(Baonghean) - Xác định rõ, công tác phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ là vấn đề then chốt thúc đẩy sự phát triển của nhà trường, nhiều năm qua, Đảng bộ Trường đại học Vinh đã quan tâm đề ra các giải pháp nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức đủ về số lượng và nâng cao về chất lượng.
Xóa “nóng tay, bắt lỗ tai”
Sinh năm 1983, tốt nghiệp khoa Toán, Trường Đại học Vinh năm 2005 với tấm bằng Xuất sắc, đảng viên trẻ Thiều Đình Phong được nhà trường tiếp nhận làm giảng viên chính. Sau đó, anh học tiếp cao học và hoàn thành chương trình thạc sỹ vào tháng 12/2007. Hai năm sau đó, sau khi tham gia các lớp học ngoại ngữ tại Hà Nội và có chứng chỉ TOEFL, năm 2009, Thiều Đình Phong tiếp tục đi nghiên cứu sinh tại Đức và bảo vệ thành công học vị Tiến sĩ vào tháng 10/2013, khi đó anh tròn 30 tuổi đời.
Và từ năm 2013 đến nay, vừa đảm nhận nhiệm vụ chuyên môn là giảng viên tại khoa Toán, TS. Thiều Đình Phong còn được tín nhiệm bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Đoàn trường phân công theo dõi chuyên môn; giữ chức Bí thư Liên chi đoàn và Bí thư Chi bộ học viên, sinh viên Khoa sư phạm Toán. Trong tháng 5 vừa qua, tại Đại hội Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường Đại học Vinh, TS. Thiều Đình Phong được bầu giữ chức Bí thư Đoàn Trường Đại học Vinh, nhiệm kỳ 2017 - 2022.
TS. Thiều Đình Phong là một trong rất nhiều cán bộ được đào tạo, trưởng thành từ chiến lược đào tạo cán bộ của Trường Đại học Vinh. Qua 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3, khóa VIII về Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đặc biệt khi Đảng ủy Trường Đại học Vinh ban hành Nghị quyết số 80/2004/NQ-ĐU về công tác tổ chức cán bộ, chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên của trường không ngừng nâng cao về chất lượng, hợp lý về cơ cấu, đáp ứng yêu cầu giảng dạy và sự phát triển của nhà trường.
Trước đó, việc tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ chưa theo quy trình, mà chủ yếu “nóng tay, bắt lỗ tai”, nghĩa là thiếu vị trí, bộ môn nào thì tuyển dụng, bố trí lấp đầy vị trí, bộ môn đó. Việc đề bạt, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý được lựa chọn trên cơ sở những người có năng lực nổi trội trong tập thể để bỏ phiếu, người cao phiếu thì được bổ nhiệm.
Đến nay, công tác cán bộ được Đảng ủy nhà trường quy hoạch bài bản, có số dư, có “động” và “mở”; giảm tuổi bình quân, tăng tỷ lệ cán bộ trẻ; cụ thể hóa tiêu chuẩn cán bộ ở từng chức danh, trong đó đề cao tiêu chuẩn “đức” và “tài”; đặc biệt nâng cao trách nhiệm, sự chủ động trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Công tác tuyển dụng, tiếp nhận cán bộ được thực hiện theo đúng quy trình, đảm bảo công bằng, gắn với địa chỉ cụ thể. Đặc biệt, để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ giảng viên, từ năm 2013 đến nay, Đảng ủy trường chủ trương chỉ tuyển đầu vào đối với giảng viên là người có trình độ thạc sỹ trở lên, chấm dứt tình trạng “đại học dạy đại học”; đồng thời đưa ra các tiêu chí trong đào tạo, tuyển dụng cho cán bộ để có động lực phấn đấu.
Ví dụ đối với cán bộ dưới 35 tuổi, yêu cầu của trường là phải nghiên cứu sinh ở nước ngoài; hay cán bộ giảng dạy đang hợp đồng lao động ngắn hạn muốn thi tuyển vào hợp đồng dài hạn phải có trình độ ngoại ngữ tiếng Anh đạt từ 450 điểm thi TOEFL trở lên... Gắn với đó, trường ban hành nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ như đầu tư kinh phí để đào tạo “mũi nhọn”; hỗ trợ cho cán bộ nghiên cứu sinh, đi làm việc và học tập ở nước ngoài; nâng lương trước thời hạn cho cán bộ, giảng viên có thành tích xuất sắc trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học.
Đến nay, Trường Đại học Vinh có trên 82% cán bộ, giảng viên, nhân viên có trình độ thạc sỹ trở lên. Trong tổng 1.059 cán bộ, viên chức, trường có 62 giáo sư, phó giáo sư; 54 giảng viên cao cấp, 239 tiến sĩ, 523 thạc sĩ... |
Thu hút cán bộ giỏi, giảng viên trình độ cao
Bên cạnh những chuyển biến tích cực trong công tác cán bộ, Ban Thường vụ Đảng ủy Trường Đại học Vinh cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế, đó là số cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có trình độ cao cấp, trung cấp lý luận chính trị còn hạn chế; chưa tạo được sự đồng đều giữa các đơn vị trong nhà trường về số giảng viên có uy tín cao về chuyên môn; tỷ lệ giảng viên có chức danh phó giáo sư và học vị tiến sĩ trở lên ở các Viện, Khoa ngoài sư phạm còn thấp. Số giảng viên có công trình công bố quốc tế mới chủ yếu tập trung vào khoảng 10% giảng viên ở nhóm ngành cơ bản, khối tự nhiên và kỹ thuật...
Để khắc phục những tồn tại trên, đồng thời tiếp tục tạo ra bước phát triển về công tác cán bộ, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, cung cấp nguồn nhân lực cho xã hội và hội nhập, PGS, TS. Kiều Phương Chi - Bí thư Đảng bộ bộ phận Viện Sư phạm Tự nhiên cho rằng, ngoài phẩm chất chính trị, đạo đức tốt thì phải xây dựng đội ngũ cán bộ có tư duy độc lập, sáng tạo, có ý thức hợp tác, say mê nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ. Có như vậy mới thực hiện 2 nhiệm vụ chính của giảng viên đại học là giảng dạy và nghiên cứu khoa học, trong đó nghiên cứu khoa học là tiêu chí quan trọng.
Định hướng phát triển của Trường Đại học Vinh đến năm 2020 trở thành trường trọng điểm quốc gia; là cơ sở đào tạo đại học đa ngành cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao và thích ứng nhanh với thế giới việc làm; là trung tâm nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của khu vực Bắc Trung bộ và cả nước.
Để thực hiện được định hướng đó, theo đồng chí Đinh Xuân Khoa - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh, công tác phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, viên chức nhà trường là vấn đề then chốt. Do đó, trường tiếp tục quan tâm đến các giải pháp, chính sách thu hút cán bộ giỏi, có trình độ cao; tạo môi trường phát triển cho cán bộ theo phương châm: “Nuôi dưỡng say mê - khuyến khích sáng tạo - tôn trọng khác biệt - thúc đẩy hợp tác”; chú trọng đào tạo, nâng cao trình độ ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ, viên chức, góp phần thúc đẩy hợp tác quốc tế của nhà trường.
Mai Hoa