(Baonghean.vn) -Là Phó Tư lệnh Quân khu 4, được phong tướng từ năm 1998, nhưng ít ai biết được ông từng có chặng đường vào sinh ra tử đầy hiển hách. Tôi tìm gặp ông tại nhà riêng ở xóm 14, xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc. Trông ông vẫn còn nhanh nhẹn và khỏe mạnh hơn độ tuổi gần 70. Ông nói con trai lớn có nhà ở Vinh nhưng ông muốn ra vùng nông thôn này ở với bà cho vui. Và trong căn nhà lọt sâu trong xóm nhỏ yên tĩnh, tôi được nghe ông kể về cuộc đời binh nghiệp của mình...

 

Vào quân đội từ năm 1963, đến năm 1964 – 1965 ông Phạm Hồng Minh được cử đi học sỹ quan công binh ở Nam Đàn, về E18 - B 325, làm tiểu đội trưởng. Do sự dũng cảm mưu trí của một chiến sỹ công binh, tháng 2/1965 ông được đề bạt là trung đội phó trung đội TĐ-18B. Trong trận đánh ở Tuy An - Phú Yên ông bị thương, trong khi vết thương vẫn còn đau nhức nhưng ông vẫn cùng đồng đội hành quân vào chiến trường B cùng phối hợp với TĐ10 đánh càn qua dốc Mẹ bồng con trên đất Tuy An để giành từng tấc đất với địch.

     786618_small_87257.jpg


Đến tháng 9/1967, Trung đội hành quân đến Khánh Hòa, tham gia cấp trung đoàn trong chiến dịch Mậu Thân với những chiến dịch đánh càn ác liệt. Và trong trận này đơn vị ông được giao nhiệm vụ đánh cấp trung đoàn với việc ngăn chặn tàu thuyền qua đường sắt cũng như đường sông, không cho địch tiếp tế quân lương. Càng vào sâu chiến trường miền Đông Nam bộ tình hình chiến sự càng cam go ác liệt, có khi đơn vị ông chống càn với quân số 12 đồng chí, nhưng sau trận đánh chỉ còn 3 đồng chí sống sót. Ông nói: “Máu của đồng đội đã ngã xuống càng làm cho chúng tôi thấy mình phải đánh chắc, đánh thắng để giảm thương vong”. Với những trận đánh cam go ác liệt trên khắp các chiến trường từ Phú Yên cho đến Tây Nguyên, nơi đâu cũng có máu xương của đồng đội, những lúc nhìn thấy đồng chí mình ngã xuống trong tích tắc bên cạnh mà lòng ông lại ngùn ngụt căm hờn. “Trung đội 18B của tôi đã thay 12 lần quân nhưng may sao tôi vẫn còn sống sót để tiếp tục chỉ huy chiến đấu” – ông nói.

 

Đến tháng cuối năm 1969, Trung đội ông tiến vào miền Đông Nam bộ, ở đây những trận đánh một mất một còn với địch tại Suối Giây, Sóc Con Trăng trên Quốc lộ 10 và Quốc lộ 13. Sau khi được cử đi học 1 năm tại Cam Pu Chia trở về chiến trường An Giang, tại trung đoàn 232 tiến đánh của ngõ Tây Nam mở đường cho chiến dịch Hồ Chí Minh huyền thoại.


Năm 1971, nhớ trận đánh ở Bình Thuận, lúc đó ông là trung đội trưởng trung đội 7 thuộc Đại đội 7- G20. Từ đánh công binh nay chuyển sang đánh đặc công, khi tiến vào căn cứ địch, ông trực tiếp chỉ huy các mũi tiến vào đánh úp, không cho địch trở tay. Ông nói: “Trong lúc ông và đồng đội phải ngụy trang bằng cách bôi nhọ đen vào người, khi tiến vào căn cứ địch phải bò qua 12 hàng rào thép gai, tiến sâu vào được hàng rào thứ 6 thì bất ngờ địch rải vôi bột trắng xóa, anh em lại phải dùng vôi bột ngụy trang lên lớp nhọ nồi đó. Mình mẩy đau rát nhưng tôi và đồng đội vẫn cố nhoài người về phía trước. Trận này chúng ta thắng lớn. Tôi vẫn thường nói với đồng đội, lính đặc công có đặc điểm nổi bật là phải đánh trong đánh ra, đánh nở hoa trong lòng địch, bí mật bất ngờ mới có thể thắng lớn”.

 

Có những đợt hành quân dài ngày vào các vùng chiếm đóng ác liệt ở miền Tây Nam bộ, 3 tháng ròng rã ông và đồng đội không có lấy một hạt muối. Có đồng chí bị sốt rét ác tính, ông đi họp cán bộ cao cấp xin đồng chí cấp trên được một nhúm muối về cho chiến sỹ của mình ngậm một lát rối phải đưa cho đồng chí khác. Có khi cả trung đội hết gạo toàn đơn vị nằm sâu trong cứ điểm, ông buộc phải tổ chức 1 trận đánh để có gạo.

 

Cuộc đời bình nghiệp 9 năm trời hành quân ròng rã từ Bắc vào Nam với 8 lần bị thương, đến bây giờ mỗi khi trái gió trở trời mình mẩy ông lại đau nhức. Thế nhưng ngẫm lại ông luôn nâng niu những ngày tháng chiến trường, ở đó đã cho ông lý tưởng cách mạng, cho ông những bài học quý giá của người cán bộ. Ông nói, sau này khi hòa bình lập lại điều làm ông cảm thấy quý báu nhất đó là tình đồng chí đồng đội trong kháng chiến. Đối với ông điều quan trọng nhất là cán bộ và chiến sỹ phải đồng kham cộng khổ, củ khoai củ sắn cũng chia nhau. Cũng trong những năm tháng chỉ huy trên các chiến trường lửa đạn cam go ông nhận thấy rằng công tác đào tạo kỹ chiến thuật cho chiến sỹ rất quan trọng. Và quan trọng hơn, cần phải giáo dục đào tạo cho cán bộ chiến sỹ có lập trường tư tưởng vững vàng. Ngay cả trong thời chiến trong lúc đồng chí, đồng đội mình coi cái chết nhẹ tựa lông hồng, kiên định tinh thần chiến đấu dù gian khổ và hiểm nguy. Ấy thế nhưng cũng có những chiến sỹ yếu đuối, nhụt chí xin được xuất ngũ về cưới vợ, xin về phụng dưỡng bố mẹ già...

 

Giờ đã tuổi xấp xỉ thất thập, ông Phạm Hồng Minh vẫn còn đau đáu trước tình hình thời sự biển đảo, về tệ nạn tham nhũng, về một bộ phận trong giới trẻ có biểu hiện tha hóa trong lối sống và đạo đức. Thế nhưng, ông vẫn tin với việc học tập nghị quyết TW4 cán bộ đảng viên sẽ có những cuộc kiện toàn trong chính nội tại bản thân, từ đó có những chuyển biến trong đời sống, trong nhận thức. Và theo ông, con đường mà Đảng đang đi mãi mãi hướng về phía mặt trời về phía của ấm no, hạnh phúc như mong muốn của Bác Hồ lúc sinh thời.


Thanh Nga