(Baonghean) - “Thời đấy, nghĩ lại, thấy mình như những nhân vật trong truyện của Nam Cao, sống trong mái nhà đơn sơ, vợ bận bịu tối ngày, lợn kêu con khóc, mình thì tàn tật chẳng biết giúp được gì, ý thơ mới vụt lên thì bị gánh nặng cơm áo gạo tiền ghì sát đất…”. Thế nhưng, cái hoàn cảnh khó khăn ngặt nghèo ấy, cùng với những thiệt thòi của số phận, lại càng khiến ông gắn bó hơn với nghiệp viết, để đứng trong góc khuất của cuộc đời mà nhìn ra bao nhiêu tin yêu, hy vọng...
Gặp ông lần đầu tại hội trường mênh mông người hôm Hội VHNT Nghệ An tổ chức đại hội, ông “nổi bật” bởi cái dáng đi lệch và cứng ngắc, khuôn mặt khắc khổ dưới mái tóc pha sương. Một nhà thơ giới thiệu ông với tôi: “Nhà thơ “đứng” Trương Quang Thứ đấy”. Câu chuyện ngắn ngủi giữa chúng tôi bắt đầu. Dù ông rất kiệm lời nhưng cũng đủ để tôi nghe thấy tình yêu với cuộc sống và niềm khao khát sáng tạo trong ông ẩn giấu sau cái dáng liêu xiêu nhỏ bé ấy. Ông hẹn chúng tôi “về nghe sóng Quỳnh Lập một lần”, đôi mắt của ông sáng cùng ánh nhìn tha thiết...
Và rồi, chúng tôi tìm đến làng biển nhỏ bé của ông trong một chiều oi ả nắng. Cái làng biển tự hào vì giữa cát, giữa sóng đã dịu dàng nở một “đóa hoa thơ” biêng biếc. Gia sản nhiều nhất và lớn nhất trong căn nhà nhỏ của ông là sách. Ông không thể ngồi mà tiếp khách, ông đứng dựa mình vào thành ghế, giá sách mà chuyện trò. Hơn 30 năm qua, những bài thơ từ ngộ nghĩnh, hồn nhiên, đến sâu lắng, đắm say đều ra đời ở tư thế viết ấy: đứng. Có những khi ông say mê viết đến 5 tiếng đồng hồ, đến khi trở mình quay lại thì cả người đã mỏi nhừ.
Ông nói về niềm say mê văn chương của mình, đến khi bạc tóc mà như vẫn vẹn nguyên niềm tươi mới. Nó đã giúp ông đi qua bao sóng gió, khổ đau, vất vả đời người. Cái cậu bé Thứ năm nào, sinh ra trong gia đình có tới 11 người con, nhiều khi đã chiến thắng cái đói, cái rét bằng cái thế giới của những con chữ.
Từ những năm 1966 – 1967 đi học cấp 2, Trương Quang Thứ đã viết nhiều thơ gửi đăng trên báo Thiếu niên tiền phong, là một “hiện tượng” hiếm hoi ở cái làng quê trẻ con thích đi biển đánh cá hơn là đi học chữ. Lớn lên, các anh trai đi bộ đội, còn Trương Quang Thứ ở nhà tham gia dân quân du kích. Ngày ấy, làng Quỳnh Lập là một trong những điểm đánh phá ác liệt của giặc Mỹ, vì nơi đây có biển, gần cảng Cửa Lạch, phía trên là ga Hoàng Mai, đều là những nơi giặc tập trung “rải bom” thường xuyên.
Tai nạn thay đổi toàn bộ cuộc đời Trương Quang Thứ xảy ra đúng vào lúc ông đang ở cái tuổi trai tráng, đầy ước mơ, hoài bão nhất. Năm 1972, ông vô tình dẫm phải mảnh bom dưới ruộng sâu. Lúc ấy chiến tranh ác liệt, điều kiện thuốc men không có, vết thương bị nhiễm trùng, sưng tấy, mãi đến mấy tháng sau mới được chữa lành. Nhưng khi vết thương vừa khỏi cũng là lúc ông phát bệnh khớp, đau cứng tê liệt khớp gối, khớp háng, khiến ông không thể đứng, ngồi, đi lại được.
Đang là một thanh niên mạnh khỏe, chỉ sau một tại nạn, Trương Quang Thứ nằm liệt giường một chỗ. “Lúc đó tuyệt vọng, bi quan đến cùng cực chứ không phải là thất vọng nữa. Nằm một chỗ, tương lại không biết đi đâu, làm gì… đó là quãng thời gian không chỉ đau đớn cả về sức khỏe mà còn suy sụp về mặt tinh thần. Tôi đã nghĩ đến cái chết, bởi tôi không biết sống như thế nào. Nhưng lại nghĩ tới bố mẹ đã sinh ra mình, kỳ vọng vào mình rất nhiều, thấy sống mới khó, chứ chết thì dễ dàng, hèn nhát lắm”. Và rồi, bản năng sống, khát khao cuộc sống trong lúc đáy cùng của sự buông xuôi bỗng trỗi lên mạnh mẽ.
