Một quan chức cấp cao trong chính phủ Đức cho rằng: “Chúng tôi có lợi ích lớn trong việc phát triển hơn nữa Hành lang phía Nam. Đây là một phần trong chiến lược đa dạng hóa của Liên minh châu Âu (EU) nhằm vận chuyển khí đốt từ các khu vực khác, không chỉ từ Nga, sang châu Âu”.
Theo giới chức Đức, tại thủ đô Baku (Azerbaijan), Thủ tướng Merkel sẽ thảo luận các vấn đề năng lượng, trong đó có việc cải thiện cơ sở hạ tầng để giúp vận chuyển khí đốt từ Azerbaijan tới châu Âu thông qua Thổ Nhĩ Kỳ.
Azerbaijan được đánh giá sẽ đóng vai trò quan trọng, trong bối cảnh nước này đang lên kế hoạch triển khai giai đoạn hai của đường ống khí đốt từ cánh đồng Shah Deniz rộng lớn tới châu Âu.
Shah Deniz II dự kiến sẽ sản xuất 16 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm kể từ năm 2020, với 10 tỷ mét khối dành cho châu Âu, còn 6 tỷ mét khối dành cho Thổ Nhĩ Kỳ và Gruzia. Sau đó, khí đốt có thể được vận chuyển từ Turkmenistan, Iran và Iraq tới châu Âu.
Trong một dấu hiệu cho thấy tiến triển, trong tháng này, Iran, Nga, Kazakhstan, Turkmenistan và Azerbaijan đã nhất trí về mặt nguyên tắc cách phân chia nguồn khí đốt và dầu thô khổng lồ của Biển Caspi.
Hồi tháng trước, Tổng thống Trump, người đã hối thúc Đức mua thêm khí đốt tự nhiên hóa lỏng từ Mỹ, đã chỉ trích Đức là “tù nhân’ của Nga, do sự phụ thuộc của nước này vào năng lượng Nga, một cáo buộc mà Berlin bác bỏ. Ông Trump cũng đánh giá dự án Dòng chảy phương Bắc 2 là “khủng khiếp”.
Hồi cuối tuần qua, Thủ tướng Merkel đã thảo luận vấn đề năng lượng với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại một cung điện ngoại ô thủ đô Berlin. Bà Merkel cũng sẽ tới Gruzia và Armenia, trong khuôn khổ chuyến công du 3 ngày, bắt đầu từ ngày mai 23/8. Trong ngày 25/8, nhà lãnh đạo Đức sẽ có cuộc hội đàm với Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev./.