(Baonghean.vn)- Ngày 26/8/1945, một sự kiện lịch sử trọng đại đã diễn ra trên địa bàn xã Nghi Hoa. Đó là nhân dân các địa phương trong huyện biểu tình tại rú Bứa giành chính quyền…
Cứ mỗi độ thu về, kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và ngày Quốc khánh của dân tộc, những người cao niên ở xã Nghi Hoa lại kể cho lớp con cháu nghe câu chuyện giành chính quyền ngày 26/8/1945 đã đi vào lịch sử quê nhà.
Cụ Nguyễn Văn Sinh ở xóm Hoa Tây, nguyên là chủ tịch UBND xã Nghi Hoa, năm nay tuổi 90, bước chân không còn nhanh, tai nghe không còn rõ, nhưng cụ còn nhớ rất rõ về sự kiện lịch sử đó. Cụ kể: “Khoảng 10 giờ sáng hôm đó, dưới sự chỉ huy của Việt Minh, hàng ngàn người dân trong huyện rầm rập kéo đến biểu tình tại Rú Bứa ,xã Nghi Hoa.
Cả một vùng trời rợp màu cờ đỏ sao vàng. Trước khí thế cách mạng, đề Hiến – một chức sắc của chính quyền bù nhìn ở Nghi Lộc đã trao con dấu chính quyền cho Việt Minh. Ngay sau đó, UBND cách mạng lâm thời huyện Nghi Lộc gồm năm người đã ra mắt nhân dân tại Rú Bứa và cuộc khởi nghĩa giành chính quyền đã hoàn toàn thắng lợi”.
Phát huy truyền thống cách mạng, lớp lớp nhân dân và cán bộ Nghi Hoa luôn chăm lo xây dựng chính quyền vững mạnh. Ông Nguyễn Văn Hương – chủ tịch UBND xã Nghi Hoa cho biết: “Để thực sự là chính quyền của dân, do dân và vì dân, chính quyền xã luôn coi trọng việc thực hiện quy chế dân chủ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức cấp xã”.
Hàng năm, UBND xã xây dựng quy chế đưa hoạt động công chức vào khuôn khổ và đúng luật. Đội ngũ công chức xã ngoài hai chức danh Chỉ huy trưởng quân sự xã và Trưởng công an xã trình độ chuyên môn trung cấp, còn lại đều có trình độ chuyên môn đại học.
Công tác cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền luôn được chính quyền xã thực hiện. Trong đó chú trọng đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho công dân; tăng cường đối thoại với dân, tập trung giải quyết sớm và dứt điểm các vấn đề phát sinh ngay từ cơ sở, không để xảy ra tình trạng khiếu kiện, đơn thư vượt cấp.
Nhờ tập trung xây dựng bộ máy chính quyền vững mạnh, kinh tế xã hội ở Nghi Hoa luôn có bước phát triển, nhất là trong sản xuất nông nghiệp, những năm gần đây, Nghi Hoa chú trọng đưa các giống lúa chất lượng cao vào sản xuất. Cây trồng vụ đông hàng hóa cũng được phát triển, nổi bật là cây dưa chuột trên đất hai lúa với diện tích hơn 30ha, thu nhập 10 triệu đồng/sào/vụ. Bên cạnh đó trên địa bàn có 6 gia trại chăn nuôi, bình quân mỗi gia trại cho thu lãi 300 – 400 triệu đồng/năm.
Là xã thuần nông, nhưng nhiều năm lại đây, Nghi Hoa chú trọng phát triển kinh tế thương mại dịch vụ, nhất là khu vực Chợ Quán và các xóm vùng tây xã. Hai xóm Trung Thành và Hậu Hòa được UBND tỉnh công nhận làng nghề sản xuất, chế biến nông sản thực phẩm. Nhờ đa dạng hoá ngành nghề, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ 7,4% năm 2014 xuống 2,89% năm 2017, xã được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn NTM. Mặc dù là xã vùng đặc thù nhưng an ninh chính trị, trật tự ATXH luôn được ổn định. Đảng bộ nhiều năm liền đạt TSVM và TSVM tiêu biểu.
Đã 72 năm trôi qua, khí thế cách mạng hào hùng của Mùa thu cách mạng năm đó vẫn còn vọng mãi trong mỗi người dân nơi đây và trở thành động lực để cán bộ nhân dân Nghi Hoa xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp./.
Nhật Tuấn
.
TIN LIÊN QUAN |
---|