Cao trào cách mạng (1930 - 1931) và Xô viết Nghệ Tĩnh

Ngay sau khi thành lập, Đảng ta chủ trương đẩy mạnh công tác tuyên truyền về việc thành lập Đảng và đường lối cách mạng của Đảng; phổ biến rộng rãi Lời kêu gọi của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc; đề ra nhiều khẩu hiệu phản ánh nguyện vọng bức thiết của quần chúng lao động...; qua đó đã làm dấy lên phong trào cách mạng sôi nổi, rộng khắp trong cả nước. Hàng trăm cuộc đấu tranh của công nhân, nông dân, binh lính đã nổ ra quyết liệt trên nhiều tỉnh, thành phố, đỉnh cao là phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh.

cao_trao_xo_viet_nghe_tinh_nam_1930__1931__tranh_ve8831879_1932020.jpgCao trào Xô viết Nghệ Tĩnh năm 1930 - 1931. (Tranh vẽ)

Công tác tuyên truyền được tiến hành công khai, sâu rộng, mà trọng tâm là tuyên truyền các chính sách của cách mạng: xóa nợ, giảm tô, chia lại công điền cho nông dân, thủ tiêu mọi thứ thuế, ban bố các quyền dân chủ, xét xử bọn phản động, bài trừ hủ tục, tổ chức học văn hóa... Giai đoạn này nhiều tờ báo của Đảng và các địa phương ra đời. Thơ ca cách mạng được lưu truyền. Sách, báo, tài liệu cách mạng được phổ biến rộng rãi.

Trọng tâm của công tác tư tưởng thời kỳ này là tuyên truyền và đào tạo cán bộ tuyên huấn. Công tác tư tưởng tập trung giác ngộ chính trị cho đảng viên và quần chúng, tuyên truyền về chủ nghĩa Mác - Lênin, chuyển tư tưởng yêu nước của nhân dân ta theo lập trường của giai cấp công nhân.

Đấu tranh chống khủng bố, khôi phục và phát triển phong trào cách mạng (1932 - 1935)

Thời gian này, công tác tư tưởng đã được tiến hành kịp thời, sắc bén, bám sát thực tiễn, góp phần quan trọng ổn định tư tưởng cán bộ, đảng viên, nâng cao lòng tin vào lý tưởng và thắng lợi của cách mạng; nêu gương sáng về tinh thần hy sinh, bất khuất vì lợi ích cách mạng của những người cộng sản; góp phần quan trọng vào việc khôi phục và phát triển phong trào cách mạng trước sự khủng bố tàn bạo của địch, chuẩn bị cho những cuộc đấu tranh rộng lớn hơn về sau.

Cuộc vận động dân chủ giai đoạn 1936 - 1939

Trong thời kỳ này, Trung ương Đảng chủ trương phát triển mạnh mẽ công tác báo chí, xuất bản, phát hành, huấn luyện, đào tạo cán bộ thông qua việc phát triển xuất bản sách báo công khai và chọn đảng viên có trình độ viết sách, viết bài; mỗi chi bộ lập “bình dân thư xã” mua và đọc sách, báo cách mạng; khuyến khích quần chúng mua và đọc sách, báo. Các cấp đảng bộ tái bản những tài liệu tuyên truyền của Trung ương, lập ra Ban huấn luyện chăm lo đào tạo cán bộ, bồi dưỡng chính trị cho đảng viên và quần chúng. Nhiều tác phẩm văn hóa hiện thực phê phán ra đời. Phong trào truyền bá quốc ngữ phát triển sâu rộng. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, ta đã giành thắng lợi trong các cuộc bầu cử Viện dân biểu Bắc kỳ và Viện dân biểu Trung kỳ (1937 - 1938).

Công tác tuyên giáo đã góp phần quan trọng tạo ra một cao trào cách mạng sôi nổi, đây được coi là cuộc tổng diễn tập thứ hai cho thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945; bám sát mục tiêu, nhiệm vụ chính trị, đó là: đấu tranh cho tự do dân chủ, cải thiện đời sống và hòa bình, chống phản động thuộc địa, chống phát xít và chiến tranh; tạo điều kiện cho đường lối, chủ trương của Đảng đi sâu vào quần chúng, góp phần thúc đẩy sự phát triển của văn hóa dân tộc, cổ vũ mạnh mẽ khí thế của phong trào cách mạng, tập họp đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ tiến bộ tham gia vận động cách mạng.

