Ông Phạm Minh Chính cho rằng cùng với thể chế vượt trội thì việc xây dựng đặc khu sẽ thành công nếu "có được người tài".

"Do chúng ta nêu trong thời gian dài, chưa làm được, nên cách diễn đạt có thể khác nhau, nhưng tư tưởng thì rất rõ", ông nhấn mạnh.  

Chia sẻ mong muốn của nhiều vị đại biểu Quốc hội về việc xây dựng đạo luật nêu trên để Việt Nam có mô hình, có động lực mới cho sự phát triển, ông Chính cho rằng xây dựng đặc khu thì "phải có thể chế đặc biệt, vượt trội, và vì vậy đây là vấn đề khó, chưa có tiền lệ". 

"Giấc mơ 20 năm"

Theo ông, để xây dựng thành công đặc khu kinh tế ở Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hoà) hay Phú Quốc (Kiên Giang), thì điều quan trọng là phải đảm bảo hài hoà lợi ích quốc gia, địa phương, người dân và doanh nghiệp. Trong đó, nguồn lực bên trong là cơ bản và lâu dài, nguồn lực bên ngoài có ý nghĩa quan trọng, tạo đột phá. 

"Cùng với nhiều mục tiêu chiến lược khác, chúng ta xây dựng thành công đặc khu thì còn góp phần giải quyết vấn đề an sinh xã hội rất lớn, tạo công ăn việc làm việc người dân địa phương. Gần đây tôi đọc một bài viết rất hay về người dân ở Vân Đồn, họ có giấc mơ thoát khỏi kiếp mò ốc 20 năm thông qua việc xây dựng đặc khu", ông Chính nói khi đề cập đến bài viết "Đặc khu kinh tế - Cuộc đợi chờ 20 năm" trênVnExpress.

Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính. Ảnh: QH

Thể chế đủ sức cạnh tranh

Trưởng ban tổ chức Trung ương cho hay, ông đã đi nghiên cứu mô hình đặc khu kinh tế ở nhiều nơi, trong đó có Thẩm Quyến (Trung Quốc). Qua đó, cho thấy bên cạnh hạ tầng, thể chế thì "cán bộ là khâu quyết định".

"Chọn được người tài thì sẽ thực hiện thành công. Nhân sự trên địa bàn thì thuộc cấp uỷ, chính quyền các địa phương, nhưng Trung ương phải hỗ trợ về cơ chế, chính sách, nguyên tắc, tiêu chí, tiêu chuẩn”, ông Chính nhấn mạnh.

Từng giữ vị trí Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh, một trong ba địa phương xây dựng đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, ông Phạm Minh Chính bày tỏ tâm đắc với chiến lược phát triển của cả ba đặc khu, với các điểm nhấn: Thu hút nguồn lực đầu tư và phát triển hạ tầng xanh; phát triển các yếu tố cấu thành nền kinh tế tri thức;, đô thị sạch và thông minh; phát triển công nghiệp giải trí, công nghiệp văn hoá dựa trên nền tảng sáng tạo... 

"Bộ Chính trị đã khẳng định cơ chế, chính sách ở đặc khu sẽ đủ sức cạnh tranh với khu vực và quốc tế. Tức là thế giới có thế nào thì mình phải như thế hoặc hơn", ông nói.

Về tổ chức chính quyền tại các đặc khu, ông Chính ủng hộ việc không tổ chức HĐND với tinh thần "muốn có cơ chế đặc biệt thì phải có bộ máy đặc biệt".

 
 
 
 
Ông Phạm Minh Chính

Kinh nghiệm quốc tế

Qua rà soát kinh nghiệm quốc tế xây dựng đặc khu kinh tế, Trưởng ban Tổ chức Trung ương rút ra 8 bài học lớn. Đó là cam kết cải cách mạnh mẽ từ các nhà lãnh đạo và ban hành luật; chính sách ưu đãi riêng biệt và trao quyền tự chủ cao; hỗ trợ tích cực từ Chính phủ về cơ sở hạ tầng, kiến trúc thượng tầng; thu hút vốn đầu tư nước ngoài, trong nước và các nguồn lực khác...

Theo ông Chính, kinh nghiệm của Trung Quốc cho thấy khi ban hành thể chế ban đầu cho các đặc khu thì để trực thuộc tỉnh, các đơn vị này sẽ phát triển tự nhiên và "đến lúc nào đó to lên rồi thì mới trực thuộc trung ương".

"Ta cứ làm từng bước chắc chắn, phù hợp tình hình", ông Chính nói.

Về bài học thất bại, ông nêu kinh tế từ Ấn Độ và một số nước ở châu Phi. Cụ thể, thất bại ở Ấn Độ là do hình thành quá nhiều đặc khu, quốc gia này xây dựng tới 400-500 đặc khu nên nguồn lực dàn trải; còn ở châu Phi là do không có luật, cơ chế, chính sách lại không rõ ràng.

Chiều 10/11, Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã giới thiệu với Quốc hội dự án Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt. Ngày 22/11, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật này.

Theo VNE

TIN LIÊN QUAN