Nằm ở Bệnh viện Việt Đức một thời gian, rồi ông được chuyển lên Bệnh viện Đông y Trung ương lúc đó sơ tán lên Hà Bắc (Bắc Giang bây giờ) để châm cứu. Sau 3 năm nằm bất động, Trương Quang Thứ bắt đầu nhúc nhắc đứng dậy được. Trong suốt thời gian đó, ông vẫn làm thơ. Và đúng là ông đã “vịn câu thơ mà đứng dậy” (Phùng Quán). Câu chuyện tình yêu cảm động của cuộc đời ông đã khởi nguồn từ cái Bệnh viện Đông y sơ tán thời ấy... Cho đến bây giờ, trong ông, cái ngày gặp vợ mình vẫn là ngày tươi đẹp nhất cuộc đời. Ông kể, bằng cái giọng chậm rãi rằng ông vẫn nhớ ánh mắt bà khi ấy, cái ánh mắt ngạc nhiên khi đến thăm người thân nằm điều trị và vô tình chạm phải cái ánh nhìn của ông. Một người thanh niên thư sinh, nằm co ro một góc giường, như cố thu mình lại trước mọi ánh mắt, trước mọi sự hỏi han. Người con gái đã đến bên ông như thế, bằng sự tò mò, sự cảm thông và sau này bằng tất cả yêu thương, trân trọng.
Có biết bao nhiêu lý do để bố mẹ cô gái tên Nị phản đối kịch liệt con gái mình lấy chàng trai tàn tật quê Nghệ. Ông cũng là người hơn ai hết thấu hiểu điều này. Thế mà, cô gái xứ Bắc tưởng chừng yếu đuối, mảnh mai ấy đã thuyết phục được bố mẹ, người thân bằng quyết tâm quá lớn trong mình. Bà Nị bỏ dở cả việc học tại Trường Trung cấp Kỹ thuật Hà Bắc để vào xứ Nghệ làm dâu.
Đó là năm 1977, Trương Quang Thứ đã có thể đi lại được, nhưng vẫn không thể ngồi như người bình thường. Hai người cưới nhau, bố mẹ ông dựng cho đôi vợ chồng trẻ gian nhà ở tạm. Từ đó, vợ đi làm ruộng, chồng ở nhà sức yếu nhưng thương vợ vất vả nên cố gắng hết sức để giúp vợ. Sáng, trước khi đi làm, vợ ông múc ra bên ngoài cho mấy vại nước to, để ở nhà chồng tưới rau, làm cỏ. Ngoài 5 sào ruộng ngoài đồng, trong nhà trồng rau, su hào bắp cải, đến lúc thu hoạch, vợ ông mang sang tận chợ Thông, chợ Cồn ngoài Nghi Sơn, Tĩnh Gia (Thanh Hóa) để bán. Lại còn nấu rượu, lấy bã rượu nuôi lợn...
Ông nói nửa đùa, nửa thật: “Thời đấy, nghĩ lại thấy mình như những nhân vật trong truyện của Nam Cao, sống trong mái nhà đơn sơ, vợ bận bịu tối ngày, lợn kêu con khóc, bản thân mình thì tàn tật, chẳng giúp gì được nhiều, ý thơ mới vụt lên thì bị gánh nặng cơm áo gạo tiền ghì sát đất…”. Khó khăn, nghèo đói, chạy ăn từng bữa, nhưng cứ thảnh thơi phút giây nào, Trương Quang Thứ lại viết, viết như có sự thôi thúc trong mình. Ông luôn để giấy bút bên mình như vật bất ly thân. Cả ngày lặn lội, tảo tần, thế nhưng đêm về quây quần, gia đình nhỏ bé ấy vẫn chụm lại bên nhau để đọc chung dòng thơ ông viết. Mà thật lạ, những dòng thơ của ông, nó như thứ nhựa xanh tươi, luôn muốn chảy tràn tình yêu thiết tha với cuộc đời, như ông từng viết: “Đời gặp nhiều cay đắng/ Nhưng hồn thơ vẫn nồng”.
