(Baonghean) Năm ngoái, tôi về xã Nghi Diên huyện (Nghi Lộc) tìm vị tướng về hưu Nguyễn Quốc Thước, chúc thọ ông tuổi 75, vì một thời tôi là lính thuộc quân đoàn ông. Té ra, ông đã ra Hà Nội sống với vợ con ở đường Láng, quận Cầu Giấy. May thay, chính tại quê mới này, ông đã kể cho tôi nghe một phần đời binh nghiệp của ông...

 

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước sinh năm 1926, tại xã Nghi Diên, Nghi Lộc, Nghệ An. Ông sinh trưởng trong một gia đình hiểu biết Hán học. Cha là Nguyễn Hoa, uyên thâm chữ Hán, sống thanh cao. Mẹ là Nguyễn Thị Hường, hiền thục, đảm đang. Tất cả những nét chung gia đình đó hun đúc nên truyền thống ham học, giữ đạo nghĩa, tiết tháo cho cả 4 người con. Anh cả, Nguyễn Quốc Phơn, nhiều năm liền là bí thư đảng ủy xã; em trai, GS Nguyễn Quốc Thi, nguyên Hiệu phó Trường Đại học Vinh. Người em gái út cũng đi bộ đội.


Ông Thước học Trường Cô-le đơ Vinh, cái nôi cách mạng thời thuộc Pháp. Học vừa hết khóa thì cuộc vận động cách mạng giải phóng dân tộc cũng lên đỉnh cao, tổ chức Việt Minh phát triển mạnh. Tháng 4/1945, ông may mắn được đồng chí Trần Văn Bành (em ruột Thượng tướng Trần Văn Quang) giới thiệu vào tổ chức Việt Minh. Từ đó, ông nhận nhiều công tác quan trọng tổ chức giao trong khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân và tổ chức xây dựng cuộc sống mới sau ngày giành được độc lập.


Năm 1947, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản. Từ đó đến năm 1949, ông là Bí thư thanh niên huyện Nghi Lộc. Với lòng nhiệt huyết và tài tổ chức của ông, phong trào thanh niên huyện nhà có những bước phát triển vượt bậc, nhất là phong trào tòng quân nhập ngũ. Để làm gương và cũng là nguyện vọng thiết tha của mình được trực tiếp cầm súng đánh trả quân thù, năm 1949 ông xung phong đi bộ đội. Là đảng viên, trí thức trẻ nên ông được vào Trường Sỹ quan Trần Quốc Tuấn, trường đào tạo cán bộ chỉ huy cấp trung đội, đại đội lúc bấy giờ. Với khả năng nắm bắt cái mới nhanh nhạy, hăng say luyện tập, Đại tá Hoàng Điền rất quý học viên Thước và đưa ông lên làm trợ giảng.


Năm 1950, lần đầu tiên ông chỉ huy trung đội vào chiến trường Bình - Trị - Thiên. Tài năng của ông bộc lộ, trung đội luôn luôn lập công. Năm 1953, trong chiến dịch phối hợp với chiến trường Điện Biên Phủ, ông được thăng lên cấp chỉ huy đại đội, chiến đấu trên mặt trận Lào để chia lửa cho chiến trường chính. Và, cũng chỉ nửa năm sau, với cách thuyết phục bằng những trận đánh tiêu diệt gọn nhiều sinh lực địch có trang bị vũ khí hơn hẳn đơn vị mình, ông được đề bạt lên cấp chỉ huy tiểu đoàn (thuộc Sư đoàn chủ lực 325).

786407_small_87005.jpg


                                     Trung tướng Nguyễn Quốc Thước

Hòa bình lập lại ở miền Bắc, ông Thước có điều kiện nâng cao trình độ về mọi mặt, về kiến thức chỉ huy cấp chiến dịch, chiến lược. Do vậy, năm 1965, khi thành lập Sư đoàn 325 B vào vùng B3 (Tây Nguyên) chiến trường ác liệt ở miền Nam, ông được giữ chức Trưởng phòng tác chiến của Sư đoàn, mặc dù quân hàm mới thiếu tá. Từ sau tổng công kích Tết Mậu Thân (1968), Bộ Quốc phòng thành lập mặt trận B3 Tây Nguyên, ông Thước vẫn được giao chức vụ Tham mưu trưởng mặt trận B3.

Sau đó, Tham mưu trưởng Nguyễn Quốc Thước được bổ nhiệm cương vị Trung đoàn trưởng, chỉ huy Trung đoàn 24, trực tiếp cầm quân một mũi. Khi về trung đoàn này, nhiều khó khăn đang tồn tại, nhất là quân số và kỹ chiến thuật, dưới sự chỉ huy của ông tất cả mọi mặt đều được củng cố, đơn vị trở thành một "quả đấm thép" ở chiến trường Tây Nguyên và hai nước bạn Lào, Cam-pu-chia.


