìn hồ sơ ra Trung ương để giám định, mất nhiều năm mới có kết quả, còn mắt thường thì không phát hiện được vì làm rất tinh vi. Đối với các trường hợp bổ sung hồ sơ đầy đủ, chúng tôi lập tức khôi phục chế độ cũng như danh dự” - ông Vũ nói.