Đầu năm 1980, tôi được điều về Thành ủy Vinh làm việc ở Ban Tuyên huấn (bây giờ gọi là Tuyên giáo), sau đó chuyển sang văn phòng, một thời gan sau chuyển sang Ban Tổ chức cho đến ngày nghỉ hưu. Từ đó đến nay đã 35 năm, nhưng kỷ niệm những ngày đầu ở Ban Tuyên huấn Thành ủy Vinh tôi còn nhớ mãi.
Đó là những ngày cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc thắng lợi, đất nước thống nhất chưa được bao lâu, cơ chế quan liêu bao cấp chưa được xóa bỏ, thành phố Vinh đang xây dựng lại từ trong hoang tàn, đổ nát. Phải nói là khó khăn chồng chất khó khăn. Cán bộ công chức được phân phối mỗi tháng một cân đường, một ký thịt, hơn chục cân lương thực trong đó một nửa là bo bo (mì hạt) hoặc sắn khô. Ban phải liên hệ cơ sở mượn ruộng để sản xuất cải thiện đời sống, để lại những giai thoại, câu ca câu ví cười ra nước mắt: “Bo bo rồi lại bo bo/Bo cho chắc bụng mà bò theo trâu”, “Quần tivi, xe cố vấn” (quần vá mông nom như màn hình tivi, xe đạp hỏng lốp cố vấn dây giun vào vành).
Người “Thủ lĩnh”, đứng mũi chịu sào lo “diệt giặc đói ” cho anh chị em để “có thực mới vực được đạo” lúc bấy giờ là đồng chí Trương Công Anh. Là Ủy viên Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên huấn, anh cũng xắn quần móng lợn xuống ruộng cày bừa cấy hái cùng mọi người. Với phong cách giản dị, mộc mạc mà sâu sắc, hóm hỉnh, anh tạo cho không khí trong Ban luôn chan hòa, vui vẻ, đầm ấm như trong một gia đình.
Hồi đó, nơi làm việc cũng là nơi ở và đa số cán bộ, công chức ăn tại nhà ăn tập thể. Anh Trương Công Anh không ăn ở tại cơ quan nhưng hết giờ thường nán lại tranh thủ làm một công việc gì đấy cho tập thể hoặc cá nhân. Tôi chứng kiến nhiều buổi trưa anh một mình với chiếc xe đạp nữ Tiệp Khắc kèm theo một cái vót nhỏ ra sau nhà ăn đào những gộc phi lao (người ta chặt cây trừ lại) rồi buộc sau xe chở về.
Hình ảnh đồng chí trưởng ban người gầy, dáng vẻ thư sinh mà cứ miệt mài làm cái việc nặng nhọc “đào đất, cất gỗ”, bây giờ người ta gọi là “cửu vạn” cứ ám ảnh mãi trong tôi, dẫu rằng thời kỳ ấy đến thầy giáo dạy đại học cũng phải tranh thủ đạp xe lai. Sau này tôi nghiệm ra rằng: Cha ông ta khuyên “Học hay, cày biết ”, “Có chí thì nên”, anh Trương Công Anh là người nhuần thấm những lời vàng ngọc đó trong huyết quản nên anh say mê, miệt mài lao động, cả lao động trí óc lẫn lao động chân tay. Điều đó giúp anh tích lũy được nhiều kiến thức trong sách cũng như trong thực tế trở thành một cán bộ tuyên giáo mẫu mực, một báo cáo viên xuất sắc của thành phố, của tỉnh nhà. Lúc hội họp cũng như trên diễn đàn hay trên báo chí, các phương tiện truyền thông, anh có những ý kiến phát biểu sâu sắc, độc đáo, có những bài nói, bài viết giản dị, mộc mạc rất trí tuệ mà rất thực tiễn như lời của một cộng tác viên viết trên “Bản tin thành phố Vinh” Xuân Ất Mùi 2015: “Tôi rất tâm đắc với các bài viết của bác Trương Công Anh, những bài viết của bác vừa sâu sắc, vừa đề cập những vấn đề mới đang đặt ra trong thực tiễn. Bài viết không chỉ thể hiện trình độ, kiến thức, sự am hiểu mà còn thể hiện phong cách diễn đạt, đưa ra được các giải pháp thiết thực cụ thể, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn từ cơ sở ở chi bộ khối xóm, thứ mà họ rất cần…”.
Nhờ cái chí, cái cần cù chịu khó hay lam hay làm ấy, anh đã gặt hái thành công trong công tác tư tưởng văn hóa và một số lĩnh vực khác. Anh trưởng thành, đảm nhiệm những cương vị quan trọng, những chức vụ cao của tỉnh: Tỉnh ủy viên, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh, Bí thư Đảng ủy Các cơ quan Dân chính Đảng (nay là Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh Nghệ An), Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Dù đã là “quan to” nhưng anh hòa đồng, dân dã. Mọi người thấy anh là hân hoan, vui vẻ chào đón và rất thích thú khi được nghe lời phát biểu, bài nói chuyện, bài giảng mang tính đại chúng hóm hỉnh, mềm mại mà tinh tế, hấp dẫn của anh.
Thấm nhuần lời Bác dạy “Cán bộ là người đầy tớ trung thành của nhân dân”, khi về hưu, anh sẵn sàng làm “công bộc”, nhận chức vụ Bí thư chi bộ khối và một số chức trách bé mọn ở phường, ở khối và là cộng tác viên tích cực của “Bản tin thành phố Vinh”. Không “Lão giả yên chi” (người già sống yên phận, không để ý đến việc đời), không ngại tuổi cao, sức yếu, anh cùng một số người vận động thành lập Ban liên lạc Cựu Tuyên giáo Thành ủy Vinh, sau đó mở rộng Cựu cán bộ Tư tưởng - Văn hóa thành phố Vinh và tự đứng mũi chịu sào, cùng anh em chung tay góp sức “đào gộc” những tiêu cực, trì trệ, lạc hậu; vun trồng những mầm xanh công tác tư tưởng - văn hóa, làm cho thành phố ngày càng giàu mạnh, tươi vui; ngày càng xanh, sạch, đẹp.