Trận nổi tiếng nhất của trung đoàn này là chiến thắng cuộc hành quân của địch vào Chư Ba đầu năm 1969. Sau chiến thắng ba cuộc hành quân quy mô lớn đó, trung đoàn của ông được Bác Hồ gửi điện khen: "Các chú đã phát huy được truyền thống trung dũng, kiên cường, hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần đánh bại chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh". Nhưng các chú không được tự kiêu, tự mãn; tiếp tục đập tan những cuộc hành quân của Mỹ- Ngụy". Đài AFP cũng bình luận: "Đây là trận đánh đẫm máu nhất sau Mậu Thân đã đập tan những cuộc hành quân quy mô của Mỹ, ngụy".


Trung đoàn 24 còn nhiều trận đánh oai hùng như thế nữa, trong đó có trận đánh ở nước bạn Lào. Có một cuốn sách về lịch sử nước ta ghi chiến công của trung đoàn này: "Từ tháng 3 đến tháng 6 năm 1970, bộ đội ta kết hợp với quân giải phóng Lào mở liên tiếp hai cuộc phản công giải phóng hai thị xã Át-tô- pơ và Xa-ra-van; hoàn toàn giải phóng tỉnh Át-tô-pơ".Sau đó, trung đoàn tiến về Cam-pu-chia giải phóng nhiều tỉnh. Tạo nên cục diện chiến trường có lợi cho ta trong những năm 1970. Cuối năm đó, Mặt trận Tây Nguyên tái lập, từ đó đến hết 1973, ông Nguyễn Quốc Thước được bổ nhiệm làm Tham mưu phó Mặt trận Tây Nguyên.


Sau Hiệp định Pari (1973), Mỹ buộc phải đơn phương rút quân khỏi miền Nam Việt Nam, tạo nên cục diện mới. Cuối năm đó, thay mặt Đảng ủy và tham mưu, ông Thước được ra Bắc báo cáo tình hình và nhận kế hoạch mới. Theo kế hoạch, Mặt trận Tây Nguyên phải khẩn trương mọi mặt để thực hiện quyết tâm giải phóng miền Nam trong vòng hai năm và khi có thời cơ lập tức tiến công rút ngắn. Thời gian này, do có nhiều đóng góp quan trọng, tháng 3/1975, ông Thước được thăng quân hàm Thượng tá, Tham mưu trưởng Chiến dịch Tây Nguyên,

Ngày 23/2/1975, Đại tướng Văn Tiến Dũng, đại diện cho Bộ Tổng tư lệnh, chính thức phê chuẩn kế hoạch của Bộ Tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên, trong đó có sự đóng góp tích cực của bộ phận tham mưu. Ngày 4 tháng 3, chiến dịch Tây Nguyên chính thức bắt đầu. Từ ngày 4 đến ngày 9 tháng 3, quân đội tổ chức cuộc nghi binh, triển khai đội hình, tạo điều kiện đánh Buôn Ma Thuột. Sau 6 ngày đêm chiến đấu, giai đoạn tạo thế lực của chiến dịch đã hoàn thành, Ban Mê Thuột bị chia cắt từ mọi phía, và trận đánh then chốt thứ nhất (ngày 10 và 11) đã thành công.


Sau chiến thắng Buôn Ma Thuột, ngày 8/4/1975, tại Lộc Ninh, Bộ chỉ huy Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định được thành lập. Lực lượng ta chia thành 5 quân đoàn theo hướng tấn công, Quân đoàn 3 hướng Tây Bắc, Đại tá Nguyễn Quốc Thước làm tham mưu trưởng,


Ngày 26/3/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu nổ súng, đến 30/4 xe tăng ta húc đổ cánh cửa sắt Dinh Độc Lập, hạ cờ của chế độ ngụy, treo cờ giải phóng. Chỉ mất 34 ngày. Quân đoàn 3, với tư lệnh là Thiếu tướng Vũ Lăng, Chính Ủy là Đại tá Đặng Vũ Hiệp và Đại tá Nguyễn Quốc Thước đã góp phần làm nên Đại thắng mùa xuân của dân tộc. Sau đó, từ tháng 7/1978 đến tháng 12/1979, Đại tá Nguyễn Quốc Thước ở cương vị Phó Tư lệnh rồi Trưởng Tư lệnh Quân đoàn Ba.


Do có thành tích trong nhiệm vụ giúp bạn giải phóng Cam-pu-chia, ông Nguyễn Quốc Thước được phong quân hàm Thiếu tướng, Bí thư Đảng uỷ Quân đoàn Ba. Năm 1983 ông được giao nhiệm vụ Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân khu 4.


Từ đó đến tháng 12/1996, ông được phong Trung tướng, Tư lệnh Quân khu 4, là Ủy viên Trung ương Đảng và đại biểu Quốc hội 3 khóa. Đến đây, mọi người biết về một đại biểu quân đội chất vấn sắc sảo, thẳng thắn chống tham những trong các kỳ họp Quốc hội. Nhưng tôi nghĩ, có thể ít người biết cuộc đời binh nghiệp của ông, vì ông rất bận và ít nói về mình?


Hoàng Chỉnh