Cao trào giải phóng dân tộc và Tổng khởi nghĩa cách mạng tháng Tám (1939 - 1945)

Công tác tuyên giáo trong thời kỳ 1939 - 1945 đã gắn chặt và phục vụ thiết thực cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc đầy gian khổ, khó khăn nhưng rất oanh liệt, vẻ vang của Đảng và nhân dân ta. Thông qua công tác tuyên giáo góp phần phát huy cao độ lòng yêu nước và truyền thống đoàn kết, anh hùng, bất khuất của dân tộc, nổi dậy tự giải phóng mình khỏi ách nô lệ của đế quốc và tay sai. Đó là kịp thời truyền đạt các nhận định và chủ trương của Đảng, đưa ra những khẩu hiệu sát hợp hướng dẫn tư tưởng và hành động của quần chúng; đấu tranh sắc bén với các tư tưởng tự ti, nô lệ, các khuynh hướng sai lầm, rụt rè, do dự hoặc nóng vội, manh động...

Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội. Ảnh tư liệu

Thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là thắng lợi của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối độc lập tự chủ và đầy sáng tạo của cách mạng Việt Nam; đồng thời cũng là thành tựu to lớn của công tác tuyên giáo trong việc tuyên truyền, vận động cách mạng, biến chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng thành phong trào cách mạng của quần chúng trong quá trình đấu tranh giành chính quyền, giải phóng dân tộc khỏi ách thực dân, phong kiến.

Tham gia bảo vệ chính quyền cách mạng, xây dựng xã hội mới (1945 - 1946)

Sau Tổng khởi nghĩa tháng Tám, chính quyền cách mạng mới ra đời gặp muôn vàn khó khăn. Nhiệm vụ chung của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, trong đó có ngành Tuyên giáo, là đoàn kết toàn dân bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ, chống thù trong, giặc ngoài, góp phần đưa cách mạng tiến lên. Công tác tuyên giáo lúc này tập trung giáo dục ý chí kiên cường, bất khuất, quyết tâm bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ độc lập, tự do; cổ vũ nhân dân thực hiện 3 nhiệm vụ lớn: Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm.

Ngay sau khởi nghĩa, Bộ Tuyên truyền được thành lập, tiếp quản các cơ sở tuyên truyền, báo chí của chế độ cũ. Các binh chủng chủ lực của công tác tuyên giáo lần lượt ra đời như Đài Tiếng nói Việt Nam, Việt Nam Thông tấn xã. Báo của Đảng, Mặt trận Việt Minh và nhiều tổ chức đoàn thể đã được phát hành công khai, rộng rãi. Công tác tuyên truyền tập trung tố cáo âm mưu và tội ác của thực dân Pháp ở miền Nam, khơi dậy ý chí quyết tâm chống xâm lược, ủng hộ đồng bào miền Nam kháng chiến.

Tháng 11/1945, Trung ương Đảng ra Chỉ thị Kháng chiến, kiến quốc, xác định tính chất cách mạng nước ta và hai nhiệm vụ chiến lược là kháng chiến chống thực dân Pháp và xây dựng chế độ mới. Công tác tuyên truyền tập trung vào nhiệm vụ chủ yếu trước mắt là củng cố chính quyền, chống thực dân Pháp xâm lược, bài trừ nội phản, cải thiện đời sống cho nhân dân, chống nạn mù chữ. Khắp nơi có khẩu hiệu "Tiền tuyến diệt xâm lăng, hậu phương trừ giặc dốt”, nhiều ca dao, hò vè được sáng tác để cổ vũ phong trào... Kết quả sau 1 năm, đã có 2 triệu người thoát nạn mù chữ.

