Phương án nêu gì?
Phương án phòng, chống lũ, lụt vùng hạ du đập thủy điện Bản Vẽ năm 2018 được UBND tỉnh phê duyệt từ ngày 19/12/2017 tại Quyết định số 6133/QĐ-UBND.Theo Quyết định 6133, Phương án phòng, chống lũ lụt vùng hạ du Thủy điện Bản Vẽ năm 2018 do Công ty Thủy điện Bản Vẽ xây dựng, đề nghị UNND tỉnh phê duyệt tại Tờ trình số 37/TTr-TĐBV ngày 4/12/2017; được Sở NN&PTNT thẩm định tại Văn bản số 449/SNN-CCTL ngày 19/12/2017.
Tại phương án, Công ty Thủy điện Bản Vẽ đặt ra các tình huống xả lũ với những tần suất khác nhau (tần suất lũ 5%, 3%, 1% ; 0,5% ; 0,1% …); và tính toán mức độ ảnh hưởng để đề ra nhóm giải pháp xử lý. Đó là xác định, tính toán tuyến lũ quét và phạm vi dự kiến ngập lụt; xác định các khu vực sạt lở phải sơ tán người và tài sản; dự kiến điểm sơ tán, công tác chuẩn bị vật chất nơi sơ tán; dự kiến địa điểm bố trí sơ tán; xác định đường ứng cứu và đường sơ tán; tổ chức phương tiện trợ giúp sơ tán người và tài sản khỏi vùng ngập lụt; xác định phương tiện thông tin liên lạc; xây dựng kế hoạch phối hợp với chính quyền địa phương; tổ chức diễn tập ứng phó.
Tại các giải pháp củaPhương án phòng, chống lũ lụt vùng hạ du Thủy điện Bản Vẽ năm 2018, nêu cụ thể đến từngchi tiết những việc sẽ thực hiện. Ví dụ với tần suất 3%, Công ty Thủy điện Bản Vẽ xác định tuyến lũ quét và phạm vi dự kiến ngập lụt thuộc địa bàn 3 xã Yên Na, Lượng Minh và Xá Lượng (với Yên Na, sẽ ngập trên 64ha; Lượng Minh ngập trên 30 ha; Xá Lượng ngập hơn 5,6 ha).
Hai xã Yên Na, Lượng Minh sẽ phải thực hiện sơ tán 30 hộ, 133 khẩu thuộc các bản Vẽ, bản Côi, bản Minh Phương, bản Xốp Mạt và bản Lạ. Các hộ dân phải sơ tán của các bản này sẽ được di chuyển đến các khu vực an toàn (ví dụ tại xã Lượng Minh, dân bản Xốp Mạt được sơ tán đến trụ sở UBND và Trạm y tế xã cũ ; dân bản Minh Phương được sơ tán đến UBND xã và trường THCS…).
Về trách nhiệm phối hợp của Công ty Thủy điện Bản Vẽ, khi xuất hiện lũ, phải thông tin kịp thời đến các cơ quan có liên quan, các địa phương vùng hạ du, các thủy điện liền kề… ; thực hiện các biện pháp để phòng chống sạt lở ở khu vực nhà máy.
Trong khi xả lũ, kết hợp với chính quyền địa phương cử cán bộ kiểm tra tình trạng sạt lở vùng hạ du và cứu nạn, cứu hộ khi có người bị dòng lũ cuốn trôi hoặc bị cô lập giữa dòng lũ. Trường hợp ảnh hưởng của bão gây mưa to, gió lớn, sạt lở đường quản lý vận hành, Công ty Thủy điện Bản Vẽ thực hiện cảnh báo cho nhân dân, song song tiến hành kiểm tra xử lý dọn dẹp cây và làm thông đường; nếu đường bị sạt lở nặng mà chưa thể thi công được thì làm đường tránh để đi tạm.
Trường hợp sạt lở hai bên bờ sông, Công ty Thủy điện Bản Vẽ thông báo cho chính quyền địa phương để phối hợp các biện pháp cảnh báo cho nhân dân và theo dõi mức độ sạt lở để xử lý sau lũ. Sau lũ, phối hợp với địa phương tổ chức điều tra thiệt hại khắc phục hậu quả theo quy định…
Phương án “cất tủ”
Đến thời điểm hiện tại, đời sống của các hộ dân thuộc các bản Vẽ, Minh Phương, Xốp Mạt, Lạ (thuộc hai xã Yên Na, Lượng Minh) bị ảnh hưởng của đợt xả lũ ngày 31/8 vẫn hết sức khó khăn. Chính quyền huyện Tương Dương và các xã Yên Na, Lượng Minh đang thực sự bối rối dù họ đã làm tất cả những gì có thể. Như việc tái định cư, ổn định cuộc sống cho các hộ gia đình bị lũ cuốn trôi nhà và gây sạt lở nền đất ở (Lượng Minh có 31 hộ, Yên Na có 15 hộ) chưa thể thực hiện, do phải tìm quỹ đất và chưa có kinh phí xây dựng hạ tầng.
