(Baonghean) - Sau những thất bại liên tiếp ở chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ đã dựng lên “sự kiện Vịnh Bắc Bộ” và tiến hành cuộc chiến tranh bằng không quân leo thang đánh phá miền Bắc . Ngày 5 tháng 8 năm 1964 khi phát lệnh tấn công miền Bắc nước ta, Tổng thống Mỹ - Giôn xơn không nghĩ được chính hành động này sẽ khiến Hoa Kỳ bị giáng một đòn chí tử vào tham vọng xâm lược và bành trướng Việt Nam.

Việc không quân Mỹ tiến hành không kích miền Bắc được Bác Hồ và Trung ương Đảng dự báo từ trước. “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ” chỉ là cái cớ để đế quốc Mỹ thực hiện dã tâm chia cắt tiền tuyến miền Nam với hậu phương lớn miền Bắc, qua đó hòng nhanh chóng kết thúc cuộc chiến tranh xâm lược.

Ở Nghệ An, ngay từ đầu năm 1964 đế quốc Mỹ đã tiến hành cho máy bay C130 thả biệt kích, người nhái xâm nhập vào các khu vực miền núi, ven biển. Hầu hết những thủ đoạn, hành vi của chúng đều bị phát giác, đồng thời quân và dân Nghệ An, TP Vinh đã chuẩn bị về mọi mặt sẵn sàng giăng lửa nghênh đón không quân Mỹ.

Đại tá Bùi Thức Nhâm – Nguyên Tham mưu trưởng Trung đoàn 280, nguyên trợ lý tác chiến BTL Phòng không – Không quân, Chủ nhiệm binh chủng Phòng không BTL Quân khu IV kể lại: Tháng 3 năm 1964 Bác Hồ chủ trì mở một hội nghị chính trị đặc biệt để biểu thị ý chí chống đế quốc Mỹ cứu nước, qua đó đã dấy lên một phong trào thi đua yêu nước, đánh thắng giặc Mỹ toàn miền Bắc nước ta.

Lúc này, Thành phố Vinh với những cơ sở quan trọng như: Cảng Hải quân, Nhà máy điện, Phà Bến Thủy, Kho xăng dầu... sẽ là  trọng điểm bắn phá của không lực Hoa Kỳ. Nắm chắc tư thế chủ động, thế trận chiến tranh nhân dân được phát huy mạnh mẽ. Toàn thành phố ngày thì lao động sản xuất, đêm tham gia đào công sự. Lực lượng phòng không, lực lượng phòng thủ bờ biển và 3 thứ quân được củng cố, tăng cường, các trận địa đất đối không, đất đối biển được gấp rút triển khai. Tất cả được lệnh chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu.

Đúng như dự đoán, 12 giờ 25 phút ngày 5 tháng 8 năm 1964, một tốp máy bay gồm 4 chiếc A4D của không quân địch tiến hành trận tập kích đầu tiên trên không phận Thành phố Vinh mở đầu cuộc chiến tranh leo thang xâm lược miền Bắc nước ta. Khi vào đánh phá, oanh tạc không quân đế quốc những tưởng gây bất ngờ và ngay lập tức đè bẹp tinh thần chiến đấu của quân và dân miền Bắc, nhưng chúng đã nhầm.

Chỉ sau 5 phút nổ súng, ngay từ những loạt đạn đầu của các đơn vị thuộc Trung đoàn 280 pháo cao xạ, pháo tầm thấp 57 ly, các lực lượng dân quân tự vệ xã Hưng Thủy, Phà Bến Thủy, Kho Xăng dầu 1 chiếc A4D đã bị bắn rơi. Đó là chiếc máy bay đầu tiên của không quân Mỹ bị bắn hạ trên miền Bắc.

800688_small_102804.jpg

Một trong những máy bay đế quốc Mỹ bị bắn rơi trên bầu trời Thành phố Vinh.