Người dân hăng hái tham gia phong trào "diệt giặc dốt". Ảnh tư liệu

Cuộc vận động xây dựng đời sống mới, giáo dục tinh thần yêu nước, đạo đức “cần, kiệm, liêm, chính”, chống các hủ tục, lạc hậu cũng được tuyên truyền sâu rộng. Nạn trộm cắp, cờ bạc, các hủ tục trong ma chay, cưới xin được xóa bỏ ở nhiều nơi, công tác thông tin ở cơ sở, phong trào văn nghệ cách mạng có tính quần chúng, nhất là ca hát, thể dục thể thao phát triển rộng rãi.

Tháng 1/1946, Chính phủ quyết định tổ chức Tổng tuyển cử để bầu Quốc hội, xây dựng Hiến pháp và lập Chính phủ chính thức. Công tác tuyên truyền, vận động bầu cử thực sự là một cuộc đấu tranh gay gắt chống lại sự phá hoại của quân đội Tưởng Giới Thạch và bọn tay sai Việt Quốc, Việt Cách ở miền Bắc, thực dân Pháp ở miền Nam. Với khẩu hiệu phổ biến mọi nơi là: “Tất cả cử tri tới thùng phiếu”; “Mỗi lá phiếu là một viên đạn diệt thù”, công tác tuyên giáo đã góp phần giúp cuộc Tổng tuyển cử thành công.

Động viên toàn dân kháng chiến, toàn quốc kháng chiến, thi đua yêu nước và đi tới thắng lợi quyết định (1946 - 1954)

Trong những năm kháng chiến chống Pháp, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng và Chính phủ, đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ... đã có mặt trên các chiến trường nóng bỏng, phản ánh, động viên chủ nghĩa anh hùng trong chiến đấu, sản xuất của chiến sĩ, đồng bào cả nước.

Thời gian này, công tác khoa giáo tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế, vận động trí thức. Công tác tuyên huấn đã động viên phong trào thi đua yêu nước, diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm. Công tác tuyên truyền, cổ động tập trung nêu cao ý nghĩa Chiến thắng Việt Bắc, phổ biến Lời kêu gọi ngày 19/12/1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh...

Bộ đội Việt Nam vẫy cờ trên nóc một hầm chỉ huy của quân Pháp tại Điện Biên Phủ, ngày 7/5/1954. Ảnh: AFP

Năm 1954, quân ta tấn công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Công tác tuyên giáo tổ chức đợt sinh hoạt chính trị trong cán bộ và chiến sĩ ngoài mặt trận, giáo dục chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần tích cực tiến công, ý chí quyết thắng, quyết tâm chấp hành mệnh lệnh chiến đấu, khắc phục tư tưởng tiêu cực, ngại gian khổ hy sinh, uốn nắn tư tưởng chủ quan, khinh địch khi có thắng lợi, biểu dương các gương chiến đấu dũng cảm, hy sinh. Qua đó, góp phần quan trọng làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ, giải phóng miền Bắc, buộc Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ.

Điểm nổi bật của công tác tuyên truyền thời kỳ này là đã đi vào từng nhà, từng người; gắn tuyên truyền đường lối kháng chiến với cổ động hoàn thành những nhiệm vụ cụ thể của kháng chiến từng thời kỳ, ở mọi lúc, mọi nơi...

Thực hiện nhiệm vụ củng cố miền Bắc, đẩy mạnh đấu tranh chính trị ở miền Nam (1954 - 1960)

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (tháng 7/1954) và Nghị quyết Bộ Chính trị về khôi phục kinh tế, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ và tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, công tác tuyên huấn đã giúp cấp ủy tổ chức lực lượng tuyên truyền sâu rộng các chính sách của Chính phủ đối với vùng mới giải phóng; vạch trần luận điệu xuyên tạc, bịa đặt của địch, vận động đồng bào tham gia đấu tranh thực hiện tốt công tác tiếp quản. Biểu dương các phong trào “Nhường cơm sẻ áo”, “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”... tác động tích cực đến quần chúng. Tập trung quán triệt và giúp cấp ủy đảng triển khai thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết, kế hoạch của Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương về tăng cường tổ chức học tập lý luận Mác - Lênin cho cán bộ, đảng viên; giáo dục giác ngộ xã hội chủ nghĩa cho đảng viên; về hợp tác hóa nông nghiệp và cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh theo chủ nghĩa xã hội...