Trao đổi với những người có trách nhiệm ở hai xã Yên Na, Lượng Minh vềQuyết định số 6133 và Phương án phòng, chống lũ lụt vùng hạ du thủy điện Bản Vẽ năm 2018. Thật ngạc nhiên, vì với họ, đây là lần đầu tiên được nghe đến.
Ông Lương Đại Thắng – Chủ tịch UBND xã Yên Na đã nói rằng, dịp cuối năm 2017, ông được Công ty Thủy điện Bản Vẽ mời tham dự lễ tổng kết công tác phòng, chống lũ.
Tuy nhiên, chưa từng nghe nói đến phương án phòng, chống lũ vùng hạ du hàng năm của Công ty Thủy điện Bản Vẽ và cũng chưa từng nhìn thấy công ty triển khai thực hiện phương án này.
Đặt ra câu hỏi, những năm trước đây và năm 2018, xã Yên Na và người dân các bản có nguy cơ bị ngập lụt khi Thủy điện Bản Vẽ xả lũ có được tập huấn hoặc tham gia diễn tập phòng chống, chống lũ hay không? Ông Lương Đại Thắng khẳng định: Chưa bao giờ! Và ông Thắng thẳng thắn:“Sau đợt xả cuối tháng 8 vừa qua,chỉ có Ban quản lý bản, Đảng ủy, chính quyền xã và huyện là quan tâm đến dân, còn Thủy điện Bản Vẽ thì gần như không. Họ chỉ cho dân vài gói mỳ tôm, một ít tiền rồi coi như xong. Đến bây giờ các hộ dân mất nhà vẫn cảnh màn trời chiếu đất mà chẳng thấy họ đoái hoài đến nữa…”.
Trao đổi vấn đề này với nhiều cán bộ huyện Tương Dương, họ cũng khẳng định chưa bao giờ thấy Công ty Thủy điện Bản Vẽ đề nghị phối hợp để thực hiện các nội dung như tại phương án phòng, chống lũ vùng hạ du. Huyện Con Cuông là một trong nhiều địa phương có tên trong phương án để có trách nhiệm tham gia phối hợp thực hiện các phương án phòng chống lũ lụt, vậy nhưng cũng không biết gì về nội dung của phương án này.
Nghiên cứu Quyết định 6133 và Phương án phòng, chống lũ, lụt vùng hạ du đập Thủy điện Bản Vẽ năm 2018, thấy rằng, các cơ quan có thẩm quyền tiên liệu được việc khi các thủy điện xả lũ sẽ gây hệ lụy đến vùng hạ du. Vì vậy buộc các doanh nghiệp hoạt động thủy điện phải xây dựng được phương án phòng, chống lũ, lụt hữu hiệu mới cho phép hoạt động sản xuất kinh doanh.
Với Công ty Thủy điện Bản Vẽ, đã tính toán các khu vực ngập lụt theo từng tần suất lũ. Đã đầu tư nghiên cứu, đề ra cơ bản những giải pháp phòng, chống nhằm giảm thiểu những thiệt hại về tính mạng con người và tài sản cho vùng hạ du; cũng như việc khắc phục hậu quả nếu có. Vậy nhưng phương án phòng, chống lũ, lụt vùng hạ du đập Thủy điện Bản Vẽ năm 2018 đã cơ bản không được thực hiện cả trước lũ và sau lũ. Phải chăng việc lập ra phương án phòng chống lũ, lụt vùng hạ du của Công ty Thủy điện Bản Vẽ chỉ nhằm lấy được quyết định phê duyệt của cấp thẩm quyền bỏ vào hồ sơ cho đủ lệ bộ để được cấp trên của họ cho phép hoạt động sản xuất kinh doanh?
Tìm hiểu, việc thực hiện xả lũ ngày 31/8/2018 với lượng xả trên 4000m3/s tương ứng với tần suất lũ 2%. Thực tế cho thấy việc xả lũ ngày 31/8 đã gây hệ lụy rất lớn đến vùng hạ du, đặc biệt là đối với những khu vực dân cư gần với đập chứa. Vậy nhưng cho đến nay, những động thái thể hiện trách nhiệm của Thủy điện Bản Vẽ là hết sức mờ nhạt. Trước lũ, họ đã không thực hiện các giải pháp tập huấn, diễn tập… ; sau lũ, không phối hợp với địa phương tổ chức điều tra thiệt hại khắc phục hậu quả theo quy định như phương án đã đề ra và được cấp thẩm quyền phê duyệt, yêu cầu thực hiệnlà tại sao?
Đề nghị các cơ quan chức năng quan tâm làm rõ vấn đề này!