Đại tá Bùi Thức Nhâm - nguyên Tham mưu trưởng Trung đoàn 280, nguyên trợ lý tác chiến BTL Phòng không – Không quân.

Đại tá Bùi Thức Nhâm nói rằng, điều có tính chất cốt yếu là trên bầu trời Thành phố Vinh chúng ta đã làm được những “cái đầu tiên” quan trọng trong ngày 5/8/1964. Loạt đạn đầu tiên đã hạ chiếc máy bay đầu tiên trong trận đầu tiên của ngày đầu tiên đương đầu với không quân đế quốc. Điều này có ý nghĩa vô cùng đặc biệt, vì trong điều kiện khó khăn lúc bấy giờ chúng ta phải chiến đấu với một đội quân, cỗ máy chiến tranh được trang bị vũ khí tối tân, hiện đại nhất thế giới.

Thắng lợi trong trận đầu tiên đã cổ vũ tinh thần chiến đấu, tạo niềm tin vững chắc cho quân và dân cả nước. Ông Nguyễn Trung Hùng, nguyên Xã đội phó, Bí thư, Chủ tịch UBND xã Hưng Dũng, Thành phố Vinh kể, ngày 5/8/1964 trong trận đầu tiên địch đánh vào kho xăng dầu ở xã Hưng Hòa, ông cùng với các chiến sĩ dân quân xã lao vào dập lửa cứu kho xăng. Lúc đó tinh thần của bà con nhân dân rất cao, ai cũng tham gia ứng cứu. Nhiều người cởi cả áo, quần để dập lửa, cứu người. “Có lúc tôi đã phải điều động dân quân ngăn không cho bà con đến gần khu cầu cảng, kho xăng vì lo kẻ địch tập kích thì nguy hiểm” – ông Nguyễn Trung Hùng cho hay

Tiếp đó, 16 giờ 30 phút ngày 5/8/1964, không quân địch quay lại Thành phố Vinh tiến hành trận đánh phá thứ 2 trong ngày, nhưng chúng lại tiếp tục bị lưới đạn phòng không đánh trả quyết liệt. Thêm một máy bay bị bắn rơi trên bầu trời Nghệ An đã nâng tổng số 8 máy bay địch tan xác trong ngày đầu chúng xâm phạm miền Bắc. Điều này giáng cho địch một bài học về sự ngạo mạn khi thực hiện âm mưu xâm lược và thôn tính Việt Nam.

Đơn vị bộ đội chủ lực giữ vai trò nòng cốt trên địa bàn trọng điểm TP Vinh đánh trận 5/8 là Trung đoàn pháo phòng không 280 – Đoàn Hồng Lĩnh. Sở dĩ nói nòng cốt vì lúc này tại TP Vinh và trên cả địa bàn Nghệ An tập trung nhiều quân, binh chủng. Đó là các lực lượng Phòng không lục quân, Phòng không hải quân, Phòng không dân quân tự vệ, các lực lượng thuộc biên chế Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và Ban Chỉ huy Quân sự Thành phố Vinh. Ngoài ra còn có các trung đoàn pháo cao xạ như: Trung đoàn 222 - Đoàn Ba Đình đóng tại khu vực cầu Om, huyện Đô Lương, Trung đoàn 214 - Đoàn Sông Gianh, đóng quân tại xã Trung Sơn, huyện Đô Lương, Trung đoàn 218, Trung đoàn tên lửa 238, Trung đoàn 233…

