Baonghean.vn) - Cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, ổn định thị trường Tết; Ngân hàng CSXH không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ người nghèo; Thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về đấu thầu qua mạng;... là những chỉ đạo nổi bật tuần qua của Chính phủ, Thủ tướng.
1. Cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, ổn định thị trường Tết
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các địa phương theo dõi sát diễn biến thị trường các mặt hàng nông sản; phối hợp với Bộ Công Thương cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là lúa gạo, thực phẩm, đường, muối nhằm ổn định thị trường nhất là trong thời điểm Tết Dương lịch và chuẩn bị cho Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.
Về giá các mặt hàng nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các địa phương theo dõi sát diễn biến thị trường các mặt hàng nông sản; phối hợp với Bộ Công Thương cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là lúa gạo, thực phẩm, đường, muối nhằm ổn định thị trường nhất là trong thời điểm Tết Dương lịch và chuẩn bị cho Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. Cập nhật đánh giá tình hình thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp và tác động đến giá hàng nông sản do thiên tai, lũ lụt trong thời gian vừa qua báo cáo Phó Thủ tướng - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá đồng thời gửi Bộ Tài chính để tổng hợp phục vụ cho việc xây dựng kịch bản điều hành giá.
2. Ngân hàng CSXH không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ người nghèo
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện tín dụng chính sách xã hội giai đoạn 2002 - 2017.
Theo đó, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt hơn nữa những công việc đã được Ngân hàng Chính sách xã hội ủy thác, bảo đảm việc cho vay đúng chính sách, đúng đối tượng; giúp người nghèo và các đối tượng chính sách sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, cải thiện được đời sống và có nguồn trả nợ.
Các Bộ, ngành, Ngân hàng Chính sách xã hội nghiên cứu, có giải pháp tín dụng chú trọng hỗ trợ khởi nghiệp, nhất là đối với phụ nữ và thanh niên ở khu vực nông thôn, hỗ trợ hình thành chuỗi liên kết, chuỗi sản xuất - tiêu thụ, ứng dụng khoa học, công nghệ, cải thiện năng lực sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân...
3. Thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về đấu thầu qua mạng
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định 1735/QĐ-TTg thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về đấu thầu qua mạng với chức năng giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, triển khai thực hiện Kế hoạch tổng thể và lộ trình áp dụng đấu thầu qua mạng.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng làm Trưởng ban. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng làm Phó Trưởng ban. Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phương hướng, giải pháp để giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành trong lĩnh vực đấu thầu qua mạng.
Ban Chỉ đạo hoạt động theo cơ chế đề cao trách nhiệm của Trưởng ban. Các thành viên Ban Chỉ đạo hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm. Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo, chịu trách nhiệm bảo đảm các điều kiện hoạt động của Ban Chỉ đạo.
4. Chung tay vận động sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn
Trong thời gian qua, các Bộ ngành, địa phương đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn thực phẩm. Nhận thức của người dân được nâng lên, nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn được xây dựng và phổ biến ngày càng rộng rãi...
Tuy nhiên, nông sản thực phẩm được sản xuất, kinh doanh theo các mô hình bảo đảm an toàn chưa nhiều. Một số nơi vẫn còn tình trạng sử dụng chất cấm trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Tình trạng sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm không an toàn vẫn là vấn đề nhức nhối, gây bức xúc xã hội.
Để phát huy những kết quả đạt được, tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, Chính phủ cùng Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thống nhất triển khai chương trình phối hợp "Tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng giai đoạn 2017 - 2020".
5. Kiểm tra phản ánh về cấp phiếu lý lịch tư pháp và đăng ký khai tử
Gần đây một số tờ báo phản ánh tình trạng "cò" làm thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp ngang nhiên hoạt động trước cổng Sở Tư pháp thành phố Hà Nội và tình trạng chậm giải quyết thủ tục đăng ký khai tử tại tỉnh Tây Ninh.
Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu UBND thành phố Hà Nội kiểm tra, xem xét nội dung báo chí nêu về tình trạng "cò" làm thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp. Trên cơ sở kết quả kiểm tra, chấn chỉnh ngay việc thực hiện thủ tục hành chính cấp phiếu lý lịch tư pháp, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm (nếu có); có giải pháp khắc phục triệt để tình trạng nêu trên.
Phó Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Tây Ninh chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền trên địa bàn giải quyết ngay việc đăng ký khai tử cho gia đình bà Nguyễn Thị Nghĩa - hiện trú tại xã An Hòa, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh theo đúng quy định. UBND thành phố Hà Nội, UBND tỉnh Tây Ninh báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trước ngày 25/11/2017.
6. Kéo dài thời gian hoàn thành bán cổ phần lần đầu VTVTcab
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luậncủa Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về kéo dài thời gian hoàn thành bán cổ phần lần đầu và không điều chỉnh giá trị sổ sách khi cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Truyền hình cáp Việt Nam (VTVcab).
Thủ tướng Chính phủ đồng ý không điều chỉnh sổ sách kế toán theo kết quả công bố giá trị doanh nghiệp đối với VTVcab. Kết quả công bố giá trị doanh nghiệp của Đài Truyền hình Việt Nam làm cơ sở xác định giá khởi điểm thực hiện đấu giá bán cổ phần lần đầu của VTVcab.
Thủ tướng Chính phủ cũng đồng ý gia hạn thời gian hoàn thành bán cổ phần lần đầu đối với VTVcab chậm nhất đến ngày 30/6/2018; Đài Truyền hình Việt Nam không phải điều chỉnh lại giá trị doanh nghiệp của VTVcab tại thời điểm 31/12/2015 đã được Đài công bố.
Đài Truyền hình Việt Nam có trách nhiệm hoàn thành cổ phần hóa VTVcab theo đúng quy định; cập nhật biến động vốn, tài sản (nếu có), cáo bạch cho các nhà đầu tư biết và điều chỉnh lại giá trị phần vốn nhà nước khi quyết toán tại thời điểm chuyển thành công ty cổ phần.
7. Quản lý chặt chẽ cơ sở dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam
Chính phủ quy định quản lý chặt chẽ cơ sở dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam, bảo đảm an toàn, an ninh và bảo mật theo quy định của pháp luật trong việc quản lý dữ liệu.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 121/2017/NĐ-CP quy định xây dựng, quản lý, sử dụng cơ sở dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam.
Nghị định này quy định về xây dựng, thu thập, lưu trữ, xử lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng (gọi chung là xây dựng, quản lý, sử dụng) cơ sở dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam; trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong xây dựng, quản lý, sử dụng cơ sở dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam.
8. Thoái vốn tại CTCP Đầu tư Tháp Truyền hình Việt Nam
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luậncủa Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về thoái vốn tại Công ty cổ phần Đầu tư Tháp Truyền hình Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ đồng ý Đài Truyền hình Việt Nam, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước thoái vốn tại Công ty cổ phần Đầu tư Tháp Truyền hình Việt Nam, bảo đảm theo đúng các quy định của pháp luật, công khai, minh bạch, hiệu quả, không để thất thoát vốn nhà nước.
Đài Truyền hình Việt Nam trao đổi với các đối tác, đề xuất cụ thể tỷ lệ thoái vốn tại Công ty cổ phần Đầu tư Tháp Truyền hình Việt Nam, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chủ đầu tư nghiên cứu, triển khai dự án Tháp Truyền hình Việt Nam thực hiện các cơ chế, chính sách, pháp luật và các thủ tục về đất đai có liên quan theo đúng quy định.
Thái Bình
(Tổng hợp)