Ông cho rằng, không một điều gì sinh ra ở trên đời lại không mang một ý nghĩa nào đó. Ngay cả nỗi bất hạnh của mình, ông nghĩ, cũng dường như để giúp ông nhìn được sâu hơn vào mỗi thân phận con người, giúp ông biết cách tìm vẻ đẹp, niềm vui ở bao nhiêu điều xung quanh. Thật tiếc, nếu mình không biết dừng lại, tận hưởng và suy ngẫm. Không có sự gì là ngẫu nhiên, dẫu một mảnh trăng, một con đò chiều, một bông lúa trĩu hạt đang rì rầm cùng cơn gió. Ông nói về bà - người vợ xứ Bắc cả một đời lặn lội hy sinh, chính là “người đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời tôi”. Có phải không, ông trời đã ban tặng cho ông điều tuyệt diệu nhất là tình yêu của bà, để ông nương tựa, để ông biết tin, và khát khao cầm bút? Tổ ấm gia đình chính là động lực thúc đẩy, và cũng là một trong những đề tài mà Trương Quang Thứ nói đến trong tác phẩm của mình.
Trương Quang Thứ và các tác phẩm.
Bên cạnh đó, thơ ông cũng nói nhiều về mùa xuân, về những điều giản dị trong cuộc sống, và đặc biệt viết nhiều cho thiếu nhi. Dù cái “hoàn cảnh chủ quan” có thiệt thòi và phải rất nhiều nỗ lực, cố gắng vươn lên, nhưng trong thơ ông hiếm có những lời than thân, trách phận, không bi lụy đau thương, mà dung dị, tươi sáng, đầy tin yêu.
Thời con trẻ, viết cho báo Thiếu niên tiền phong, đến lúc trưởng thành, và kể cả khi về già, ông vẫn viết thơ thiếu nhi, và những truyện ngắn ngộ nghĩnh, hóm hỉnh. Đó là bởi tấm lòng, và tình yêu với con trẻ, và cũng xuất phát từ một nguyên do cá nhân: “Trước tới giờ, tôi vốn quan tâm, muốn khuyến khích văn hóa đọc cho con, cũng hay mua sách báo cho con đọc. Nhưng cái đất Quỳnh Lập, là nơi như một thỏi đất doi ra ngoài biển, nằm tách biệt so với các xã khác của huyện Quỳnh Lưu (trước đây) nên như trở thành vùng sâu, vùng xa, ít có sách, báo tới nơi. Tôi đành bịa chuyện để kể cho con nghe. Bịa nhiều thành quen, và những câu chuyện bịa ấy trở thành những truyện ngụ ngôn, truyện thơ…”.
Những tác phẩm, bài báo của mình viết, ông đều đặn gửi cho các báo đăng. Trương Quang Thứ là cộng tác viên ruột của nhiều tờ báo: Thiếu niên tiền phong, Phụ nữ Việt Nam, Tạp chí Sông Lam, Văn hóa Nghệ An, Báo Nghệ An… Đó cũng là một cách kiếm thêm thu nhập, nhưng quan trọng nhất, là để thỏa mãn niềm đam mê viết, và viết.
Năm 1992, ông gia nhập Hội VHNT Nghệ An, từ đó có thêm nhiều cơ hội giao lưu, trao đổi với bạn bè cùng yêu thích đam mê nghiệp sáng tác. Đến nay, ông đã xuất bản 3 tập thơ Tình trăng (1999), Mâm quả biết đi (2004) và Hoa hậu mèo (2010). Cùng với nhiều giải thưởng như: Tặng thưởng của Hội Văn nghệ Nghệ Tĩnh (1991); Báo Nhi đồng (1994); Báo Nghệ An (1996); Thơ hay Tạp chí Sông Lam (1998); Báo Thiếu niên tiền phong (2000), Giải thưởng văn học Hồ Xuân Hương (2005).
Cho đến giờ, Trương Quang Thứ vẫn không ngừng đọc sách báo, vượt lên chính mình, để mình không bị lạc lậu so với thời cuộc, cũng như yêu cầu của cuộc sống mới. Ông quan niệm, thơ là cảm xúc của mình, nhưng không phải là những cảm xúc dễ dãi, mà phải luôn biết tìm tòi cái mới. Ông vẫn thấy mình chưa già, còn trẻ lắm, còn nhạy cảm với đời. Hình như, tâm hồn nhà thơ bao giờ cũng luôn luôn trẻ, dù tuổi đời có thêm bao nhiêu chục năm!
Ra về, nắm lấy bàn tay xương xương của người đã viết nên bao tác phẩm bằng sự nỗ lực hiếm có, chúng tôi nhớ mãi lời ông tâm sự về lẽ sống, nhưng cũng là lời thấm thía chắt lọc từ cuộc đời trải bao đắng cay, chua ngọt: “Tôi sức hèn, chẳng làm được gì nặng nhọc, chỉ mong góp chút gì đấy cho xã hội và cũng để sống tốt đẹp hơn. Mình mất mát thiệt thòi nhiều, nên mến yêu, trân trọng và cảm thông với cuộc đời hơn. Cuộc sống này, đẹp tươi và đáng sống lắm…”!