Tuy nhiên, giữ vị trí trung tâm là Trung đoàn 280 - Đoàn Hồng Lĩnh được điều động từ Sơn Tây (tỉnh Hà Tây trước đây) cơ động vào bảo vệ Thành phố Vinh từ năm 1960. Trung đoàn 280 với biên chế 3 đại đội pháo 90 ly, có khí tài, 3 đại đội pháo 57 ly, 2 trung đội súng máy 14,5 ly. Các đại đội chốt giữ những vị trí khác nhau bảo vệ các điểm xung yếu, trọng điểm của Vinh. Điều hết sức thú vị, Trung đoàn pháo cao xạ 280 đánh không quân Mỹ bằng chính vũ khí, khí tài của chúng. Loại pháo phòng không 90ly mà Trung đoàn 280 sử dụng, tác chiến trong ngày 5/8 là loại vũ khí do Mỹ sản xuất trước chiến tranh thế giới thứ 2 được Liên Xô thu tại Ba Lan, sau đó viện trợ cho Việt Nam và giao cho Trung đoàn 280 tiếp nhận sử dụng.

Thắng lợi của ngày đầu tiên đánh Mỹ đã làm nức lòng nhân dân cả nước. Trong cuộc chiến đấu ngày 5/8/1964, lịch sử cũng đã ghi nhận những tấm gương dũng cảm của nhiều tập thể, cá nhân, quân và dân tham gia chiến đấu trên địa bàn Thành phố Vinh. Đó là tấm gương lái xe Võ Bá Thứ thay thế pháo thủ tiếp đạn. Đó là chiến sĩ Phạm Đức Huynh một mình đảm nhiệm hai vị trí, nạp đạn liên tục một lúc 20 – 30 viên không nghỉ, cũng xin thông tin thêm: một viên đạn của pháo 90ly nặng trên 32 kg. Khi bị thương vào ổ bụng nhưng anh Phạm Đức Huynh giấu đồng đội, tự băng bó vết thương để tiếp tục chiến đấu cho đến khi kết thúc trận đánh. Đặc biệt, tấm gương chiến đấu dũng cảm kiên cường của Khẩu đội trưởng Phan Đăng Cát thuộc Đại đội 138 - Trung đoàn 280. Được nghỉ phép đang trên đường về quê (Hưng Tân - Hưng Nguyên) thì hay tin địch tấn công. Ngay lập tức anh trở lại đơn vị và tham gia chiến đấu. 2 lần bị thương do mảnh đạn roket là 2 lần anh tự băng bó và tiếp tục chỉ huy khẩu đội chiến đấu đánh trả địch. Đến lần thứ 3 do vết thương quá nặng anh đã anh dũng hy sinh.

Đã gần nửa thế kỷ trôi qua, nhưng những chiến công của quân và dân miền Bắc trong trận đầu đánh Mỹ vẫn là mốc son hào hùng của lịch sử chiến tranh nhân dân. Bài học lớn nhất của chiến thắng ngày 5/8/1964 là sự khắc phục khó khăn, chủ động, sáng tạo trong mọi tình huống; Là sự liên kết, hiệp đồng chiến đấu chặt chẽ giữa các đơn vị, lực lượng. Chiến thắng ngày 5/8 đã chỉ ra cho toàn dân, toàn quân về niềm tin dám đánh và đánh thắng kẻ thù xâm lược mạnh hơn mình nhiều lần. Tạo cơ sở thực tiễn để quân và dân miền Bắc giành chiến thắng lẫy lừng trong “12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không” năm 1972. Qua đó thay đổi cục diện chiến tranh, buộc đế quốc Mỹ phải thừa nhận thất bại và rút quân khỏi Việt Nam. 

Trong 9 năm đánh phá miền Bắc, từ năm1964 đến năm 1972 không quân Mỹ đã tiến hành đánh phá thành phố Vinh 8.768 trận với 30.397 lượt chiếc. Vinh cũng hứng chịu 250.554 tấn bom đạn. Riêng đối với khu vực Bến Thủy, địch đã đánh 2.912 trận, trút xuống 3.422 quả bom. Cũng trên mảnh đất này có hàng chục tập thể và cá nhân đã trở thành Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động. Có những đơn vị 2 lần tuyên dương Anh hùng như Phà Bến Thủy, xã Hưng Thủy (phường Bến Thủy hiện nay).


Đào Tuấn