Phong trào thanh niên “Ba sẵn sàng” của Thái Bình: Người lên đường chiến đấu, người ở lại hậu phương thi đua sản xuất dưới bom đạn (tháng 8/1964) sau khi Mỹ mở rộng đánh phá bằng không quân ra miền Bắc. Ảnh tư liệu

Giai đoạn này, công tác tuyên giáo đóng vai trò trọng yếu trong việc khơi dậy ý chí, tri thức và sức mạnh trong quần chúng, cổ vũ mạnh mẽ các phong trào thi đua như Gió Đại Phong, Sóng Duyên Hải, Tiếng trống Bắc Lý, Cờ Ba nhất... Đây cũng là giai đoạn công tác tuyên giáo đạt được nhiều thành tựu to lớn, nhất là trên lĩnh vực khoa giáo, như: giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân...

Cùng với việc thực hiện nhiệm vụ củng cố miền Bắc, công tác tuyên giáo đã động viên phong trào quần chúng ủng hộ, cổ vũ cuộc đấu tranh của đồng bào miền Nam, tổ chức các cuộc mít tinh, biểu tình, phản đối Mỹ - Diệm vi phạm Hiệp định Giơ-ne-vơ, đàn áp khủng bố đồng bào miền Nam, phá hoại hiệp thương, tổng tuyển cử, động viên phong trào đấu tranh chính trị, tiến tới Đồng khởi ở miền Nam.

Đánh thắng chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của để quốc Mỹ (1961 - 1965)

Trong những năm 1960 -1964 nhân dân miền Nam đã đồng khởi nổi dậy và đánh thắng chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ, công tác tư tưởng đã luôn chú trọng tới việc quán triệt phương hướng, nhiệm vụ, phương châm đấu tranh trong tình hình mới; coi trọng việc phổ biến những kinh nghiệm thực tiễn; đồng thời tích cực tham mưu, đề xuất Đảng, Nhà nước phát động phong trào thi đua “Dũng sỹ diệt Mỹ”, nâng cao quyết tâm đánh Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn.

Miền Bắc vừa xây dựng, vừa chiến đấu, chi viện cho miền Nam, đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà (1965 - 1975)

Với mục tiêu đánh thắng chiến lược “Chiến tranh cục bộ” và “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ, công tác tuyên giáo đã góp phần quan trọng trong việc động viên quân dân miền Bắc chuyển hướng xây dựng kinh tế sang thời chiến, vừa sản xuất, vừa chiến đấu, đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ và tích cực chi viện cho miền Nam.

Thành công của công tác tuyên giáo giai đoạn này là tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, động viên đồng bào, chiến sỹ cả nước hăng hái lao động, sản xuất, chiến đấu. Ở miền Bắc công tác tuyên giáo tập trung tuyên truyền, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, như “Vì miền Nam ruột thịt”, “Thanh niên ba sẵn sàng”, “Phụ nữ ba đảm đang”, chi viện đắc lực sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam, động viên lớp lớp thanh niên hăng hái lên đường đánh giặc với tinh thần “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.

Với miền Trung, tập trung tuyên truyền, khơi dậy lòng yêu nước và truyền thống cách mạng, tất cả một lòng "Xe cho qua, nhà không tiếc; Đường cho thông, không tiếc máu xương”.

Các nữ TNXP Đại đội 317 san lấp hố bom để thông đường ở Truông Bồn trong những năm chiến tranh. Ảnh tư liệu

Ở miền Nam, công tác tuyên giáo đã cổ vũ quần chúng đẩy mạnh đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang ở khắp mọi nơi, trên cả ba vùng: vùng núi, đồng bằng và đô thị; khơi dậy lòng căm thù giặc, bồi dưỡng lòng yêu nước, tinh thần dũng cảm, không quản ngại hy sinh, tạo nên nhiều phong trào thi đua giết giặc, lập công: “Thi đua Ấp Bắc giết giặc lập công”, “Xuống đường đòi tự do, dân chủ”, “Hát cho đồng bào tôi nghe...

Sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng Việt Nam đã được chuyển hóa bằng thắng lợi của cuộc Tổng tiến công nổi dậy Mùa Xuân năm 1975, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế (1975 - 1985)

Đất nước vừa trải qua 30 năm chiến tranh, phải đối phó với các cuộc chiến tranh biên giới, bị đế quốc Mỹ và các thế lực đế quốc bao vây cấm vận, kinh tế - xã hội nước ta lâm vào khủng hoảng kéo dài, đời sống nhân dân gặp rất nhiều khó khăn.

Trong hoàn cảnh đó, công tác tuyên giáo đã tập trung động viên các tầng lớp nhân dân nêu cao ý chí khắc phục khó khăn, quyết tâm vượt qua thử thách, nhanh chóng thực hiện thống nhất đất nước; cổ vũ khí thế phấn đấu nhanh chóng khắc phục hậu quả chiến tranh, chiến thắng trong hai cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Tây Nam và phía Bắc của Tổ quốc, từng bước xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật ban đầu quan trọng của đất nước, tạo điều kiện cho các bước phát triển tiếp theo. Đặc biệt là qua thực tiễn, đã từng bước chuẩn bị lý luận cho công cuộc đổi mới đất nước.

Thời kỳ đổi  mới và hội nhập quốc tế (giai đoạn 1986 - 2020)

Tại Đại hội lần thứ VI (1986), Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước. Kể từ đó đến nay đã gần 35 năm, nhiệm vụ, chức năng là một bộ phận quan trọng của công tác xây dựng Đảng, tham mưu giúp các cấp ủy đảng trong công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, về chủ trương, quan điểm và chính sách của Đảng trong lĩnh vực tuyên truyền, lý luận chính trị, lịch sử Đảng, báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ, thông tin đối ngoại, khoa giáo.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng họp tại Hà Nội từ ngày 15 đến 18/12/1986. Ảnh tư liệu: nhandan.com.vn

Công tác tuyên giáo đã đồng hành cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện sự nghiệp đổi mới và đã đạt được nhiều thắng lợi. Đó là:

- Tạo sự thống nhất về nhận thức, tư tưởng và hành động trong toàn Đảng, sự đồng thuận trong nhân dân để thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế.

- Củng cố niềm tin, niềm tự hào về Đảng, về đất nước và con người Việt Nam; nâng cao uy tín và vị thế của đất nước; góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

- Góp phần bổ sung, hoàn thiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; không ngừng chăm lo và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; phát huy quyền làm chủ của nhân dân và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc.

- Đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng môi trường văn hóa, xã hội an toàn, lành mạnh, xây dựng con người mới Việt Nam.

Đặc biệt là trong 5 năm trở lại đây, công tác tuyên giáo từ Trung ương đến địa phương đã có sự chuyển biến sâu sắc và đạt được những kết quả nổi bật, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh.

-Công tác tham mưu giúp Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy các cấp lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các lĩnh vực công tác tuyên giáo ngày càng chủ động, nhạy bén, sáng tạo, sát với yêu cầu của thực tiễn.

Hội nghị toàn quốc sơ kết 2 năm thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu: Báo điện tử Chính phủ

Việc tham mưu, đề xuất trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng ngày càng đi vào chiều sâu, góp phần xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức.

- Công tác giáo dục lịch sử, truyền thống, đạo đức, lối sống trong các trường phổ thông; công tác lý luận, giáo dục chính trị tư tưởng, nhất là giáo dục chính trị trong các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề được chú trọng, góp phần quan trọng vào công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

- Công tác thông tin tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội có nhiều đổi mới, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra của thực tiễn.

- Công tác tham mưu trên các lĩnh vực khoa giáo ngày càng chủ động, có nhiều chuyển biến quan trọng.

- Công tác đấu tranh, phản bác các luận điệu, quan điểm sai trái, thù địch có nhiều chuyển biến tích cực, ngày càng hiệu quả.